Nên gọi tên nhà văn như thế nào

Mấy năm lại đây, dường như chưa thấy một tác phẩm văn học thực sự nào được coi là 'đình đám' như hồi các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, hay 'Nỗi buồn chiến tranh' của Bảo Ninh, dù mới ở tầm cỡ quốc gia. Nhưng các cuộc luận bàn bên lề vô cùng sôi nổi, mới đây như việc gọi tên nhà văn như thế nào cho đúng 'tôn chỉ mục đích'.

Tác phẩm là thứ quan trọng nhất của nhà văn, chứ không phải được gọi tên như thế nào. Ảnh internet

Tác phẩm là thứ quan trọng nhất của nhà văn, chứ không phải được gọi tên như thế nào. Ảnh internet

Xôn xao việc gọi tên nhà văn

Vấn đề được khơi mào khi nhà văn Uông Triều cảm thán trên facebook: “Tôi cũng khá cởi mở và thoáng nhưng thấy một bạn trẻ viết văn gọi Bùi Xuân Phái là Phái, gọi Nguyễn Bính là Bính cộc lốc, tôi cứ thấy thế nào đó. Hay là tôi đã già mất rồi?”. Với vài dòng này, có thể cảm nhận được Uông Triều không muốn cho các nhà văn ít tuổi gọi nhà văn hơn tuổi, nhất là những tác giả đã mất bằng một cái tên trống không như vậy.

Sau dòng cảm thán này, hiện ở trang cá nhân của Uông Triều nhận được nhiều bình luận trái chiều. Tôi xin dẫn ra đây một số bình luận tiêu biểu cho sự đối nghịch nhau đó:

“Rõ ràng là tùy ngữ cảnh”.

“Hỗn, hay như người cũ thường nói con nhà thiếu giáo dục. Khi vào trang của ai dù lạ hay quen cũng nên tìm hiểu thông tin tối thiểu để biết mà ứng xử. Có thể họ ko rành về họa sĩ BXP, còn NB thì đại đa số đều biết, hay vì một lý do tiết kiệm lời...? Tôn trọng người là trọng mình. Buồn!”

“Quý ông, quý tộc luon trọng thị xưng hô, mày tao chí tớ là sản phẩm của mặc cảm nô tài?!”

“Gọi tên tộc như thế nghe khiếm nhã. Với người thường là thế hệ đi trước đã thiếu trân trọng huống chi các nghệ sĩ tên tuổi. Nên gọi cả họ tên đầy đủ hoặc thay thế bằng nghệ sĩ, thi sĩ, họa sĩ”.

“Thế là hỗn đấy ạ”.

“Đấy là tụi ngáo. Ngáo. Ngáo nặng. Không tôn trọng các người già, đi trước, gọi kiểu đó là sự sỉ nhục dĩ vãng, quá khứ mà tụi ấy giờ vô thiên lủng. Chú thắc mắc hả? Vả vỗ mồm giờ. Ấy là tụi ấy sẽ nghĩ thế. Anh đéo nói với tụi nhóc ấy. Cười và bảo, đéo chơi lũ mất dậy! Rồi nay mai tụi trẻ trâu khác lại lứa khac, chúng nó lên nó còn gọi đứa nào viết văn bản ấy là...NÍ NUẬN HẢ NÍ NUẬN CÁI NỒN!”.

“Họ là nghệ sĩ, họ có tuổi đâu anh. Mối quan hệ giữa họ với độc/ khán/ thính giả là mối quan hệ giữa nghệ sĩ và liên tài. Kẻ liên tài vì mộ quá , như nhập hồn vào chăng, mà gọi tên họ, như gọi một cá tính đặc biệt, một nhân cách khác thường, một cái tôi lịch sử ko trộn lẫn. Bảo Thương còn muốn một ngày nào đó độc giả gọi là Thương hoặc Bảo mà ko đc đây, kkk”.

“Gọi thế là "hỗn", không có văn hóa. Nguy!”

“Với cụ Phái (họa sỹ Bùi Xuân Phái) cụ Bính ( nhà thơ Nguyễn Bính)... gọi đầy đủ họ tên cũng cảm thấy là có gì đó chưa đúng mực, chứ chưa nói đến gọi các cụ chỉ bằng tên. Đúng, thế là hỗn.”.

