Nép vào lề đường cho... gỗ lậu lưu thông

Đường quốc phòng từ khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa về tới trung tâm xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) dài 20 cây số. Có mặt dọc tuyến đường này, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy vô tư chở gỗ lậu, chạy choán hết lòng đường, khiến người tham gia giao thông phải nép vào lề đường.

Đặc biệt, đoạn qua khỏi Trạm Kiểm lâm Hướng Hóa (đóng tại cây số 11) tới bản Ma Lai (Hướng Phùng), có nhiều con trâu kéo đang cùng người kéo gỗ từ những vùng rừng quanh đó đến tập kết xung quanh bản. Tại một điểm cách bản chừng 300m, chúng tôi thấy ngổn ngang gỗ lậu được xẻ thành phách, mỗi phách dày 20cm, rộng 40cm, dài tới 6m. Còn ở bản Ma Lai và các bản lân cận, gỗ lậu (được xẻ thành phách) chất từng đống lớn bên dưới nhà sàn. Ở giữa bản Ma Lai có một gia đình dành một khoảng sân rộng cho xe tải 3 cầu chở gỗ lậu đậu đỗ và tập kết một số gỗ lậu tại đây. Quanh đó, không ít gia đình đang giữ những phách gỗ dày 20cm, rộng tới 1m, dài 2,6m ở khu vực sân và vườn… Ông Nguyễn Xuân Thanh, Xã đội trưởng Xã đội Hướng Phùng cho biết: "Từ đầu năm 2009 đến nay, Xã đội Hướng Phùng tham gia cả 3 đợt truy quét, đẩy đuổi lâm tặc do Kiểm lâm và các lực lượng chức năng Hướng Hóa thực hiện, thu giữ khoảng 6m3 gỗ, gồm các loại gỗ sến, dổi và xoan đỏ. Tuy nhiên, ở đây khó nhận biết được lâm tặc vì đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép chủ yếu là người địa phương, mỗi khi bị bắt quả tang, họ nói khai thác gỗ để làm nhà, trong khi thực tế việc khai thác này là rất nhộm nhoạm, không ít người khai thác gỗ trái phép để bán cho các chủ nậu gỗ từ nơi khác đến". Khi hỏi mức độ nghiêm trọng của việc khai thác gỗ rừng trái phép ở địa phương, một cán bộ ở đây nói: "Họ thấy cây gỗ nào lớn, tốt thì chặt. Họ chở gỗ lậu lung tung lắm, ở rừng này cũng có, bên Lào về cũng có, chỉ chở ngang qua đường này cũng có". Ông Hồ Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng, sau khi xem những bức hình chụp cảnh gỗ lậu ngổn ngang ở Hướng Phùng, nói: "Số gỗ này do bà con chặt về để làm nhà. Còn những phách gỗ lớn này do bà con cưa xẻ ở những vườn nhà cũ, đem về để làm kỷ niệm(!)". Cũng theo ông Bình, trên địa bàn xã Hướng Phùng có 3 xưởng cưa, nhiều xưởng mộc là để phục vụ bà con, chứ không phải phục vụ các hoạt động khai thác gỗ trái phép(?!). Cũng như ông Bình, một cán bộ chức năng của huyện Hướng Hóa nói: "Đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép ở Hướng Phùng (và nhiều địa phương khác trên địa bàn Hướng Hóa) chủ yếu là người dân vùng cao thuộc diện hộ cận nghèo(?). Bà con có nhu cầu làm nhà trong khi chưa được nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về vật liệu và tài chính!". Tìm hiểu thực tế, tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép trên địa bàn Hướng Hóa từ nhiều năm nay là rất nhộm nhoạm. Trong đó, có không ít đối tượng là người ngoài địa phương đến "cắm bản" cùng với lâm tặc bản địa để khai thác, buôn bán và vận chuyển khối lượng lớn gỗ về xuôi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/8/118137.cand