Nên thống nhất tên gọi mô hình cơ quan báo chí mới

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc sáp nhập các cơ quan báo chí có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của các ngành, các địa phương là cần thiết.

Tuy vậy, chúng tôi cảm thấy băn khoăn về tên gọi cũng như vị thế pháp lý của những mô hình cơ quan báo chí vừa thành lập, nhất là mô hình cơ quan báo chí ở cấp tỉnh.

Ngày 10-9-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước, trên cơ sở hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước. Quyết định nêu rõ: Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương; góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

 Phóng viên báo, đài tỉnh Khánh Hòa tác nghiệp tại cầu cảng Cam Ranh. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Phóng viên báo, đài tỉnh Khánh Hòa tác nghiệp tại cầu cảng Cam Ranh. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Trước đó, ngày 1-1-2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, trung tâm được thành lập trên cơ sở hợp nhất về tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp báo chí, trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, báo chí.

Cần khẳng định rằng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc sáp nhập các cơ quan báo chí có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của các ngành, các địa phương là cần thiết. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ số hiện nay nhằm tái cơ cấu tổ chức, xây dựng tòa soạn hội tụ, nâng cao sức mạnh và năng lực cạnh tranh thông tin của các cơ quan báo chí hiện nay. Việc làm này khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp về thông tin giữa các cơ quan báo chí trong cùng một địa phương, một ngành.

Tuy vậy, chúng tôi cảm thấy băn khoăn về tên gọi cũng như vị thế pháp lý của những mô hình cơ quan báo chí vừa thành lập, nhất là mô hình cơ quan báo chí ở cấp tỉnh.

Thứ nhất, về địa vị pháp lý. Trong khi Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh, thì Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước lại trực thuộc UBND tỉnh. Như vậy, địa vị pháp lý của hai mô hình cơ quan báo chí cùng ở cấp tỉnh nhưng không thống nhất.

Thứ hai, về tên gọi. Đối với tên gọi “Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh” thì nội hàm quá rộng. Theo lý thuyết truyền thông chỉ ra, từ “truyền thông” trong trường hợp này (theo nghĩa “truyền thông đại chúng”) bao gồm nhiều kênh thông tin, như: Sách, báo in, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, điện ảnh, internet, hãng thông tấn... Trong khi chức năng bao trùm của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là thông tin, tuyên truyền, báo chí, mà lại bỏ đi hai chữ “báo chí” thì vô hình trung làm giảm vị thế, vai trò của báo chí.

Đối với tên gọi “Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước” thì hơi dài và việc sắp xếp các loại hình báo chí lại thiếu logic. Vì theo lịch sử ra đời và phát triển của báo chí, báo in xuất hiện trước phát thanh, truyền hình. Khoản 1, Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”.

Từ thực tế đó, chúng tôi thiết nghĩ, nên nghiên cứu để có sự thống nhất về tên gọi mô hình của cơ quan báo chí cấp tỉnh sau khi sáp nhập. Theo chúng tôi, nên gọi là “Trung tâm truyền thông-báo chí tỉnh…” thì hợp lý, khoa học hơn. Bởi tên gọi này vừa ngắn gọn, dễ nhớ, vừa nói lên bản chất, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí ở địa phương. Nên tránh tình trạng tên gọi mỗi nơi một kiểu, “trăm hoa đua nở” sẽ có thể gây khó cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí sau này.

Sau khi thống nhất tên gọi mô hình như vậy, nên để “Trung tâm truyền thông-báo chí tỉnh” trực thuộc tỉnh ủy. Vì hiện nay chúng ta đã có mô hình Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (học viện duy nhất trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Tại Khoản 1, Điều 4 “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” trong Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”. Như vậy, báo chí trước hết phải là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng.

Tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” cũng nêu rõ quan điểm đầu tiên là: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Do vậy, việc để cấp ủy địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện đối với cơ quan báo chí địa phương, từ đó sẽ góp phần bảo đảm cho báo chí định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội một cách ưu việt, hiệu quả hơn.

BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nen-thong-nhat-ten-goi-mo-hinh-co-quan-bao-chi-moi-591906