Nestle trả hơn 7 tỷ USD để được bán cà phê Starbucks

Tập đoàn Nestle sẽ trả 7,15 tỷ USD cho Starbucks để lập liên minh cà phê toàn cầu với hãng này. Theo đó, 'gã khổng lồ' thực phẩm có trụ sở ở Thụy Sỹ sẽ được trao quyền bán các sản phẩm của hãng cà phê Mỹ trên khắp thế giới bên ngoài các cửa hiệu Starbucks.Tập đoàn Nestle sẽ trả 7,15 tỷ USD cho Starbucks để lập liên minh cà phê toàn cầu với hãng này...

Sản phẩm cà phê đóng gói bày bán tại một cửa hiệu của Starbucks ở New York - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, Starbucks ngày 7/5 tuyên bố sẽ sử dụng số tiền thu về từ thỏa thuận này để đẩy mạnh chương trình mua lại cổ phiếu. Starbucks dự kiến thương vụ sẽ giúp gia tăng lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của hãng muộn nhất vào năm 2021. Nestle thì cho rằng đến năm 2019 thỏa thuận này sẽ giúp hãng tăng lợi nhuận.

Thỏa thuận này là sự hợp lực giữa Nestle và Starbucks trên thị trường cà phê, một thị trường đồ uống có mức độ phân tán cao, nhưng chứng kiến một loạt thương vụ trong thời gian gần đây.

JAB Holdings, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân của gia đình tỷ phú châu Âu Reimann, đã thúc đẩy làn sóng hợp nhất trên thị trường cà phê thông qua một loạt vụ mua lại các thương hiệu như Douwe Egberts, Peet’s Coffee & Tea and Keurig Green Mountain, theo đó thu hẹp khoảng cách với Nestle.

"Liên minh cà phê toàn cầu này sẽ đưa trải nghiệm Starbucks đến nhà riêng của thêm hàng triệu người nữa trên thế giới, thông qua tầm với và danh tiếng của Nestle", Giám đốc điều hành (CEO) Starbucks, ông Kevin Johnson, nói trong một tuyên bố.

Cà phê là loại phổ biến đối với giới trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới, những người lớn lên cùng với thương hiệu Starbucks và cũng thường tìm đến với những thương hiệu cà phê nhỏ nhưng đặc sắc hơn. Việc người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền để mua những loại hạt cà phê đặc sắc và thức uống đặc biệt mở ra cho các công ty cơ hội có được tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với ở mảng thực phẩm đóng gói truyền thống.

Tờ Wall Street Journal nói rằng cà phê đã trở thành một dòng sản phẩm ưu tiên của Starbucks, bên cạnh nước đóng chai, đồ ăn cho thú cưng và dinh dưỡng trẻ sơ sinh. Tháng 9 năm ngoái, Nestle mua cổ phần lớn trong hãng rang xay và bán lẻ cà phê đặc sản Blue Bottle Coffee của Mỹ.

Hiện nay, Nestley đang tiến hành cơ cấu lại danh mục sản phẩm trải rộng từ bánh pizza đông lạnh cho tới nước đóng chai, mì gói và thực phẩm thuốc của hãng. Ngoài thương vụ Blue Bottle, vào năm ngoái Nestle đã mua lại Sweet Earth, một công ty có trụ sở ở California, Mỹ, chuyên về các sản phẩm thực dưỡng và dành cho người ăn chay. Vào tháng 6, hãng mua lại cổ phần nhỏ trong Freshly, một công ty khởi nghiệp (startup) chuyên bán trực tiếp các bữa ăn chế biến sẵn tại thị trường Mỹ.

Hồi tháng 1, Nestle đã bán lại mảng sản xuất bánh kẹo, với các nhãn hàng như Butterfinger và Baby Ruth, cho hãng kẹo Ferrero International SA của Italy với giá 2,8 tỷ USD bằng tiền mặt.

Cũng giống như các công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn khác, Nestle gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty địa phương, trong bối cảnh khẩu vị người tiêu dùng có sự dịch chuyển nhanh chóng về phía các thực phẩm được nuôi trồng tại địa phương theo phương thức hữu cơ. Ngoài ra, Nestle cũng gặp khó khăn trong việc tăng giá sản phẩm.

Thăng Điệp

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/nestle-tra-hon-7-ty-usd-de-duoc-ban-ca-phe-starbucks-20180507145857709.htm