Nên nâng trần làm thêm giờ và để linh hoạt theo năm

Sẽ tác động trực tiếp đến quyền của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp – dự thảo về làm thêm giờ đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), nên sửa Bộ luật Lao động theo hướng có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Quang.

Đứng ở góc độ là một doanh nghiệp có sử dụng số lượng lao động lớn với đặc thù mùa vụ, ông đánh giá như thế nào về quy định về làm thêm giờ đang được áp dụng hiện nay?

Minh Phú là một Tập đoàn Thủy sản có khoảng 15.000 lao động hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện Minh Phú có 14 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm, chuỗi cung ứng và chế biến xuất khẩu. Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp một số khó khăn ngoài các rào cản kỹ thuật còn có các rào cản về chính sách an sinh xã hội. Việc này hầu hết liên quan đến quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

Hiện nay để bán được sản phẩm thủy sản qua chế biến ra thị trường nước ngoài, ngoài các điều kiện về nhà xưởng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… các doanh nghiệp còn phải đảm bảo các chính sách về trách nhiệm xã hội. Khách hàng nước ngoài khi mua hàng họ sẽ thuê bên thứ ba để đánh giá an sinh xã hội (ASXH) của doanh nghiệp. Đánh giá ASXH là đánh giá sự tuân thủ Luật Lao động của Việt Nam đối với doanh nghiệp.

Hàng năm, khách hàng đánh giá Minh Phú qua hàng chục tiêu chuẩn ASXH khác nhau, đồng thời thẩm tra đột xuất nếu Minh Phú vi phạm, khách hàng sẽ không mua hàng và phải chờ năm sau đánh giá lại. Vì vậy nếu pháp luật về lao động không phù hợp thì doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại.

Ông cho biết trường hợp cụ thể Minh Phú gặp phải liên quan đến việc tăng thời gian làm thêm giờ?

Tôi xin khẳng định không có một doanh nghiệp nào muốn làm thêm giờ nhưng doanh nghiệp rất cần làm thêm giờ bởi, đối với ngành cá, tôm nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đều có tính chất thời vụ. Vào vụ thu hoạch tôm, cá hoặc các nông sản khác người nông dân mang rất nhiều về các nhà máy để bán. Trong những ngày này, nếu các nhà máy nhận hết sản phẩm của nông dân làm ra để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm trong ngày, trong tháng dẫn đến bị lỗi. Nếu doanh nghiệp chỉ mua đủ số lượng sản phẩm của nông dân mang lại còn bao nhiêu trả về vì quy định của luật làm thêm giờ thì hậu quả sẽ ra sao? Người nông dân mang đến 5 tấn tôm, chúng tôi không thể trả lời chỉ lấy 3 tấn còn 2 tấn trả lại được.

Nhưng nếu nhận hết thì chỉ cần vi phạm thêm 1 giờ trong một tháng thôi là bị lỗi nặng. Khách sẽ không mua hàng mà phải chờ đến đợt đánh giá tiếp mà khắc phục được thì mới mua hàng. Trong khi phí mỗi lần đánh giá không dưới 3.000 USD. Việc làm thêm giờ để giải quyết hết những sản phẩm của nông dân làm ra lại vi phạm luật.

Nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách hàng, thì phải tăng ca làm việc dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm. Doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm; 300% làm thêm giờ cho những ngày lễ tết và 200% làm thêm vào ngày nghỉ. Khi tổ chức làm thêm giờ, giá thành của chúng tôi sẽ tăng lên từ 20-30%, tuy giá thành cao lên nhưng chúng tôi cũng không thể báo với bên mua là lô hàng này chúng tôi làm thêm giờ được mà vẫn phải bán với giá như bình thường.

Trong bản dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới nhất trước khi trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý quy định về số giờ làm thêm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Qua thực tế hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu. Minh Phú hiện có 4 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất Minh Phú cần 20.000 lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất. Vì những lý do trên, tôi đề xuất Nhà nước mở, đừng đóng khung giờ làm thêm để chúng tôi có cơ hội giải quyết hàng cho bà con nông dân. Theo đó sẽ bỏ quy định rằng buộc giờ làm thêm theo tuần theo tháng như các nước khác trên thế giới. Ví dụ về vấn đề làm thêm giờ, Nhật Bản đang quy định một năm không quá 600 giờ, còn để doanh nghiệp linh hoạt trong việc tổ chức làm thêm giờ. Doanh nghiệp Việt đang “chết” bởi những quy định về khung theo tuần, theo tháng.

Vì trong thực tế, người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Do đặc thù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong mùa vụ, không phải ngày nào cũng có nguyên liệu mà làm 10 tiếng/ngày. Hơn nữa chủ doanh nghiệp cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động mới đảm bảo được năng suất, chất lượng. Từ đó doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Mặt khác, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ để nhận lương thêm trang trải cuộc sống.

Trong thực tế, công nhân làm tại nhà máy của chúng tôi từ 8-12 giờ/ngày, lại tiếp tục đi làm thêm thời vụ tại các công ty khác cùng ngành thêm vài giờ nữa để kiếm thêm 3-5 triệu/tháng. Nên tổng thu nhập của họ lên đến 12-14 triệu/tháng. Kết quả hôm sau đến doanh nghiệp chúng tôi làm thì buồn ngủ, trốn việc… (số này khoảng trên 30%). Như vậy là nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập là có. Tuy nhiên nếu làm thêm giờ tại doanh nghiệp chúng tôi thì chúng tôi phải cân nhắc cho họ vừa có thu nhập, vừa có sức khỏe để làm lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Còn tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới nhất, cơ quan soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày + 40 giờ/tháng + 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm trong 5 loại công việc quy định tại Điều 107; Phương án 2, như dự thảo Chính phủ trình là 200 giờ/năm hoặc 400 giờ/năm do Chính phủ quy định.

Tuấn Phong (ghi)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nen-nang-tran-lam-them-gio-va-de-linh-hoat-theo-nam-113497.html