Nền tảng kinh tế của Anh rạn nứt vì Brexit?

Brexit đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Anh, vốn vẫn là thành viên duy nhất của G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, với nền kinh tế thu hẹp so với trước đại dịch.

Dự báo kinh tế Anh sẽ chịu tổn hại lớn nếu Brexit kéo dài. Ảnh: Reuters

Dự báo kinh tế Anh sẽ chịu tổn hại lớn nếu Brexit kéo dài. Ảnh: Reuters

Đã hai năm kể từ khi cựu Thủ tướng Boris Johnson ký thỏa thuận thương mại liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Theo ông Johnson, thỏa thuận Brexit sẽ cho phép các công ty của Anh hợp tác làm ăn nhiều hơn nữa với EU và Anh sẽ tự do đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại trên khắp thế giới trong khi tiếp tục xuất khẩu thuận lợi sang thị trường 450 triệu người tiêu dùng của EU.

Trên thực tế, Brexit đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Anh, vốn vẫn là thành viên duy nhất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, với nền kinh tế thu hẹp so với trước đại dịch.

Anh đã mất vài năm để định hình lại mối quan hệ thương mại với EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Những yếu tố không chắc chắn đã gây thiệt hại cho đầu tư tư nhân, với chỉ số này trong quý III/2022 vẫn thấp hơn 8% so với mức trước đại dịch, bất chấp thỏa thuận thương mại Anh-EU đã có hiệu lực gần hai năm.

Đồng bảng Anh giảm giá khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và khiến lạm phát trầm trọng hơn nhưng lại không thể thúc đẩy xuất khẩu, ngay cả khi các khu vực khác trên thế giới chứng kiến sự bùng nổ thương mại sau đại dịch.

Brexit đã dựng lên các rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp Anh và các công ty nước ngoài đặt trụ sở châu Âu của họ tại Anh. Các hạn chế này gây áp lực lên hoạt động xuất nhập khẩu, làm giảm đầu tư và góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động - tất cả góp phần khiến lạm phát tăng cao hơn, tác động tiêu cực đến người lao động và cộng đồng doanh nghiệp.

L. Alan Winters, đồng Giám đốc Trung tâm Chính sách Thương mại Toàn diện tại Đại học Sussex (Anh), bình luận, lý do chính đáng nhất giải thích tại sao kinh tế Anh hoạt động tương đối tệ hơn so với các nước khác là vì Brexit.

Cảm giác ảm đạm bao trùm nền kinh tế Anh, với hàng loạt đợt đình công của người lao động. Số lượng người bỏ việc lớn hơn bao giờ hết do mức lương và các điều kiện việc làm không đủ chống đỡ tình hình lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đồng thời, chính phủ đang cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để lấp lỗ hổng ngân sách.

Mặc dù Brexit không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh, nhưng nó khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn. Michael Saunders, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, cho rằng nước Anh đã chọn Brexit bằng một cuộc trưng cầu dân ý, và rồi Chính phủ Anh lại chọn một “Brexit cứng” đi kèm với cái giá phải trả cũng tối đa hóa. Mọi hy vọng về sự phục hồi kinh tế từ Brexit đã gần như biến mất.

* Suy thoái ở Anh có thể biến thành “thập kỷ mất mát”

Sau cuộc bỏ phiếu với đa số nghiêng về Brexit vào tháng 6/2016, mãi đến ngày 24/12/2020, Anh mới khai thông con đường rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan, khi Anh và EU cuối cùng đã thống nhất về một thỏa thuận thương mại tự do. Thỏa thuận Brexit, hay còn gọi là Hiệp định Thương mại và Hợp tác (TCA), có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Thỏa thuận loại bỏ thuế quan đối với hầu hết hàng hóa nhưng đưa ra một loạt hàng rào phi thuế quan, chẳng hạn như kiểm soát biên giới, kiểm tra hải quan, thuế nhập khẩu và kiểm tra sức khỏe đối với các sản phẩm thực vật và động vật.

Trước Brexit, một nông dân ở Kent có thể vận chuyển một xe tải chở khoai tây đến Paris dễ dàng như họ vận chuyển đến London. Những ngày đó không còn nữa. Michelle Ovens, người sáng lập của nhóm vận động cho các doanh nghiệp nhỏ ở Anh - Small Business Britain cho biết: “Chúng tôi nghe những câu chuyện hàng ngày từ các doanh nghiệp nhỏ về cơn ác mộng của các biểu mẫu, giao thông, vận chuyển, mọi thứ bị mắc kẹt hàng tuần liền…”.

Chi phí sinh hoạt đang tăng mạnh hơn tiền lương và tỷ lệ lạm phát hiện ở mức cao nhất trong 40 năm là hơn 11%. Mọi thứ đã trở nên khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ trong hai năm qua và hiện tại, họ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và áp lực tài chính ngày càng tăng.

Các nhà nghiên cứu tại trường đại học London School of Economics ước tính, xuất khẩu của Anh sang EU đã giảm 30% trong năm đầu tiên của Brexit. Nguyên nhân có thể là do các nhà xuất khẩu nhỏ đã rời khỏi các thị trường EU. Lấy ví dụ về Little Star, một công ty Anh chuyên sản xuất đồ trang sức cho trẻ em. Công việc kinh doanh của công ty bắt đầu phát triển ở Hà Lan và họ có kế hoạch mở rộng sang Pháp và Đức trong thời gian tới. Nhưng kể từ Brexit, chỉ có 2 trong số hơn 30 khách hàng Hà Lan sẵn sàng xử lý các chi phí và thủ tục giấy tờ để mua hàng từ công ty.

