Nên giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội

Giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội đã thống nhất về quan điểm nhưng chưa thực sự hành động.

Sáng 13/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn Khoa học "Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội nhằm thực hiện dịch vụ công" với đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp Hội Việt Nam

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp Hội Việt Nam nhận định, Diễn đàn khoa học là nơi để các nhà khoa học đánh giá thực trạng triển khai dịch vụ công ở Việt Nam, góp ý và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, đề xuất giải pháp để các tổ chức xã hội được tiếp cận các dịch vụ công vốn đang nằm trong tay các cơ quan công quyền.

"Ở nước ta, dịch vụ công đang chiếm ưu thế bởi các cơ quan công quyền, các tổ chức xã hội lại yếu thế. Theo nguyên lý, đáng lẽ chúng ta hướng đến mô hình Nhà nước nhỏ, xã hội to, Nhà nước quan tâm và trao cho các tổ chức xã hội thực hiện các dịch vụ công nhưng thực tế lại trái ngược" - TS. Phạm Văn Tân nhận định.

Bà Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội (Liên Hiệp Hội Việt Nam) cho biết, cho đến nay, chưa có một định nghĩa nào về dịch vụ công được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Nhưng về cơ bản, dịch vụ công được hiểu là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân và cộng đồng, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Có thể phân loại dịch vụ công thành 3 bộ phận: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp và dịch vụ công ích. Các khối tư nhân có xu hướng đòi hỏi Nhà nước xã hội hóa các dịch vụ công ích nhiều hơn trong khi các tổ chức xã hội, tổ chức KH&CN ngoài công lập, các tổ chức Hội, hiệp hội lại quan tâm đến các dịch vụ hành chính công và dịch vụ sự nghiệp công nhiều hơn.

Theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ, một số thành viên của Liên Hiệp Hội Việt Nam đã được giao thực hiện hoặc tham gia thực hiện một số dịch vụ công.

Ví dụ: Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam được phép cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng Hạng II và Hạng III. Tổng Hội Y học Việt Nam triển khai giám sát hành nghề y tế tư nhân, đào tạo và đào tạo lại cán bộ y tế, tham gia hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện, triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Đỗ Xuân Lân - đại diện Bộ Tư pháp nhận định, việc chuyển giao dịch vụ công từ phía Nhà nước sang các tổ chức đoàn thể xã hội ở nước ta hiện nay mang tính tất yếu khách quan thể hiện trong các cơ sở lý luận, cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn, góc độ chính trị.

TS. Đỗ Xuân Lân - đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại Diễn đàn.

Ông dẫn một số nghiên cứu kinh nghiệm các nước phát triển, nhất là các nước OECD cho thấy, cần đổi mới hoạt động của Chính phủ, từ vai trò "bơi chèo" sang "cầm lái", có nghĩa là cần khắc phục những hạn chế cố hữu của Chính phủ trong cung cấp dịch vụ công, đồng thời cần phát huy tối đa thế mạnh của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạnh Khoa học công nghệ 4.0 hiện nay, nhiều vấn đề xã hội, nhất là trong cung cấp các dịch vụ công thì các tổ chức xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước.

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng, Đảng và Nhà nước có chủ trương về việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức Hội đã có, nhưng chưa thật sự mạnh mẽ.

Theo quan điểm của KS. Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, dịch vụ công là một lĩnh vực mà nhiều cơ quan Nhà nước chưa muốn buông tay cho các tổ chức xã hội, không loại trừ có lợi ích nhóm.

KS. Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

Việc các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm thẩm định, nghiêm thu, kiểm tra giám sát, quản lý không khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi". Cần thay thế vai trò của Nhà nước thành "người lái đò".

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, KS. Trần Ngọc Hùng cho biết, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam là đơn vị tập trung nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực hoạt động xây dựng, tập hợp những chuyên gia lão thành nhiều kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn nên rất thuận lợi trong việc đánh giá, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động. Dẫu vậy, qua quá trình làm việc lâu dài với các đơn vị Nhà nước, Tổng Hội chưa được giao việc cấp chứng chỉ hạng I.

Diễn đàn khoa học tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý của giới khoa học đăng tải trong mục Diễn đàn Trí thức.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/nen-giao-dich-vu-cong-cho-cac-to-chuc-xa-hoi-3391331/