Nên rút gọn các quy định văn bằng, chứng chỉ

Nhớ lại tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV (11/2019) về dự thảo sửa đổi một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay: 'Trong công tác cán bộ hiện nay vẫn đòi hỏi đến 7 chứng chỉ, bằng cấp, điều kiện liên quan... Một là bằng đại học, hai là lý luận chính trị, ba là quản lý nhà nước, bốn là chứng chỉ bồi dưỡng chức danh, năm là chứng chỉ tin học, sáu là chứng chỉ ngoại ngữ, bảy là chứng chỉ quốc phòng'. Và Bộ trưởng hứa thời gian tới sẽ xin ý kiến các Ban của Trung ương và phối hợp các bộ, ngành giải quyết theo hướng rút gọn xuống mức thấp nhất có thể!

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Lời hứa của Bộ trưởng cũng đã gần một năm, những vẫn chưa thấy hội thảo, hội nghị hay văn bản nào về vấn đề này. Như chúng ta đã biết, quy định bằng cấp, chứng chỉ là cần thiết, song quy định thế nào để giữ đúng nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, không phức tạp hóa quy trình chuẩn hóa, bổ nhiệm mà vẫn có được đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ chuyên môn giỏi là điều cần xem xét.

Có một thực tế ở nước ta hiện nay, đa số ở các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, ngoài bằng đại học, muốn được bổ nhiệm ở vị trí quản lý (không xét các cơ quan nghiên cứu, đào tạo), hay được thi tuyển, xét tuyển viên chức, công chức phải có đủ các loại văn bằng, chứng chỉ. Chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng việc quy định nhiều văn bằng, chứng chỉ gây phiền hà, thủ tục rườm rà cho người lao động…

Thậm chí, trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, có những quy định đã được ban hành cách đây 20 năm đến nay vẫn sử dụng, do đó không còn phù hợp với tình hình mới. Và ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà.

Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”.

Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Bởi vậy việc áp dụng các tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ thời gian qua không ngoài mục đích nào hơn là để siết chặt công tác quản lý cũng như nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm ưu việt, xét trong bối cảnh hiện nay khi toàn hệ thống chính trị từ Đảng, đến Chính phủ đang tích cực triển khai công tác “đơn giản hóa thủ tục hành chính”, tiến tới xây dựng nền hành chính phục vụ, nền hành chính liêm chính, lấy chất lượng thay số lượng, lấy hiệu quả công việc thay số lượng bằng cấp, chứng chỉ, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng đã đến lúc ngành Tổ chức phải tổng rà soát lại các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện tại để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho ý kiến.

Tổng rà soát thế nào, tham mưu ra sao phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản đó là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nhưng phải đơn giản hóa thủ tục bằng cấp, chú trọng những bằng cấp cần thiết và năng lực thực tế của cán bộ, công chức, viên chức…

Công tác tổ chức cũng là một ngành khoa học, do đó đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu kỹ chu trình phát triển của trí tuệ con người, chu trình làm việc theo quy định Nhà nước của một cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (từ lúc làm việc đến lúc nghỉ hưu) xem cần học thế nào, cần bao nhiêu văn bằng, chứng chỉ là phù hợp.

Ví dụ, một viên chức, công chức theo quy định cũ nam đủ 30 năm công tác và 60 tuổi; nữ 55 tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian 30 năm công tác, ngoài tấm bằng đại học chuyên ngành, cán bộ, công chức đó cần bao nhiêu văn bằng, chứng chỉ để có đủ thời gian cho cán bộ, công chức, viên chức đó nghiên cứu, học tập chuyên sâu để lao động một cách hiệu quả nhất?

Còn với thời gian 30 năm công tác, mà người đó phải cần đến 7 loại văn bằng, chứng chỉ (chưa kể học thêm các bằng cấp đại học khác, thạc sĩ, tiến sĩ…) thì tính ra cũng mất khoảng 10 năm cho việc học! Rõ ràng quỹ thời gian cho công tác chuyên môn bị hạn chế, mà “tính” chất lượng của các văn bằng, chứng chỉ đó ra sao cũng là vấn đề cần bàn! Vì vậy, rất mong ngành Tổ chức tới đây sẽ sớm ban hành quy chuẩn khoa học về quy định văn bằng, chứng chỉ trong công tác tổ chức.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-rut-gon-cac-quy-dinh-van-bang-chung-chi-111797.html