“Tôi thấy chẳng có gì, cũng như người ta vẫn gọi Kun (Kundera), Dos (Dostoievski), Cao (Cao Hành Kiện)... ;-) Được gọi là Bính mà ai cũng hiểu đấy là Nguyễn Bính, thì quá sướng rồi ;-“.

“E nghĩ k nên dùng từ hỗn, chỉ là cách gọi sao quy được ng ta không tôn trọng các tác giả ấy? E chỉ thấy lạ là các nghệ sĩ thường k thích những ràng buộc luân lý của Nho giáo nhưng sao vụ gọi tên này lại lấn cấn thế nhỉ e cứ tưởng nghệ sĩ phải tự do (về tư tưởng) chứ”.

“K biết e nghĩ có đúng k nhưng Bùi Xuân Phái và Phái đều vẫn là tên thôi mà anh, có khác nhau đâu ạ nếu thấy là chưa đúng phép thì thêm ông/ danh họa mới đủ chứ ạ? Còn e nghĩ gọi thế nào cũng chỉ là danh xưng thôi ạ, nghe hợp nhĩ hay k có thể do nhiều nguyên nhân chứ chưa chắc ng dùng k có ý hỗn đâu ạ”.

“Già rồi đấy, nhất là đối với người làm việc bằng tiếng Anh. Lại còn là tư duy cũ nữa. Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu gọi Trần Quốc Tuấn là Tuấn, gọi Trần Khánh Dư là Dư. Nói chung, kèm từ ông, Bác, Cụ... trước tên riêng là bệnh của kẻ tự ti ở xã hội tôn ti...”

“Hi! Nhiều nữa ấy chứ bác! Gọi Hàn Mặc Tử là Hàn, Trịnh Công Sơn là Sơn... Có khi, vì thân lắm và vì Nhập đồng mà gọi thế ấy bác ạ!”.

“ao anh không nghiên cứu những pha gọi tắt này nhỉ: Trịnh Công Sơn là Trịnh (nhạc Trịnh), nhưng không có Phạm Duy - nhạc Phạm. Có “văn của Thiệp” nhưng không có “văn của Hương” (Dương Thu Hương). Cũng thế, có “tranh của Phái” - Phố Phái nhưng không có tranh của Phổ” (Lê Phổ). Những rút gọn này nói lên điều gì không?”.

“Rồi gọi Nguyễn Tuân là Tuân, gọi Trịnh Công Sơn là Sơn. Em đoán nó cũng gọi bố nó Nguyễn Văn A là A.”.

“Gọi Hàn nghe đc, gọi Bính lại thấy chướng tai, gọi Diệu, Cận, Hùng, Chương cũng chướng, nhưng gọi Vũ-Phụng thấy lại thân thuộc!”

“Em lại nghĩ chỉ những cá tính độc đáo, không trộn lẫn mới được gọi như thế. Gọi “Trịnh” mà tất cả vẫn biết đó là Trịnh Công Sơn. Gọi “Tử” mà vẫn biết đó là Hàn Mặc Tử. Gọi cụ “Nguyễn” mà vẫn biết đó là Nguyễn Tuân.... Không nhầm lẫn, vì ai cũng ý niệm là nhân vật đó rồi. Phải có tầm mới được như thế. Giống như GV, chỉ cần nhắc thầy “Chu” là ai cũng biết đang nói về thầy Chu Văn Sơn, thầy “Mạnh” là nói về thầy Nguyễn Đăng Mạnh, chứ không phải ai đó giống họ, giống tên. Cho nên sau này được gọi là ngài “Uông” thì phải lấy làm tự hào như người ta gọi “Đốt” (Đô-xtoi-ep-xki)”.

“Mình nghĩ, kính hay hỗn, yêu thương hay bỗ bã... phải nhìn vào cách người ta gọi, tức là cử điệu và cả ngữ điệu. Hay là cách trình bày trên văn bản, nó thể hiện ra như thế nào. Chứ không phải cứ gọi Phái là hỗn. Biết đâu đó là yêu? Hỗn hay yêu phải nghe giọng mới biết. Cũng như trong này, mình thấy nhiều người vẫn gọi Trịnh Công Sơn là Trịnh. Là trân trọng đấy. Cá nhân mình thì thích gọi đầy đủ họ và tên của nghệ sĩ hơn.”. (Hết trích dẫn).

