Neo cuộc đời nơi cửa sông Nhật Lệ

Sớm tinh mơ, tôi theo bước chân những người đi lặn hàu nơi cửa sông Nhật Lệ. Hàu có ở nhiều nơi trong cả nước nhưng ở vùng Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình có đặc điểm riêng biệt, trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng cát.

Hàu nơi đây gắn bó với người dân từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày tạ thế. Khi đứa trẻ sinh ra, các bà, các mẹ dùng hàu non để chườm lưỡi. Khi già cả mất đi, con cháu nấu bát cháo hàu dâng người quá cố để về đất mẹ. Đến tuổi yêu đương, nhiều cặp đôi lại dắt tay nhau ra bờ sông khắc tên hai đứa lên vỏ hàu rồi thả xuống sông, nhờ lòng sông cất giữ cho một tình yêu đẹp…

Phận người phận hàu

Trong Ô châu cận lục ở quyển 2 của Dương Văn An (thế kỷ XVI) có viết về đặc sản hàu ở vùng đất này. Như vậy chí ít cũng đã gần 500 năm, người dân ở Quán Hàu sinh sống với nghề lặn sông tìm hàu. Đời cha rồi đời con, lặn hàu trở thành nghề truyền thống của địa phương. Câu chuyện về hàu, chuyện về thân phận bao nhiều cuộc đời gắn bó với loài nhuyễn thể thân mềm nơi cửa sông Nhật Lệ cuốn chúng tôi say trong buổi chiều xuân.

Công việc hằng ngày của nhiều phụ nữ ở Quán Hàu là bóc tách hàu.

Công việc hằng ngày của nhiều phụ nữ ở Quán Hàu là bóc tách hàu.

Nói về việc lặn hàu, khai thác hàu ở mảnh đất Quán Hàu không ai không nhắc đến anh Lê Văn Đáng và con trai Lê Đức Hùng. Họ là những người lặn giỏi nhất và được nhiều người nơi đây tự hào bởi gia đình có 4 thế hệ cha truyền con nối theo nghề hàu. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi gặp được anh Đáng bên một xe chở đầy hàu cạnh dòng Nhật Lệ.

“Nhà tôi 4 đời gắn bó với lòng sông, với những con hàu sống ở đáy sông này”, anh Đáng mở đầu câu chuyện với chúng tôi vậy. Ông nội anh Đáng là cụ Lê Bồn, rồi bố anh cụ Lê Đại Tương vẫn thường được nhiều người làng ở Quán Hàu nhắc nhớ. Bởi cả đời các cụ gắn bó với việc lặn hàu, mở ra những quán xá bán đặc sản hàu làm mê mẩn khách tứ phương khi đến nơi này.

Sông Nhật Lệ uốn mình chảy từ nguồn về đến địa phận Quán Hàu làm mình làm mẩy rẽ đôi tạo thành cồn Hàu. Điều đặc biệt ở cồn Hàu là nơi đây tập trung sinh sống của loài nhuyễn thể hàu. Hàu nhiều như trấu dưới đáy sông. Không ai biết địa danh Quán Hàu có từ bao giờ, song việc nơi đây có hàng trăm quán xá để bán đặc sản hàu được vớt tận đáy sông thì có từ gần 500 năm trước.

Trải qua hàng trăm năm dâu bể, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này độc nhất một loài nhuyễn thể. Và từ đó, mặc cho mùa hè bỏng rát, hay mùa đông rét cắt da, người dân vùng đất này vẫn gồng mình lặn xuống đáy sông để bắt hàu mưu sinh. Hàu bắt được, người dân đã đổi chữ cho con đến trường học thành tài. Hàu còn trở thành niềm thương nỗi nhớ cho bao đôi lứa nơi đây trong ngày kết tóc xe tơ. Người dân nơi đây tự hào Quán Hàu là làng thuộc đất Văn La, một làng văn hóa cổ nằm trong "Bát danh hương" của Quảng Bình.

