Nét đẹp cổng làng ở Đan Phượng

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, khắp các thôn, xã trên địa bàn huyện Đan Phượng dấy lên phong trào xây dựng cổng làng bằng kinh phí xã hội hóa. Đây là nét đẹp với nhiều ý nghĩa và có giá trị về văn hóa, mang khát vọng của mỗi làng quê...

Cổng làng Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Cổng làng thôn Đông Khê, xã Đan Phượng như cánh tay dang rộng đón mọi người về với ngôi làng Đông hiếu học, mến khách. Cụ Nguyễn Xuân Tương (80 tuổi) kể: "Trước đây, thôn Đông Khê có cổng làng nhưng vào năm 1967 đã bị phá dỡ. Nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân địa phương đã họp bàn và quyết định xây dựng lại cổng làng".

Cổng làng Đông Khê có đôi câu đối viết về làng Đông Khê thời lập ấp và làng Đông Khê hôm nay học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía trên cổng làng có khắc 2 bức đại tự mà từng câu, từng chữ như ứng với truyền thống, mong mỏi của người dân trong làng.

Cụ Tương cho biết thêm, làng Đông Khê vốn là ngôi làng cổ trong tám làng Phùng thuộc tổng Phùng xưa. Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, ngày nay, con em Đông Khê vẫn tiếp bước truyền thống, đạt kết quả cao trong học tập, có kiến thức đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa xã Đan Phượng trở thành một trong những xã điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp. Hình ảnh cổng làng Đông Khê hiên ngang như ngăn cản những gì không lành mạnh và chỉ đón những điều tốt đẹp về làng.

"Nếu nhìn từ ngoài vào làng sẽ thấy bốn câu trên bức đại tự: “Minh sinh Đông môn”, nghĩa là cổng làng Đông, hướng về phía Đông, đón ánh sáng mặt trời, hiểu theo nghĩa khác là ánh sáng sinh ra từ cửa Đông của làng Đông. Nếu nhìn từ trong làng ra sẽ thấy bốn chữ "Cát tường Đông thổ", nghĩa là đất Đông Khê tốt lành, người dân hạnh phúc, thành đạt" - cụ Nguyễn Xuân Tương chia sẻ.

Huyện Đan Phượng là vùng đất cổ. Xưa kia, hầu hết các thôn, làng trên địa bàn huyện đều có cổng làng. Trải qua thời gian, nhiều cổng làng đã bị phá bỏ.

“Gần 10 năm trở lại đây, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tiếp nối thành công của phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện Đan Phượng đã vận động các làng xây dựng cổng làng, cổng chào. Đến nay, huyện đã xây dựng được gần 100 cổng làng” - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Công Khương cho biết.

Năm 2017, xã Hạ Mỗ đã xây dựng được 3 cổng làng mới. Ông Trần Trọng Kiểm - người dân địa phương cho biết, do xây dựng mới và mở rộng nhiều tuyến đường nên những chiếc cổng làng cũng được mở rộng.

Còn tại xã Tân Lập, chị Nguyễn Hồng Phong, cán bộ UBND xã cho biết, địa phương có 9/13 thôn, làng, cụm dân cư đã xây dựng được cổng làng với trị giá từ 150 triệu đồng đến cả tỷ đồng/cổng làng. Cổng làng do các thôn xã hội hóa xây dựng, bảo đảm về kiến trúc, quy mô, nét đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính, mỗi cổng làng đều có những nét kiến trúc riêng gắn với văn hóa từng địa phương, song đều bảo đảm quy chuẩn xe cứu hỏa, xe cấp cứu có thể vào - ra một cách dễ dàng.

Nhiều cổng làng được xây dựng với kinh phí lớn, kiến trúc đẹp và ý nghĩa như: Cổng làng Đông Khê (xã Đan Phượng), cổng Đông và cổng Tây của làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà), cổng làng thôn Quý (xã Liên Hà), cổng làng thôn Trung, thôn Hạ (xã Liên Trung)… Những chiếc cổng làng được xây dựng ngày một nhiều hơn đang góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của làng quê ở huyện Đan Phượng.

Cổng làng đang góp phần quan trọng vào gìn giữ nét đẹp văn hóa, tôn lên vẻ đẹp nông thôn của huyện Đan Phượng vừa truyền thống vừa hiện đại, để những người dân nông thôn thêm yêu làng quê mình hơn.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/900770/net-dep-cong-lang-o-dan-phuong