Nền nhiệt ở Lai Châu nhiều nơi giảm sâu, người dân gặp khó khăn

Khoảng 9 giờ sáng 10/1, tỉnh biên giới Lai Châu nền nhiệt tiếp tục giảm sâu, nhiệt độ trung bình giao động từ 5 - 7 độ C. Một số nơi vùng núi có độ cao trên 1.500m nhiệt độ đã giảm xuống còn 1 độ C, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Hiện nay tại các xã vùng cao như: Tủa Sín Chải, Làng Mô, Tà Ngảo, Sà Dề Phìn, Phìn Hồ, Hồng Thu, Tả Phìn, thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ); Dào San, Pa Vây Sử, Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè)... nền nhiệt đang giao động từ 1 đến 2 độ C. Dù đã chủ động cho công tác phòng, chống rét cho người cũng như cây trồng, vật nuôi, nhưng việc sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Do nền nhiệt xuống thấp nên nhiều nơi vùng núi cao trên, dưới 2000 mét so với mực nước biển ở Lai Châu bắt đầu xuất hiện

Anh Hoàng Trọng Thể, ở bản Nhiều Sáng, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ cho biết: Nhiệt độ giảm sâu, cộng với ngoài trời xuất hiện mưa nhỏ nên cảm giác rét buốt hơn. Bà con trên địa bàn hầu như ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất ngoài trời và phải sử dụng các thiết bị sưởi ấm ở nhà. Do điều kiện kinh tế của bà con trên địa bàn khó khăn, không mua được thiết bị điện nên việc giữ ấm chủ yếu là đốt củi.

Anh Thể cho biết: "Trong hai ngày nay bà con hầu như không tham gia sản xuất được vì do thời tiết quá lạnh. Công tác phòng chống rét ở đây thì do điều kiện kinh tế của bà con còn rất nhiều khó khăn nên chủ yếu phải sử dụng củi để sưởi ấm. Một số người do điều kiện công việc phải ra ngoài thì rất vất vả, gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại. Có trường hợp đã xảy ra tai nạn do chân tay bị cứng, nên khi lái đi xe cũng không được tốt".

Nền nhiệt giảm sâu nên nhiều nơi vùng núi có độ cao trên 2.000m ở các xã, bản thuộc các huyện Tam Đường Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ đã bắt đầu xuất hiện băng giá. Dù đã được tuyên truyền, chủ động cho công tác phòng, chống rét, đặc biệt là đối với đàn vật nuôi. Người dân cũng đã chủ động lùa gia súc về chuồng để chăm sóc, nhưng do rét đậm rét hại và có khả năng kéo dài, nên sức khỏe của đàn đại gia súc trên địa bàn cũng đã bắt đầu bị ảnh hưởng.

Dù đã chủ động đưa về chuồng nuôi nhốt, nhưng do thời tiết trên địa bàn Lai Châu xuất hiện nên bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe của đàn đại gia súc

Chị Nguyễn Thị Xinh, ở bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cho biết: Gia đình đã đưa hết đàn trâu, bò, ngựa về chuồng, quây bạt kín gió nuôi nhốt và đốt lửa để sưởi ấm cho chúng. Nhưng do rét quá nên bắt đầu xuất hiện tình trạng một số con trâu, bò bị cước chân. Nếu nhiệt độ mà tiếp tục giảm và kéo dài nữa thì khó mà giữ được cả đàn.

" Gia đình tôi cũng đã dự trữ rơm khô, trồng cỏ tươi, rồi là trồng cỏ nước và trồng thêm cả ngô nữa. Chúng tôi cũng đã chủ động che chắn chuồng trại cho vật nuôi, quét dọn sạch sẽ chuồng cho trâu, bò khỏi nhiễm bệnh và cho ăn rơm và cỏ thay đổi cho trâu bò được lo, không bị đói rét".

Trước thực trạng rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã ban hành công điện yêu cầu, yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương thành lập các đoàn công tác đến từng thôn, bản và hộ dân để kiếm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống rét cho người và phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Đồng thời, huy động lực lượng xung kích tại cơ sở, tổ chức xuống địa bàn hỗ trợ người dân triển khai phòng, chống rét, cũng như chủ động nguồn ngân sách dự phòng và phương án dự trữ nguồn giống, phân bón để kịp thời khắc phục khi có thiệt hại./.

PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nen-nhiet-o-lai-chau-nhieu-noi-giam-sau-nguoi-dan-gap-kho-khan-829678.vov