Nền kinh tế ngày càng thâm dụng lao động

Theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia (System of National Accounts - SNA), GDP được tính theo ba phương pháp: phương pháp sản xuất, phương pháp chi tiêu cuối cùng và phương pháp thu nhập.

Hầu hết các nước phát triển tính toán GDP theo ba cách tiếp cận một cách độc lập và hầu hết các nước đều tính GDP bằng phương pháp sản xuất và chi tiêu cuối cùng một cách độc lập. Bảng nguồn và sử dụng được sử dụng để cân bằng và thống nhất chỉ tiêu này.

Việt Nam cơ bản tính GDP bằng phương pháp sản xuất, sau đó “chốt” lại rồi phân bổ cho các nhân tố của cầu cuối cùng, phần dư ra được đưa vào sai số thống kê một cách tương đối tùy tiện. Khi áp dụng các công thức tính GDP có thể thấy tăng trưởng GDP theo hai phương pháp sản xuất và chi tiêu cuối cùng tương đối khác nhau, đặc biệt là năm 2012 và năm 2015. Mặc dù không tính toán một cách độc lập hai phương pháp nhưng do xử lý vấn đề sai số tùy tiện dẫn đến tăng trưởng của phương pháp sản xuất và phương pháp chi tiêu cuối cùng khác nhau (hình 1).

Việt Nam không công bố GDP tính theo phương pháp thu nhập trừ những năm có bảng cân đối liên ngành. Từ bảng cân đối liên ngành của Tổng cục Thống kê (TCTK) năm 2007 và 2012 có thể thấy cấu trúc đóng góp của thu nhập của người lao động và thu nhập từ vốn thay đổi rất nhanh chóng. Nếu năm 2007 tỷ trọng của thu nhập lao động trong giá trị tăng thêm theo giá cơ bản khoảng 67% thì năm năm sau (2012) tỷ lệ này tăng lên gần 10 điểm phần trăm (77%). Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ đóng góp của vốn trong giá trị tăng thêm giảm 10 điểm phần trăm (từ 33% xuống 23%). Cấu trúc của giá trị tăng thêm thay đổi khá lớn và nhanh chóng như vậy thể hiện nền kinh tế ngày càng có xu hướng thâm dụng lao động và phải cần một lượng vốn lớn hơn nhiều mới có thể tạo ra giá trị gia tăng, hoặc nền kinh tế hầu như là một nền kinh tế gia công.

Kết quả điều tra doanh nghiệp của TCTK dường như cũng ủng hộ những nhận định trên. Khi tính toán hiệu quả của vốn trên doanh thu thuần, kết quả điều tra doanh nghiệp hàng năm cho thấy hệ số vốn/sản lượng ngày càng tăng. Năm 2011 bình quân cả nước cần 1,44 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần thì đến năm 2016 phải cần 1,73 đồng vốn mới tạo ra 1 đồng doanh thu thuần, hiệu quả giảm khoảng 20%. Đặc biệt, trong khu vực sản xuất trong nước là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp ngoài nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng sút giảm. DNNN từ chỗ cần 1,8 đồng vốn tạo ra 1 đồng doanh thu thuần năm 2011 đã tăng lên - cần 2,91 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần năm 2016. Trong ba loại hình sở hữu, chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu quả sử dụng vốn tăng mạnh. Khu vực này năm 2011 cần 1,17 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần, đến năm 2016 chỉ còn cần 1,05 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần.

Xét giai đoạn 2011-2016, để tăng lên một đơn vị doanh thu thuần, các DNNN cần một lượng vốn tăng thêm 19,3 đồng. Đây là một con số đáng báo động về hiệu quả đầu tư của khu vực DNNN. Điều này do thất thoát, lãng phí, đầu tư vào những công trình không để làm gì, không làm tăng giá trị tài sản của những chu kỳ sản xuất sau, xây những công trình phúc lợi, công cộng chưa cần thiết.

Mạc Bùi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279897/nen-kinh-te-ngay-cang-tham-dung-lao-dong.html