Nếp sống mới ở huyện biên giới Phong Thổ

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lai Châu. Đời sống của nhân dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống giữa vùng thấp và vùng cao còn có sự chênh lệch, một số tập tục lạc hậu vẫn còn đè nặng lên một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vượt lên trên những khó khăn đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Phong Thổ đã chung sức, đồng lòng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, từ đó góp phần hình thành nếp sống mới ở từng địa bàn dân cư.

Những bài múa cổ của người Thái trắng là một phần không thể thiếu trong lễ hội Nàng Han, được tổ chức hằng năm ở xã Mường So. Ảnh: Nhật Minh

Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực sự đi vào cuộc sống và xóa bỏ những tập tục lạc hậu đè nặng lên đôi vai của mỗi người dân thì trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm không thể thiếu được các chỉ tiêu cụ thể về số gia đình, thôn, bản được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, UBND các xã thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân với nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trên đài truyền thanh, truyền hình huyện, các xã, thị trấn; đưa nội dung tuyên truyền lồng ghép vào các buổi họp, sinh hoạt thôn, bản, các buổi sinh hoạt đoàn thể.

Đặc biệt, Đội thông tin lưu động của huyện, tỉnh và các đội chiếu bóng vùng cao, thường xuyên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như khẩu hiệu, pa nô, xe lưu động, các tiểu phẩm, câu chuyện thông tin, biểu diễn văn nghệ tại các xã, bản. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ ở các đồn, trạm BP cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với các chỉ tiêu bình xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Bản văn hóa hằng năm cũng như việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Nhờ sự tích cực vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể nên việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Phong Thổ dần đi vào nền nếp, các tập tục lạc hậu trong tang ma như để lâu ngày trong nhà, xem bói chọn giờ chôn người chết, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cản trở hôn nhân tự nguyện... dần được xóa bỏ. Thay vào đó là bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi tộc người được bảo tồn, phát huy.

"Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã Mường So những năm qua được triển khai thực hiện rất tốt là nhờ gắn kết chặt chẽ với quy ước của từng thôn, bản. Vì vậy, đến nay, các đám cưới được tổ chức trang trọng, gọn nhẹ, tình trạng thách cưới bằng bạc trắng, ở rể lâu năm, hay cản trở hôn nhân tự nguyện đã được loại bỏ. Các lễ hội hằng năm được tổ chức tại xã Mường So do nhân dân tự nguyện đóng góp, phần lễ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, đúng nghi thức, phần hội phong phú, đa dạng với các trò chơi truyền thống" - ông Đèo Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Mường So chia sẻ.

Hằng năm, trên địa bàn huyện Phong Thổ có hàng trăm lễ hội được tổ chức ở phạm vi cấp bản và 5 lễ hội được tổ chức ở phạm vi cấp xã, huyện theo định kỳ. Các lễ hội này chủ yếu mang tính chất tín ngưỡng của mỗi tộc người, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người mạnh khỏe, trong đó, tiêu biểu phải kể đến Lễ hội "Gầu Tào" tại xã Dào San; lễ hội "Lộc Xuân" tại xã Sì Lở Lầu; lễ hội "Nàng Han" tại xã Mường So; lễ hội "Then Kin Pang" tại xã Khổng Lào... Riêng lễ hội Then Kin Pang được tổ chức quy mô cấp huyện 5 năm một lần.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó Đồn trưởng Đồn BP Dào San chia sẻ: "Có những hủ tục của một số tộc người ở khu vực biên giới này đã tồn tại hàng bao đời như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hay đám tang để lâu ngày trong nhà... cần phải được tuyên truyền thường xuyên, liên tục và phải kiên trì, bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức họp bản, tuyên truyền đến từng gia đình, thậm chí là cả ở những lán nương. Đến nay, sau 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Phong Thổ, các tập tục lạc hậu cơ bản không còn xảy ra, trai gái đã được tự do tìm hiểu, người chết không để lâu ngày trong nhà.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đời sống vật chất cũng như mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn huyện biên giới Phong Thổ ngày càng được nâng cao. Người dân ở các bản tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trai gái sau khi dựng vợ gả chồng không còn lo gánh nặng trả nợ như trước nữa. Các đám tang không còn tình trạng góp rượu, gà, gạo để ăn uống suốt mấy ngày liền. Nhiều lễ hội đang trong tình trạng mai một, thất truyền đã được khôi phục, bảo tồn ngay tại cộng đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện và các nguồn xã hội hóa. Toàn huyện có 187 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản; 61,5% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 72,19% số thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nep-song-moi-o-huyen-bien-gioi-phong-tho/