Nét đẹp của lòng tri ân

Trong 10 năm qua, cứ đến ngày 27/7, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Sơn đồng loạt tổ chức giỗ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương. Lễ giỗ được tổ chức trang trọng, thể hiện lòng tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thương binh Lê Văn Đạn, ở xã Bình Thanh (Bình Sơn), bên phần mộ của đồng đội.

Đã 10 năm kể từ khi địa phương lấy ngày 27/7 là ngày giỗ chung các liệt sĩ, thương binh Lê Văn Đạn (71 tuổi), ở xã Bình Thanh (Bình Sơn), đều có mặt trong ngày giỗ. Thắp nén hương lên mộ đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ xã, ông Đạn xúc động cho biết, không đợi đến ngày 27/7 mà mỗi khi rảnh rỗi, tôi vào nghĩa trang dọn vệ sinh, thắp hương cho đồng đội và chị gái. Nghĩa trang mới được tu sửa khang trang, trồng nhiều cây xanh rất mát, nên lòng tôi cũng an ủi phần nào. Mỗi lần đến dự ngày giỗ liệt sĩ, cảm nhận được sự quan tâm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, tôi rất xúc động.

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tên tuổi nhiều người con của quê hương Bình Sơn đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, toàn huyện có 7.439 liệt sĩ; hơn 4.500 thương binh, bệnh binh; có 1.542 Mẹ VNAH. Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết, huyện đã quan tâm xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, tu sửa nghĩa trang, tổ chức ngày giỗ liệt sĩ vào dịp 27/7 hằng năm... Huyện cũng đã xây dựng Nhà ghi ơn Bà Mẹ VNAH ngay cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Đây là nơi ghi danh 1.542 Mẹ VNAH đã cống hiến những người thân yêu của mình cho Tổ quốc.

Ông Đạn quê xã Bình Thanh, nhưng trong kháng chiến ông tham gia đội công tác của xã Bình Hiệp. Tháng 7/1969, ông bị thương ở núi Trám (xã Bình Hiệp). Trong trận đánh này có 3 đồng chí hy sinh, chỉ còn một mình ông Đạn sống sót. Một phần cánh tay trái của ông đã để lại ở chiến trường. Ngày hòa bình, điều khiến ông đau đáu trong lòng là xây dựng nơi an nghỉ cho đồng đội. Ông tham gia vận động người dân hiến đất, tháo gỡ bom mìn, phát quang cây cối... để xây dựng nghĩa trang. Qua 6 lần tu sửa, nâng cấp, Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bình Thanh hiện nay rộng gần 1.000m2, là nơi yên nghỉ của 270 liệt sĩ.

Từng có thời gian 22 năm làm Chủ tịch UBND xã, 10 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Bình Thanh, ông Trần Ngọc Sang chưa bao giờ vắng mặt trong ngày giỗ liệt sĩ. “Mỗi lần tham dự ngày giỗ liệt sĩ, tôi lại nghẹn ngào. Đây là nghĩa cử tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Trong nghĩa trang có gần 100 phần mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính, không biết chính xác ngày hy sinh, nên ngày giỗ chung có ý nghĩa đặc biệt, sưởi ấm anh linh các liệt sĩ”, ông Sang chia sẻ.

Như mọi năm, những ngày cuối tháng Bảy, chính quyền và người dân xã Bình Đông chuẩn bị chu đáo cho ngày giỗ liệt sĩ. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Bình Đông có 517 liệt sĩ, 104 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Đông Phan Văn Đông cho biết, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm đối với công tác "Đền ơn đáp nghĩa", những năm qua, xã tổ chức ngày giỗ liệt sĩ với sự tham dự của hàng trăm gia đình chính sách, đoàn viên thanh niên.

Từ khi xây dựng Nhà ghi ơn Mẹ VNAH bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ, ngày giỗ liệt sĩ được tổ chức trang trọng hơn, làm ấm lòng hàng nghìn gia đình chính sách. Qua đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về công lao của những người đã ngã xuống, để trau dồi đạo đức, nhân cách và lẽ sống, xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

Ngày giỗ liệt sĩ ở huyện Bình Sơn do ông Huỳnh Duy Việt - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, khởi xướng. Trong 10 năm qua, hoạt động tri ân này được huyện Bình Sơn nhân rộng và trở thành nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Bài, ảnh: THANH THUẬN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202208/net-dep-cua-long-tri-an-3128085/