Những bình luận trên như tôi biết, đều đến từ đa số là nhà văn, nhà phê bình, hoặc ít nhiều người có liên quan đến văn học, như nhà giáo dạy văn chẳng hạn.

Tùy văn cảnh, tùy người được viết mà gọi như thế nào cho xứng

Vấn đề trên khiến tôi nhớ lại khi đang là sinh viên Viết văn Nguyễn Du hồi 7 năm trước (2013), tôi có gửi bài “Nguyễn Huy Thiệp – Cái tên của thời đại” cho một trang điện tử do một nữ nhà văn trẻ quản lý. Chị yêu cầu tôi phải sửa Thiệp là Nguyễn Huy Thiệp mới đăng, vì gọi tên như vậy là láo, không được. Tôi không sửa. Sau đó, vanhien.vn đăng tải. Kể lại thêm, bài này đã được nhà phê bình Nguyễn Phượng chấm bài và cho điểm cao, ông không hề phản đối việc gọi Thiệp thay cho Nguyễn Huy Thiệp.

Tôi xin trích lại một đoạn nhỏ gọi Nguyễn Huy Thiệp là Thiệp trong bài của tôi:

“Truyện ngắn về lịch sử và văn học: Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết… Truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích": Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát, Giọt máu, ….Về xã hội Việt Nam đương đại: Không Có Vua, Tướng Về Hưu, Cún, Sang Sông, Tội ác và Trừng Phạt...Về đồng quê và những người dân lao động: Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ...Tuy vậy, với Thiệp, văn học là thứ tiêu khiển ở đời “Văn học không phải là tất cả. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió...” (Bài hoc Tiếng Việt). Nhưng đó lại là trò chơi cay nghiệt.

Thiệp đã chấp nhận nó để rồi ông phải cô độc trong nền văn chương quá rôm rả bây giờ. Ông thấy “Thời không có anh hùng/ Người không có tri âm” (Đời thế mà vui). Thật sự thì những nhà văn tài năng là những người cô độc hơn ai hết. Bởi lẽ họ không có người cùng trí tuệ để thông hiểu nhau.

Đóng góp lớn lao của Thiệp cho văn học nước nhà là ở bút pháp, cái nhìn độc đáo về hiện thực và nhất là sự khám phá mới về con người. Đây mới là điều đáng kể nhất ở Thiệp.

Ông không cố tình gò bó về bút pháp, hay ép cái nhìn độc đáo về hiện thực mà đó là sự khám phá mới về con người đã sinh ra bút pháp mới và cái nhìn độc đáo về hiện thực. Cũng vì thế, mà lối văn của ông thường đi vào ngõ cụt và bóng tối mà không thấy một hướng mới và ánh sáng nào khác.

Thế giới trong những truyện ngắn của ông đầy rẫy những trò nhố nhăng ở đời. Kể cả trong truyện ngắn “Muối của rừng”, một truyện được coi là trong sáng nhất của Thiệp”. (Hết trích dẫn).

Nếu giả dụ, gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở ngoài, mà tôi mới ngoài 20 tuổi, lại gọi: “Ê, Thiệp”, chắc tôi ăn đĩa sứ có chữ ký của ông quá!!! Ở đây, chúng ta nên phân biệt được văn bản và đời sống bên ngoài.

Tên, với người Việt Nam rất quan trọng, nó còn mang tính phong thủy, thậm chí ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. Tên người Việt được đặt theo cấu trúc: Họ + Tên đệm + Tên chính, có người chẳng cần lấy tên đệm. Hiện nay, có tên con được bố mẹ đặt theo sở thích của mình, như Honda, Samsung, rồi mẹ hoặc bố là người nước ngoài, nên tên con vừa Tây vừa Ta. Ngày xưa, còn có hiệu, biệt hiệu hay biểu tự, biệt tự... Như vậy đủ thấy cái tên quan trọng đến mức nào.