Chỉ biết, khi phát hiện có hàu ở đáy sông, người dân đã đưa nhau đến đây lập làng và cuộc sống mưu sinh từ hàu bắt đầu từ đó. Mấy hôm nay trời rét đậm, song với người dân lặn hàu nơi đây thì chẳng hà cớ gì họ lại không ra sông. Bởi miếng cơm manh áo và xa hơn là cái chữ cho con trẻ họ đều trông chờ vào đoạn sông Nhật Lệ này.

Nhiều ngày liền đến Quán Hàu tìm hiểu, tôi mới cảm nhận được sự vất vả nhọc nhằn của những người mưu sinh từ đáy sông này. Các món đặc sản như cháo hàu, hàu xào cuốn bánh tráng, hàu nấu canh, hàu chiên... đã có mặt ở Hà Nội hay vào TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... thậm chí tại nhiều nhà hàng người Việt ở trời Tây cũng có món đặc sản hàu. Hàu có ở nhiều nơi song hàu ngon và nhiều thì chỉ có ở Quán Hàu này.

Từ 4 đến 5 giờ sáng, tôi nhập vào đoàn người của làng đi lặn hàu. Hàu chủ yếu sống vùng nước lợ, kinh nghiệm nhiều năm mách bảo cho người dân nơi đây nhìn nước thủy triều lên xuống để lặn hàu. Chỉ với một chiếc móc sắt để cạy hàu, hai đôi tất tay và chân với chiếc kính đơn giản, anh Đáng, anh Lân, anh Châu, anh Hùng... quăng mình xuống đáy sông để bắt hàu. Đánh vật hơn 5 tiếng đồng hồ với dòng sông, khi những chiếc rổ đã đầy hàu mọi người mới ra về, lúc đó mặt trời đã đứng bóng.

Chị Hoàng Thị Huy ngồi tách hàu cho biết: Hàu có cạnh sắc nhọn, lại bám chặt vào đá nên để lấy được hàu từ độ sâu 4-5m đã khó nhưng khi tách hàu cũng không kém vất vả. Chỉ sơ hở một tý là đứt lìa ngón tay. Làng Quán Hàu ít ai mà tay chưa bị cắt vì hàu. Nhìn những bàn tay nhăn nhít vì hàu, tôi lại nghĩ khi bưng trên tay món đặc sản hàu, mấy ai nghĩ hàu xuất xứ từ đâu...

Ở làng này, hàu đã hòa quyện trong đời sống người dân. Trời rét đậm, đã gần trưa nhưng ba cha con anh Lê Văn Đáng vẫn cặm cụi bóc tách từng con hàu cho vào rổ để kịp buổi chợ chiều. Trước đây, Quán Hàu nghèo nhưng không một đứa trẻ nào thất học, tất cả cũng nhờ hàu. Loài nhuyễn thể mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây đã được sử dụng đầy chất nhân văn. Hàu được đem bán để trang trải đời sống thường ngày, còn vỏ hàu được dùng trộn với xi măng, cát trắng để làm nhà.

Vợ chồng anh Lê Văn Đáng bên xe đầy hàu vừa được cha con anh lặn mang về từ lòng sông Nhật Lệ.

Chị Nguyễn Thị Hải vừa tách hàu, vừa cười vui: “Mấy đứa con tui đều ăn học trưởng thành từ hàu đó chú. Hằng ngày, khi sáng sớm các cháu đến trường tui đều bớt một ít hàu đem nấu cháo, chia cho mỗi đứa một bát. Trưa, hàu về, tui lại xào, nấu canh cải thiện. Người làng tui vẫn nói, không có hàu thì người làng sống bằng gì".

