Nền tảng phát triển bền vững khu vực miền núi

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật là nền tảng nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học và Công nghệ trong giai đoạn tới.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình” giúp người dân nâng cao thu nhập.

Chuyển giao nhiều ứng dụng, tiến bộ khoa học và công nghệ

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai nhiều chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có Chương trình “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20).

Đây là chương trình đầu tiên nghiên cứu tổng thể và toàn diện các vấn đề của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong vòng 30 năm qua. Chương trình tập trung giải quyết 3 mục tiêu, đó là cung cấp luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đề xuất phương hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc, nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình CTDT/16-20 đã triển khai 51 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, với tổng kinh phí 176,1 tỷ đồng; xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ; chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Theo PGS.TS Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các sản phẩm nghiên cứu của chương trình có giá trị lý luận, thực tiễn và đã đề xuất được phương hướng và các giải pháp đổi mới chính sách dân tộc toàn diện, nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc thời gian qua.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh, những nhiệm vụ nghiên cứu trong Chương trình CTDT/16-20 đã tạo ra ngân hàng dữ liệu có nhiều giá trị khoa học mới, tạo nền tảng để nghiên cứu thực tiễn cho giai đoạn II (2021-2025).

Giải pháp phát triển bền vững

Để triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng, đề xuất Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn 2021-2025 (CTDT/21-25).

Giai đoạn này sẽ chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh, sáng chế có tính thực tiễn, kinh phí phù hợp với yêu cầu và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số và vùng miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng trên nguyên tắc: “Lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu, khoa học và công nghệ là giải pháp”.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, để thực hiện thắng lợi giai đoạn II của chương trình, Bộ sẽ tập trung vào 3 nội dung. Thứ nhất, thực hiện các quy trình phê duyệt khung Chương trình giai đoạn 2021-2025 để làm căn cứ triển khai, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhiệm vụ của chương trình được thực hiện đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật, thực sự thiết thực, hiệu quả, chất lượng cao nhất. Thứ ba, tiếp tục là cầu nối để kết nối giữa Chương trình CTDT/21-25 với các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác, từ đó tạo ra mối quan hệ thống nhất và sức mạnh tổng thể về khoa học và công nghệ, góp phần phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1006524/nen-tang-phat-trien-ben-vung-khu-vuc-mien-nui