Nên tiếp tục các giải pháp kích thích kinh tế

(Toquoc)-TS.Võ Trí Thành chia sẻ về vấn đề tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế thông qua gói kích cầu thứ hai.

(Toquoc)- Rất nhiều người băn khoăn về vấn đề thúc đẩy kinh tế thông qua gói kích cầu cũng đồng nghĩa với khả năng phải đối mặt với lạm phát. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương xung quanh nội dung này. PV- Thưa ông, theo lộ trình, gói kích cầu thứ nhất sắp kết thúc và nước ta đã đạt được những thành tựu cơ bản trong phục hồi nền kinh tế, một vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp quan tâm là có nên tiếp tục gói kích cầu thứ hai? Quan điểm riêng của ông về vấn đề này ra sao? TS. Võ Trí Thành: Theo tôi thì vẫn nên tiếp tục các giải pháp kích thích kinh tế. Vấn đề là chúng ta sẽ phải bàn kỹ, gói giải pháp này ở quy mô nào, mức độ như thế nào? Cho đến nay, mặc dù nền kinh tế đã có sự hồi phục nhưng vẫn có gì đó chưa thật rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam thực tế vẫn phụ thuộc nhiều ở bên ngoài, đặc biệt là đầu tư và thương mại. Việc Việt Nam hồi phục được, không chỉ nhờ có gói kích cầu 17.000 tỷ đồng mà còn nhờ sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sự khởi sắc của các nền kinh tế khác vẫn còn yếu ớt, có cái lên và cũng có cái xuống. Có nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là sự hồi phục của tiêu dùng và đầu tư tư nhân ở các nước phát triển, chưa được rõ ràng. Quan sát của chúng tôi cho thấy, gần đây chỉ số CPI ở nước này thì lên nhưng ở nước khác lại giảm. Ngay như ở Mỹ, có nhiều chỉ số đã tốt lên, nhưng mức nợ quá hạn lại tăng lên. PV- Giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, trong đó vàng tiếp tục tạo cơn “sốc” khi dạt mức giá kỷ lục 23,3 triệu đồng/lượng khiến những ám ảnh về lạm phát tiếp tục là mối lo ngại lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, tiếp tục kích cầu sẽ xảy ra lạm phát cao. Đây là hai mặt của một vấn đề. Theo ông làm thế nào để giải bài toán khó này? TS. Võ Trí Thành: Năm nay sẽ đạt mục tiêu đưa lạm phát về một con số. Điều ấy là chắc chắn, năm nay lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng xu hướng các tháng tới thì có vẻ tăng. Điều đó là đáng lo ngại, đặc biệt cho nửa đầu năm sau. Cho dù các dự báo đều cho rằng, năm sau vẫn ở mức một con số, nhưng cao hơn năm nay, tức vào khoảng 8-9%. Vấn đề này sẽ dính đến câu chuyện định hướng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa... Chúng ta buộc phải bám sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước để điều chỉnh linh hoạt về chính sách. Như tôi vừa nói, sự hồi phục kinh tế trong nước còn phụ thuộc vào biến động tình hình thế giới, dù nó lạc quan hơn nhưng còn nhiều ẩn số, bất trắc khó lường. Những bất trắc đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động tới chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, gói kích thích thứ hai trong chừng mực nào đó có thể vẫn cần nhưng phải bàn cụ thể về qui mô... Các biện pháp liên quan như chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho nông dân vẫn cần làm. Nhưng ta phải tính toán cân đối các nguồn lực hiện có, và quan trọng là nó phải đến được đúng tay người hỗ trợ. PV- Như vậy là nếu thực hiện tốt việc kích cầu, thì sức ép về lạm phát sẽ không còn đáng ngại nữa? TS. Võ Trí Thành: Ở đây có hai khía cạnh, thứ nhất là xem xét sự hỗ trợ của Nhà nước thì phải nhìn tổng thể. Tôi cho là dù thế nào thì qui mô, mức độ của các biện pháp kích thích kinh tế sẽ phải giảm đi so với gói kích cầu thứ nhất. Điều thứ hai là đừng nhìn phiến diện về hiệu quả gói kích cầu thứ nhất. Vừa qua, chúng ta chỉ nói nhiều đến hỗ trợ lãi suất, nếu hiểu như thế thì chưa thạt đầy đủ. Phải đặt lên bàn cân tất cả các chính sách hỗ trợ trong thời gian vừa rồi để xem xét thật kỹ. Công việc này liên quan đến bốn nhóm: Đầu tiên là chính sách tiền tệ, các biện pháp hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động, cho vay trung và dài hạn, hỗ trợ cho nông dân mua thiết bị, máy móc nông nghiệp. Nhóm thứ hai là thuế; Nhóm thứ ba là chi tiêu ngân sách, tăng đầu tư, ví dụ như phát hành trái phiếu Chính phủ. Việc này cho đến nay chưa phải đã huy động hết như mình muốn, và thứ tư là hỗ trợ cho người nghèo. PV- Khủng hoảng đã bộc lộ những yếu kém cố hữu của nền kinh tế Việt Nam. Để khắc phục thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tìm đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng tự thân nền kinh tế sẽ điều chỉnh, còn quan điểm của ông về vấn đề này? TS. Võ Trí Thành: Đây là câu chuyện trung và dài hạn, nó gắn với toàn bộ quá trình cải cách của VN với mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập người dân tăng lên. Chỉ khác là, tại thời điểm hiện nay nhu cầu ấy càng đặt ra cấp thiết hơn. Trong khó khăn, hoạn nạn, mình thường nhìn rõ điểm yếu của mình hơn. Nhưng cải cách cũng cần quyết tâm lớn hơn và bước đi cụ thể và rõ ràng hơn. PV- Xin cảm ơn ông! TV (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Nen-Tiep-Tuc-Cac-Giai-Phap-Kich-Thich-Kinh-Te.html