Giữ gìn hàu cho mai sau

Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam có 21 loài hàu bản địa, trong đó có 4 loài có giá trị kinh tế cao và cả 4 loài đó đều có nhiều ở Quán Hàu. Hàu ở cửa sông Nhật Lệ có vỏ to, dày, thịt hàu có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Năm 2005, lần đầu tiên hàu ở đây được mang ra Hà Nội tham dự hội thi ẩm thực toàn quốc. Vượt qua hàng trăm món sơn hào hải vị khắp ba miền, hàu Quán Hàu đã đoạt huy chương vàng. Hàu ở đây có mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, ấu trùng hàu trong môi trường tự nhiên nhiều nhất. Hàu được 1 năm hay còn gọi là hàu sữa, thịt hàu bấy giờ có vị béo, mùi thơm, thịt nhiều, màu sắc đẹp, kích thước vừa phải, đồng đều.

Trải qua nhiều thế hệ, nhiều người dân ở Quán Hàu quanh năm sống bằng nghề khai thác, thu hoạch hàu. Hiện, trên địa bàn Quán Hàu có 120 hộ với 450 nhân khẩu sinh sống bằng khai thác, kinh doanh, chế biến hàu. Hàu nơi đây đã trở thành món ăn đặc sản. Với sản lượng khai thác hằng năm từ 20-30 tấn, nếu hàu ở đây không được cơ quan chức năng sớm có cách bảo vệ, nuôi trồng nhân rộng thì sớm muộn gì cũng bị khai thác hết.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, hàu ở Quán Hàu gắn bó với người dân nơi đây từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày tạ thế. Khi sinh ra, con trẻ được dùng ruột con hàu tươi để chườm lưỡi. Lớn lên, trừ những buổi đến trường, các em lại ra bờ sông gắn bó với hàu. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, các đôi uyên ương lại đưa nhau ra bờ sông Nhật Lệ, nhiều đôi dùng vỏ hàu khắc tên hai đứa rồi ném xuống sông tìm sự minh chứng của cồn Hàu. Có bà vợ nấu cho chồng bát cháo hàu để làm nhẹ bớt cơn say. Khi một người làng rời cõi tạm, chắc chắn trên bàn thờ lại có món hàu đưa tiễn...

Nhìn những đứa trẻ mới lên tám, lên chín đã bắt đầu tập lặn hàu thật động lòng trắc ẩn. Nhiều em ngồi tỉ mẩn cạy từng con hàu cho vào rổ để mẹ kịp buổi chợ chiều rồi mới tới trường. Vất vả là vậy nhưng khi hỏi về việc học, các em đều cười hồn nhiên và quyết tâm đến trường. Nhìn chị Nguyễn Thị Tính cùng đứa con hơn 10 tuổi đổ gập người theo chiếc cào trong giá lạnh để nhặt từng con hàu mới thấy hết sự vất vả của người dân nơi đây.

Lặn mãi với dòng sông rồi sợ hàu cũng hết, nên mới đây UBND huyện Quảng Ninh tiến hành lập dự án thử nghiệm nuôi hàu thương phẩm. Ông Lê Ngọc Huân - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh khẳng định: huyện đang đẩy mạnh việc thả hàu, nuôi trong môi trường tự nhiên của lòng sông.

Từ năm 2000-2002, huyện đã đưa việc khoanh nuôi và bảo vệ phát triển hàu địa phương bằng cách thả đá hộc dọc bờ sông với hơn 100m3. Đây là biện pháp tạo vật bám cho hàu và thực tiễn thấy hiệu quả cao.

Hiện nay, ý thức khai thác của một số người dân còn hạn chế, như khai thác hàu nhỏ, khai thác vào mùa sinh sản của hàu, người dân còn khai thác bằng nhiều dụng cụ hủy hoại như cào tự chế, cào hết cả hàu nhỏ, hàu giống. Bên cạnh đó, có những hộ khai thác đá lòng sông làm vật liệu xây dựng đã “cướp” đi môi trường sống của hàu.

Dương Sông Lam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/neo-cuoc-doi-noi-cua-song-nhat-le-585289/