Nếp nhà

Khi mọi người bàn với mẹ bán căn nhà ngoài quê đi, tôi đã đứng lên kịch liệt phản đối. Tôi bảo, nếu một ngày mẹ thật già thì tôi nguyện bỏ Sài Gòn về đây sống.

Căn nhà gỗ ba gian do một tay cha gây dựng. Đó không chỉ là cái tổ anh em tôi lần lượt ra đời, còn là nơi chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm gia đình, nếu bán đi khác gì muốn xóa sạch ký ức.

Căn nhà đó là một phần cuộc sống, nơi tôi tìm thấy những gì trong trẻo nhất năm tháng tuổi thơ chung một mái hiên cùng ông bà cha mẹ. Tôi từng xấu hổ những ngày mưa căn nhà lợp mái tranh ủ dột, nhưng cũng yêu vô cùng những ngày nắng khi không gian tràn ngập tiếng chim và bóng rợp của khu vườn nhiều cây trái.

Cha tôi không còn sống đến lúc căn nhà lợp ngói. Nhưng tôi chắc ở một nơi xa xôi nào đó, cha sẽ rất buồn khi nhìn thấy lũ con lớn khôn sau ít năm xa quê chợt một ngày kéo nhau về bàn bán ngôi nhà thơ ấu để đưa mẹ lên thành phố. Lòng tôi bỗng nao nao...

Trên bậc cửa của căn nhà cũ kỹ này, không biết bao lần tôi và em gái ngồi đợi mẹ đi chợ về. Đợi từ lúc bước chân mẹ khuất sau rặng tre đến khi thềm nhà ngập nắng sớm, chỉ cần nghe một tiếng quen thuộc thôi là chúng tôi ào ra ngoài ngõ. Một tay níu áo mẹ, một tay lục tìm trong chiếc làn nhựa xây xước xem mẹ có nhớ mua về bịch bánh rán nóng ran mùi mỡ hay không.

Cha tôi những năm đó thường ngồi ở gian ngoài cùng, trên chiếc phản gỗ lim láng bóng, ông hút thuốc lào và lắng nghe radio. Chiếc phản ấy cũng là nơi ông nằm im lìm khi người ta chở ông từ trạm xá về, còn chúng tôi thì khóc.

Ngày nhỏ, tôi thường ngủ bên giường của mẹ, ở gian trong cùng, nơi được ngăn bằng lớp phên nứa mỏng cha đan có những ô vuông xinh xắn. Gian phòng này có lần tôi té ngất, lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong chiếc dù pháo sáng mà cha mang về từ chiến trường dành riêng làm chăn. Dù pháo sáng, tôi nhớ thứ vải đó được dệt mịn, mềm và mát lạnh vô cùng. Đó là một trong hai kỷ vật quan trọng nhất của cha thời quân ngũ, và của tôi sau này mỗi khi nhớ về cha.

Dưới mái nhà này, tôi chứng kiến bao lần cha mẹ giận hờn, bao lần anh chị em tôi gây gổ. Tôi cũng chứng kiến nụ cười của ông, lời thì thào của bà cùng rất nhiều ký ức dù êm đềm hay buồn bã. Tất cả cảm xúc đó tích tụ thành một thứ vô hình vốn gọi là nếp nhà.

Phải, có tiền, người ta có thể mua cả những lâu đài sang trọng nhất nhưng không ai mua nổi được ký ức. Ký ức ở trong tim ta, tim ta thuộc về ngôi nhà bé nhỏ của mình, cho dù nó có nghèo nàn cũ kỹ.

ĐỨC LỘC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/nep-nha-620619.ldo