Theo Rob Walker, người đồng sáng lập Little Star, vào năm 2017, thời gian vận chuyển chỉ mất 2 ngày, nhưng nay đã tăng lên 3 tuần. Thuế nhập khẩu và thuế bán hàng khiến việc cạnh tranh với các nhà kim hoàn châu Âu trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Little Star hiện đang tìm kiếm cơ hội phát triển tại thị trường Mỹ.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Anh đối với hơn 1.168 doanh nghiệp cho thấy, 77% công ty được hỏi cho biết Brexit không giúp họ tăng doanh thu hoặc mở rộng quy mô. Hơn 50% cho biết họ cảm thấy khó thích nghi với các quy định mới về giao dịch hàng hóa.

Siteright Construction Supplies - một nhà sản xuất các kết cấu kim loại trong xây dựng - chia rẻ rằng việc nhập khẩu các bộ phận từ EU để sửa chữa máy móc bị hỏng đã trở thành một “cơn ác mộng” vừa tốn thời gian vừa tốn kém chi phí.

Nova Dog Chews, một nhà sản xuất thức ăn cho chó, cho biết họ sẽ mất toàn bộ hoạt động thương mại với EU nếu không thiết lập cơ sở trong khối. Điều này khiến doanh nghiệp tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ, mà số tiền lẽ ra có thể được đầu tư vào Anh nếu không có Brexit.

Trả lời phỏng vấn của CNN, người phát ngôn của chính phủ Anh nói rằng, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu của chính phủ đã cung cấp cho các doanh nghiệp “sự hỗ trợ thiết thực” trong quá trình thực hiện thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận này là thỏa thuận thương mại tự do không hạn ngạch, thuế quan bằng 0 lớn nhất thế giới. Thỏa thuận đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường Anh trên các lĩnh vực dịch vụ chính và mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Anh trên thị trường toàn cầu.

* Những thiệt hại vĩnh viễn cho thương mại và kinh tế

Nước Anh sẽ không dễ dàng thay thế những gì đã mất khi không còn quyền tiếp cận không hạn chế đối với khối thương mại lớn nhất thế giới. Các thỏa thuận thương mại mới quan trọng duy nhất mà nước này đạt được kể từ khi rời khỏi EU là với Australia và New Zealand. Theo ước tính của Chính phủ Anh, hai thỏa thuận này sẽ có tác động không đáng kể đến nền kinh tế Anh, giúp GDP trong dài hạn tăng lần lượt 0,1% và 0,03%.

Ngược lại, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) - cơ quan đưa ra dự báo kinh tế cho chính phủ - dự đoán Brexit sẽ khiến GDP của Anh giảm 4% trong 15 năm so với việc Anh còn ở lại trong khối. Xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 15% trong dài hạn.

Các dữ liệu ban đầu đã chứng minh dự đoán này. Theo OBR, trong quý IV/2021, khối lượng hàng hóa của Anh xuất khẩu sang EU thấp hơn 9% so với cùng kỳ của năm 2019, trong đó nhập khẩu từ EU giảm 18%. Xuất khẩu hàng hóa sang các nước ngoài EU cũng giảm 18% so với năm 2019.

Theo Jun Du, Giáo sư kinh tế tại trường đại học Aston University (Anh), sự sụt giảm xuất khẩu sang các nước ngoài khối EU có thể là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Anh trở nên kém cạnh tranh hơn khi họ phải đối mặt với chi phí chuỗi cung ứng cao hơn sau Brexit.

Nghiên cứu của tổ chức tư vấn Trung tâm Cải cách châu Âu ước tính, trong vòng 18 tháng tính đến tháng 6/2022, thương mại hàng hóa của Anh thấp hơn 7% so với khi Anh vẫn ở trong EU. Đầu tư giảm 11% và GDP thu hẹp 5,5% so với trước đây, khiến nền kinh tế thiệt hại 40 tỷ bảng Anh (48,4 tỷ USD) hàng năm. Con số đó đủ để chi trả cho 3/4 khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã công bố vào tháng 11/2022.

Anh được dự đoán là một trong những nền kinh tế hoạt động yếu nhất vào năm tới trong số các quốc gia phát triển. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính kinh tế Anh sẽ giảm 0,4%, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng GDP của Anh trong năm tới chỉ là 0,3%. Cả hai tổ chức đều viện dẫn lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Anh.

Theo Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), sự suy giảm trong hoạt động của khu vực tư nhân đã tăng tốc vào tháng 12/2022 và chỉ số này đã giảm trong 5 quý liên tiếp. Nhà kinh tế trưởng tại CBI - ông Martin Sartorius - cho rằng xu hướng giảm “có vẻ sẽ sâu hơn” vào năm 2023. Các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với một số trở ngại như chi phí gia tăng, tình trạng thiếu lao động và nhu cầu suy yếu - tất cả góp phần tạo nên triển vọng ảm đạm cho năm tới./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nen-tang-kinh-te-cua-anh-ran-nut-vi-brexit/275568.html