Nền kinh tế số Việt Nam trước triển vọng mới

Trong một bài viết mới đăng trên trang Open Gov Asia, tác giả Samaya Dharmaraj cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và mang lại những đóng góp quan trọng cho kinh tế của đất nước.

Bài viết trích dẫn số liệu từ một nghiên cứu cho thấy, vào năm 2015, nền kinh tế số Việt Nam được định giá 3 tỷ USD, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 9 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. “Những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự xuất hiện các mô hình kinh doanh mới trên internet đã thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người dân Việt Nam. Thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, với doanh thu năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD và ước tính đạt ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2020”, bài báo nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo tác giả bài viết, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam cũng phát triển với doanh thu khoảng 6,1 tỷ USD và giúp tạo việc làm cho hơn 851.000 lao động. Ngành quảng cáo trực tuyến đang có những bước đi lên nhanh chóng, với doanh thu dự báo hơn 1 tỷ USD vào năm 2020, cao gấp 3 lần so với con số đạt được vào năm 2016.

Ngành thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Hanoi Times.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong vòng 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển liên tục cả về cơ sở hạ tầng và thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, bài viết cho rằng sự bùng nổ của kinh tế số cũng đi liền với những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó có vấn đề an ninh mạng và áp lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Nhiều quốc gia xác định chuyển đổi kỹ thuật số là con đường sống còn đối với quá trình phát triển. Hội nhập tạo ra áp lực cạnh tranh từ các quốc gia khác, tuy nhiên cũng đem tới cho Việt Nam cơ hội tiếp cận với công nghệ mới nổi.

Đáng chú ý, bài viết nhấn mạnh để có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, những vấn đề nói trên đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ đồng bộ và nỗ lực từ cả khu vực tư nhân và nhà nước. Theo đó, một chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số cho rằng, cần tạo ra các hành lang pháp lý thuận lợi kèm theo các tài liệu quy phạm phù hợp với nền kinh tế số. Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trang bị các giải pháp công nghệ kỹ thuật số hiện đại để triển khai các ứng dụng kỹ thuật số kết nối thông minh, đẩy nhanh tốc độ áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử. Ngoài ra, cũng cần đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bảo mật thông tin. Các chuyên gia thì khuyến nghị triển khai dịch vụ 5G nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho quá trình kết nối.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam cần đẩy nhanh việc xã hội hóa đào tạo công nghệ thông tin, đặc biệt là việc cập nhật các chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng công nghệ mới và đem đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực này càng sớm càng tốt.

Nhìn về tương lai, tác giả cho rằng quá trình chuyển đổi kỹ thuật số được dự báo sẽ thay đổi hầu hết các phương thức sản xuất, thương mại truyền thống và có thể tái định hình nền kinh tế thế giới. Và Việt Nam đã có những bước đi nhằm nắm bắt những cơ hội của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số vốn đã trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên khắp thế giới.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nen-kinh-te-so-viet-nam-truoc-trien-vong-moi-592070