Nét đẹp dựng cây nêu ngày Tết

Một vài nơi ở tỉnh Long An, nét đẹp văn hóa cổ truyền đang dần quay trở lại, trong đó, việc dựng cây nêu ngày Tết đang được phục hồi.

Nghi thức cúng tiên sư để thể hiện lòng tri ân với tổ tiên và các bậc tiền nhân. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN

Nghi thức cúng tiên sư để thể hiện lòng tri ân với tổ tiên và các bậc tiền nhân. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN

Hiện nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao dẫn đến nhiều giá trị văn hóa bị mai một trong các dịp Tết. Dù vậy, một vài nơi ở tỉnh Long An, nét đẹp văn hóa cổ truyền đang dần quay trở lại, trong đó, việc dựng cây nêu ngày Tết đang được phục hồi.

Ông Nguyễn Huỳnh Triều (nhà nghiên cứu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh Long An) là một người có nhiều tâm huyết trong việc phục dựng cây nêu ngày Tết. Ông cho biết, lúc đầu, ông dựng cây nêu ngay tại căn nhà của mình tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An. Thấy nhiều người quan tâm, năm nay, ngoài việc dựng tại nhà, ông Huỳnh Triều cùng những người trong Câu lạc bộ Thư pháp dựng tại Công viên Phường 3, ngã tư Quốc tế thuộc đường Hùng Vương nối dài (Phường 6, thành phố Tân An) và Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại xã Tân Bình, huyện Tân Trụ...

Cũng theo ông Nguyễn Huỳnh Triều, việc dựng cây nêu tại Công viên Phường 3 để cho trẻ nhỏ biết về ý nghĩa dựng cây nêu và tại sao Tết phải dựng cây nêu? Đây là một trong những phong tục tập quán ngày xưa nhằm tôn vinh, hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn người xưa đã đổ xương máu, mồ hôi, nước mắt, dày công lập nghiệp, mở mang vùng đất phương Nam.

Chuẩn bị dựng cây nêu tại công viên phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN

Cứ vào khoảng ngày 23 tháng Chạp, người dân miền Nam chuẩn bị cho việc dựng cây nêu để đón Tết Nguyên đán và hạ cây nêu vào ngày Mùng 7 tháng Giêng năm sau. Cây được chọn để dựng nêu là cây tre già, suôn thẳng, giữ lại phần ngọn. Ngọn nêu treo nhiều sản vật địa phương như ngô, bánh Tét, chuông gió, đèn lồng cùng lá phướn đỏ dài hơn 5m mang dòng chữ Ngươn - Hanh - Lợi - Trinh uốn lượn trong làn gió Xuân, gửi gắm mong ước tốt đẹp trong năm mới. Ngay sau khi thượng nêu, nghi thức cúng tiên sư được tổ chức bài bản theo đúng tập tục truyền thống, thể hiện lòng tri ân với tổ tiên và các bậc tiền nhân.

Việc dựng cây nêu ngày Tết đã gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từ rất lâu. Theo quan niệm của người dân, việc dựng cây nêu ngày Tết có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, bảo vệ gia chủ.

Cây nêu còn được coi là cây vũ trụ nối liền giữa đất và trời, thể hiện triết lý âm dương giao hòa. Cuối năm, trồng cây nêu vươn lên cao là để đón không khí ấm áp của mùa Xuân, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.

Cây nêu tại công viên phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long an. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN

Đặc biệt, ngoài ý nghĩa trên, người dân miền Nam luôn tưởng nhớ, tri ân đến công ơn tổ tiên đã vào vùng đất phương Nam khai hoang, lập ấp. Qua đó, dạy cho người dân biết cách sống, chuyên canh nông nghiệp là vùng lúa nước thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú ngày nay.

Ông Tôn Thất Hùng (ở thành phố Tân An) cho rằng, việc dựng cây nêu mang tính giáo dục rất cao và có ý nghĩa rất sâu sắc. Vừa nhắc lại công lao tiền nhân, vừa giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu rằng, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ông cha ta vẫn nhớ đến ngày Tết cổ truyền. Việc dựng cây nêu cũng là cách để tất cả mọi người cùng cầu mong mọi sự tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn.

Ngày nay, bên cạnh tiếp thu những yếu tố văn hóa mới, việc giữ gìn, bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, qua đó, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, cũng như tạo nên một không gian Tết ấm cúng, ý nghĩa và có chút hoài niệm Tết xưa là việc làm cần được duy trì và phát huy./.

Thanh Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/net-dep-dung-cay-neu-ngay-tet/277299.html