Nhưng ở đây, trong bối cảnh văn học, khi người viết viết tên một nhà văn trên văn bản với cách rút gọn hoặc thêm vào, thì chỉ nhằm nói lên ngụ ý của người viết, nó khác hẳn với cách gọi tên nhà văn ngoài đời. Rõ ràng, chúng ta nên phân biệt, cách gọi tên trong văn bản văn học với tên gọi ngoài đời. Vả lại, không phải nhà văn nào cũng được gọi tên bỏ họ và tên lót như Thiệp, bỏ tên lót và tên như Vũ tức Vũ Trọng Phụng.

Mặt khác, việc rút gọn tên nhà văn đó, cũng nhằm khẳng định đó là một giọng văn có cá tính, một giọng văn lạ, một nhà văn lớn. Đồng thời, nó còn giúp văn bản bớt trùng lặp lại từ đã được dùng trước đó. Tôi xin dẫn ra đây một đoạn, mà tôi cố tình thêm đầy đủ họ tên và chức danh của một nhà thơ, nhằm để cho người đọc thấy rằng, tôi rất lịch sự (đoạn tô đậm là tôi thêm vào).

“Hữu Thỉnh (sinh 15/2/1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh Vũ Hữu, là một nhà thơ Việt Nam. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1976, Hữu Thỉnh hiện là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (3 nhiệm kỳ liên tiếp) đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ cũng là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa X), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa X), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Hữu Thỉnh từng nói: “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa X), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Hữu Thỉnh cũng đã từng nói: “Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước”.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa X), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Hữu Thỉnh lại cũng từng nói: “Chúng tôi muốn giải thưởng này khuyến khích tài năng thật, không khuyến khích các giá trị trung bình, vô thưởng vô phạt kiểu phong trào”. Qua những đoạn tôi dẫn in đậm chắc là quý vị yêu văn học, yêu tiếng Việt đọc sẽ thấy rối đến mức nào.

Hay tôi sẽ gọi tên đầy đủ một nhà văn như sau, nhưng với nhận xét thêm, thì chẳng thấy lịch sự chút nào: “Đại văn hào Tần Văn Bơ viết hàng nghìn truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết, nhưng Đại văn hào Tần Văn Bơ chẳng được ai nhớ đến. Các cuốn sác của Đại văn hào Tần Văn Bơ thường được dùng để gói xôi. Đại văn hào Tần Văn Bơ thật sống không uổng phí đời”.

Và, chắc ít ai gọi Hữu Loan là Nguyễn Hữu Loan khi viết, cũng tương tự với Pushkin là Aleksandr Sergeyevich Pushkin, Gogol là Nikolai Vasilyevich Gogol, Dante là Dante Alighieri, Dostoyevsky là Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky...

Để kết thúc bài này, tôi xin dẫn ra ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Phượng: “Tôi không tham gia. Còn chi tiết mà có người cho rằng Vũ Gia Hà “hỗn” thì với tôi, tôi tôn trọng cách gọi tên các nhà văn như Vũ Gia Hà đã gọi mà không có ý kiến gì. Vì tôi quan niệm: 1/ Môi trường văn học là một môi trường đặc thù. Ở đó, cái tên hay đầy đủ họ tên, hay đầy đủ họ tên và các danh xưng phụ trợ khác suy cho cùng cũng chỉ là một thứ kí hiệu để ta biết kí hiệu đó đang nói tới ai. Việc đánh bóng các kí hiệu thực sự không cần thiết chưa nói có trường hợp trở nên lố bịch. Còn cách gọi rút gọn kí hiệu của Hà là hỗn hay không hỗn còn tùy thuộc vào ngữ cảnh mà kí hiệu đó tồn tại. 2/ Ý này của GS Cao Xuân Hạo: môi trường công cộng (trong đó có môi trường văn học) là môi trường không cần đến không khí gia tộc, thậm chí không thể chấp nhận thứ không khí này, vì nó quá thuận lợi cho chủ nghĩa con cháu (nepotism) chen vào và cho những thái độ kẻ cả của người này và thái độ khúm núm, nịnh bợ của người kia”.

Và tôi thấy rằng, tác phẩm là thứ quan trọng nhất của nhà văn, chứ không phải được gọi tên như thế nào.

Vũ Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nen-goi-ten-nha-van-nhu-the-nao-75898