Nền tảng chung cho các khóa học trực tuyến của ngành Hải quan

Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức các khóa học thông qua Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (Hệ thống eLMS) nhằm làm nền tảng chung dành cho các khóa học trực tuyến của ngành Hải quan trong thời gian tới.

Hoạt động giảng dạy tại Trường Hải quan Việt Nam. Ảnh: H.Nụ

Hoạt động giảng dạy tại Trường Hải quan Việt Nam. Ảnh: H.Nụ

Hợp tác triển khai

Theo kế hoạch, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID (Dự án USAID TFP) tài trợ cho Hải quan Việt Nam và giúp Trường Hải quan Việt Nam tổ chức các khóa học trên Hệ thống eLMS sẽ tập trung vào các chủ đề đang được Hải quan Việt Nam quan tâm như: quy tắc xuất xứ, kiểm tra container, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, thủ tục quá cảnh hải quan và liêm chính hải quan (chống tham nhũng)…

Học tập trực tuyến sẽ giúp hải quan có kiến thức cập nhật nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp và cải thiện kỹ năng để vượt qua các thách thức hiện tại và tương lai, ví dụ như chuyển tải bất hợp pháp và gian lận nguồn gốc trong quá trình tạo thuận lợi thương mại, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Hệ thống eLMS cho phép hỗ trợ 1.000 người dùng cùng một lúc và là một cấu phần quan trọng trong kế hoạch phát triển thêm 10 khóa học nữa của Trường Hải quan Việt Nam trong năm tới. Được biết, trước đây, Dự án USAID TFP tài trợ và Trường Hải quan Việt Nam cũng đã tổ chức thí điểm thành công 1 khóa học trực tuyến 15 phút về quy tắc xuất xứ.

Cụ thể, Dự án USAID TFP sẽ hỗ trợ xây dựng một Hệ thống eLMS tại Trường Hải quan Việt Nam - đóng vai trò là một nền tảng chung dành cho các khóa học trực tuyến ngành Hải quan. Dự án USAID TFP cũng sẽ điều phối các khóa đào tạo cho cán bộ của Trường Hải quan Việt Nam về kỹ năng sử dụng và quản lý hệ thống đúng cách và cho các giảng viên của Trường Hải quan Việt Nam về phương pháp thiết kế các khóa học trực tuyến (thông qua một số khóa đào tạo giảng viên nguồn - ToT).

Theo Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam Nguyễn Đình Phiên, học tập trực tuyến sẽ giúp hải quan có kiến thức cập nhật nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp và cải thiện kỹ năng để vượt qua các thách thức hiện tại và tương lai, ví dụ như chuyển tải bất hợp pháp và gian lận nguồn gốc trong quá trình tạo thuận lợi thương mại.

“Sự hỗ trợ trong lĩnh vực học tập trực tuyến xuất hiện đúng vào thời điểm quan trọng, không chỉ do đại dịch Covid-19, đã làm thay đổi cách thức tiến hành đào tạo; cho phép Trường Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan có thể đào tạo nhiều cán bộ Hải quan trên cả nước một cách hiệu quả và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập ngày càng cao…”, ông Nguyễn Đình Phiên nhấn mạnh.

Hy vọng mở rộng đào tạo

Phát biểu tại Lễ ký biên bản ghi nhớ Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến cho ngành Hải quan Việt Nam giữa Hải quan Việt Nam và USAID ngày 21/7 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, việc hợp tác đào tạo trực tuyến cho Hải quan Việt Nam sẽ là nền tảng cho việc thực hiện Dự án USAID TFP đạt hiệu quả và mang tính lâu dài, không chỉ đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của ngành Hải quan mà hy vọng được mở rộng đào tạo cho các đối tượng đại lý làm thủ tục hải quan, cộng đồng DN, các nhà đầu tư…, quan tâm đến việc tìm hiểu, học hỏi kiến thức về lĩnh vực hải quan, hoạt động XNK…

Giám đốc USAID Michael Greene cũng chia sẻ, việc ký kết biên bản ghi nhớ để triển khai xây dựng Hệ thống eLMS đúng dịp kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng thể hiện cam kết của USAID với tư cách là một đối tác tin cậy đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung và với ngành Hải quan nói riêng… Trong đó, USAID đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành Hải quan nói chung và cho Trường Hải quan Việt Nam nói riêng trong các hoạt động nâng cao năng lực đào tạo.

Chia sẻ kinh nghiệm về học trực tuyến trong chương trình Clikc và chương trình đào tạo từ xa lần thứ 11 bằng tiếng Anh (VCOA) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), học viên Trịnh Khắc Sơn- công chức thuộc Cục Kiểm định hải quan cho biết, Clikc như một cơ sở dữ liệu/ thông tin online với các mô phỏng trực quan của WCO được thiết lập nhằm mục đích phổ biến một số kiến thức về các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan. Các chủ đề được lựa chọn linh hoạt tùy thuộc vào mục đích của học viên sử dụng và đặc biệt là bài giảng cho phép truy cập không giới hạn về thời gian.

Cũng theo học viên Trịnh Khắc Sơn, chương trình VCOA là khóa học trực tuyến về nghiệp vụ hải quan nhưng lại rất khác biệt với Clikc. Bởi đây là khóa đào tạo được thiết kế như một lớp học thực thụ trên nền tảng trực tuyến. Khóa học không chỉ cung cấp các kiến thức chung về thông lệ quốc tế cho cán bộ hải quan các nước, mà còn tập trung về việc tương tác. Tương tác giữa giáo viên với các học viên và đặc biệt là tương tác giữa học viên với học viên thông qua các hình thức trao đổi trực tuyến, chia sẻ các đặc thù riêng của hải quan các nước khác nhau trong diễn đàn.

Tuấn Kiệt

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nen-tang-chung-cho-cac-khoa-hoc-truc-tuyen-cua-nganh-hai-quan-130860.html