Nên sửa Luật để có mục chi cho việc bồi thường oan sai

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, những người bị oan, sai đã phải gánh chịu những mất mát, tổn thương rất lớn nên những quy định liên quan đến hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường phải đảm bảo việc bồi thường “càng nhanh càng tốt”.

Tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã được trình ra Quốc hội?

- Tôi nhận thấy Dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ, ít ý kiến trái chiều và chất lượng tốt. Chính phủ đã rất nghiêm túc trong việc tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, thẩm định và ý kiến của các bộ, ngành để hoàn thiện Dự thảo Luật này.

Thưa ông, theo Dự thảo Luật thì phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ “gói” trong 3 lĩnh vực, chính bởi vậy nhiều ý kiến lo ngại quy định này chưa bảo vệ đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại theo tinh thần Hiến pháp?

- Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Theo tôi, quy định như vậy là trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn tình hình oan sai trong thời gian vừa qua cũng như tình hình bồi thường của Nhà nước đối với các vụ việc oan sai cho thấy oan sai chủ yếu tập trung ở 3 lĩnh vực đó. Do vậy, một số lo ngại nói trên chưa thực sự thuyết phục và có cơ sở.

Liên quan đến mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội về vấn đề này. Quan điểm cá nhân của ông về vấn đề trên?

- Hiện nay có 2 phương án. Trong đó, phương án 1 cơ bản giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành, tức chỉ có 1 loại cơ quan là Cơ quan giải quyết bồi thường; còn phương án 2 quy định 2 loại cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường. Tôi và đa số các ĐB khác ủng hộ phương án được nêu trong dự án Luật, tức là cơ quan nào làm oan, làm sai thì phải bồi thường, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ cũng như bảo đảm việc xác định chính xác mức độ vi phạm, sai phạm để có mức bồi thường phù hợp.

Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm thứ hai phản đối quan điểm thứ nhất vì cho rằng nếu để chính cơ quan làm oan, sai bồi thường thì có thể dẫn đến gần như- tất nhiên chưa thực sự chính xác là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tức là, anh làm sai rồi bồi thường, mà vấn đề bồi thường lại liên quan đến quy định hoàn trả tiền bồi thường cho Nhà nước, nên nhiều khi có thể khiến người bị oan nghi rằng cơ quan làm oan cố tình giảm mức bồi thường xuống để giảm thiểu số tiền bên làm sai phải hoàn trả.

Nên quy định khoảng thời gian tối thiểu của buổi xin lỗi công khai

Thưa ông, trong việc bồi thường oan sai, một trong những điều người dân quan tâm là chi phí bồi thường, nhưng Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) thì dường như vấn đề này vẫn chưa được quy định cụ thể?

- Tôi đã đọc Dự thảo Luật và nghĩ rằng nếu làm được như vậy thì rất tốt. Song, để có thể quy định chi tiết, cụ thể trong luật về từng khoản phải bồi thường thì không hề đơn giản, vì tất cả những chi phí trong cuộc sống của từng người đã có sự khác nhau và rất khó để nói rõ. Về điều này có thể phải tính thêm.

Ông có suy nghĩ gì về những phàn nàn cho rằng hồ sơ yêu cầu bồi thường, cũng như thủ tục yêu cầu thường oan, sai hiện còn quá rắc rối?

Cái gì cũng có mặt trái của nó. Nếu giải quyết nhanh chóng thì đôi khi có thể không chính xác, bởi có những yêu cầu bồi thường không phù hợp, không được khách quan. Để đảm bảo việc bồi thường diễn ra đúng pháp luật thì vẫn phải có giấy tờ hay cái gì đó để minh chứng, để yêu cầu Nhà nước bồi thường. Nhưng theo tôi, những mất mát, tổn thương mà người bị oan, sai đã phải chịu đựng có thể nói là rất lớn. Do vậy, về vấn đề hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường tôi thấy làm thế nào để nhanh chóng giúp cho người bị oan, sai được bồi thường càng nhanh càng tốt.

Thời gian qua, có không ít người bị tù oan gần chục năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng khi cơ quan chức năng tổ chức buổi xin lỗi công khai thì người đại diện cơ quan làm oan sai chỉ đứng lên đọc lời xin lỗi vẻn vẹn vài phút, sau đó tuyên bố buổi xin lỗi kết thúc. Điều này khiến cho người bị oan hụt hẫng và họ cảm giác mình chưa được tôn trọng, buổi xin lỗi chỉ làm cho hình thức. Vậy theo ông, có nên quy định về khoảng thời gian tối thiểu cũng như trình tự thủ tục trong các buổi xin lỗi người bị oan hay không?

- Quy định được như vậy theo tôi là rất tốt vì như thế sẽ tạo được sự thống nhất, tránh việc mỗi cơ quan lại có cách làm, thời gian, địa điểm thực hiện thủ tục xin lỗi khác nhau. Ngoài ra, nếu chúng ta có trình tự, thủ tục chuẩn thì sẽ tạo ra sự nghiêm túc, thực sự khiến người bị oan sai cảm thấy được trân trọng và phần nào an ủi được những tổn thương mà họ phải trải qua, tránh được việc có những trường hợp đi tù oan hơn chục năm nhưng việc xin lỗi chỉ kéo dài trong vài phút.

Một số ý kiến hiện nay đang băn khoăn về nguồn tiền chi cho việc bồi thường oan, sai, trong đó có ý kiến đề nghị lấy từ tiền xử phạt tham nhũng. Ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất này?

- Về hình thức thì việc lấy tiền từ xử phạt tham nhũng để chi cho việc bồi thường oan, sai là rất tốt vì như vậy chúng ta sử dụng tiền do vi phạm để bồi thường, tránh được việc lấy tiền thuế của dân. Nhưng tôi nghĩ tiền thu được từ xử phạt tham nhũng vẫn phải đưa vào ngân sách nhà nước trước sau đó mới chi theo Luật Ngân sách nhà nước chứ không thể thu từ tham nhũng để bồi thường luôn. Tôi cho rằng Luật Ngân sách nhà nước sắp tới có khi cũng phải sửa đổi để có mục gọi là chi cho việc bồi thường oan, sai.

Xin cảm ơn ông!

Hà Dung (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/nen-sua-luat-de-co-muc-chi-cho-viec-boi-thuong-oan-sai-302521.html