Nét đẹp mùa Xuân ở lưng núi, lưng trời Tây Bắc

Ai cũng ngỡ hoa ban hiện thân của Tết, xuân miền Tây Bắc. Nhưng thực ra, hoa đào mới là tín hiệu của đất trời Tây Bắc vào xuân. Và có thể nói, đào rừng, một giống đào cổ thụ búp chồi tua tủa như thắp nến, cánh hoa phớt hồng như má ửng của người con gái là thứ đào hoa mà người ta ưa chuộng nhất mỗi độ xuân về. Đó chính hiệu là đào Sơn La, đào Tây Bắc, một xứ sở hoa đào độc đáo, 'độc tôn' của đất nước.

Người Mường cư trú vùng cửa ngõ Tây Bắc thường không sống trên những đỉnh núi chót vót mù sương mà định cư ở những vùng thung lũng, triền đồi, triền sông, triền suối. Trong mỗi mảnh vườn vây quanh nhà sàn đều có ít nhất một cây đào đợi mùa xuân về nảy nụ, đơm hoa khoe lộc biếc. Người Mường có tục lệ cứ Hai ba Tết là dựng cây nêu trước nhà mời tổ tiên ông bà về ăn tết. Trước thời khắc giao thừa bao giờ cũng dâng lên bàn thờ bát nước suối nguồn trong vắt một nghi thức tín ngưỡng thờ nước thể hiện sự biết ơn uống nước nhớ nguồn.

Tết người Mường không thể thiếu dàn chiêng sắc bùa của đoàn người đến từng nhà chúc phúc năm mới. Trong dàn chiêng đủ bộ thường có tới 12 chiếc biểu thị 12 tháng trong năm, giao hòa cả bốn mùa xuân - hạ - thu - đông theo sự vần xoay của trời đất. Lễ khai hạ của người Mường thường mở đầu vào ngày mùng 7 Tết. Ngoài nghi thức rước thành hoàng làng, bà chúa thượng ngàn, chúa thác nguồn là những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống. Nổi bật nhất là hát lời thương, còn gọi là thường rang giao duyên nam nữ. Trò chơi cà kheo ngộ nghĩnh hài hước cũng là nét chấm phá trong lễ hội xuân của người Mường. Đã có không ít những lứa đôi tìm thấy tình yêu và hạnh phúc từ tiếng cồng ngân nga, từ lời giao duyên đằm thắm và những trò chơi, trò diễn của lễ hội Tết xuân ở xứ Mường.

Người Thái thường sinh sống ở vùng miền có độ cao hơn hẳn người Mường. Họ mở mang vùng đất cư trú của mình thành những cánh đồng rộng lớn phù phúc và độ phì nhiêu không kém gì ruộng mật bờ xôi miền châu thổ. Xưa kia, người Thái không ăn Tết Nguyên đán như người Mường, người Kinh, thay vào đó là ăn Tết theo mùa vụ canh tác mà bà con quen gọi là Tết cơm mới.

Tuy vậy, hội xuân lại được người Thái đặc biệt coi trọng và cây hoa ban trở nên thiêng liêng, thân thiết gắn bó như thể cây đào, cây mai ở các vùng miền khác trên đất nước. Mùa xuân là dịp người Thái tổ chức lễ hội cầu phúc, lễ hội hoa ban, có nơi gọi là hội xên bản, xên Mường.

Lễ hội mùa xuân của người Thái bao giờ mở đầu cũng là đám rước, tiếp theo là lễ cúng thần hiến sinh bằng con trâu mông to béo vạm vỡ. Sau khi trâu tế được mổ thịt để tế thần, cầu mưa, cầu mùa là lúc các trò vui, trò diễn đặc sắc dân gian của văn hóa Thái. Đó là múa xòe quanh con trâu tế theo nhịp trống chiêng. Ngày hôm sau của lễ hội là những cuộc thi tài bắn cung nỏ, súng hỏa mai và thi cỗ. Ngày thứ ba là ngày hội tự do sôi động với nhiều trò ném còn, ca hát, thổi khèn bè, sáo nhị, thi chim hót, thi trâu nhưng kiêng để trâu húc nhau. Vào các đêm hội là lúc hẹn hò, giao duyên gặp gỡ ướm hỏi của các đôi trai gái. Từ các cuộc vui này đã có nhiều mối tình nảy nở, nên vợ nên chồng.

Người Mông cư trú trên các dải núi cao rải rác khắp miền Tây Bắc ở Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, nơi nào có người Mông sinh sống, nơi ấy đều có những vườn đào, rừng đào nở rộ khi chớm tiết xuân về. Đến với người Mông là đến với xứ sở hoa đào Tây Bắc và cũng là đến với những cái Tết lạ không ấn định vào ngày tháng cụ thể.

Sau mùa gặt cuối năm, khoảng giữa Tết dương lịch với Tết âm lịch là lúc người Mông mở hội Gầu Tào đón năm mới. Mở đầu lễ là dựng cây nêu cao to để nguyên lá phần ngọn. Cây được chọn thường là mai, bương, trên cao treo các dải vải lanh và bầu rượu. Lễ cúng dưới chân cột nêu sau đó là các trò chơi dân gian và sinh hoạt văn hóa truyền thống thấm đẫm bản sắc dân tộc. Đua ngựa, đánh quay, đánh yến, ném Pao, chơi gậy, chơi vật, bắn nỏ, bắn súng kíp là các trò chơi thể theo phổ biến trong lễ hội Tết xuân của người Mông.

Đặc sắc nhất vẫn là các tụ điểm văn hóa ngày Tết. Thổi khèn và múa khèn Mông là môn văn nghệ thấm đậm chất thể thao, bởi sự vận động tài khéo dẻo dai trong thao tác nhạc cụ khèn ở nhiều tư thế vận động thân thể. Có thể nói, đó là môn võ khèn của các tráng sĩ Mông trên các đỉnh núi. Với thanh niên nam là cây khèn, thì với thanh nữ Mông lại là chiếc đàn môi thủ thỉ tâm tình mà trong đó, sự tài khéo giữa bàn tay và làn môi điệu nghệ, đa tình. Trong hội xuân bất kể là chiếc nào, nếu lọt vào tay trai gái Mông đều có thể trở thành chiếc kèn lá để bày tỏ lòng mình và tìm bạn tình tâm đầu ý hợp qua lời nỉ non tiếng lá.

Người Mông không chặt cành đào cắm trong nhà vào dịp Tết. Những tán cây đào nảy lộc, đơm nụ, nở hoa gần gũi với mái nhà, với sân nhà, với vườn nhà, với con người là cả một bản hòa ca giàn hương sắc trên các bản Mông xa xôi mà gần gũi.

Lên Tây Bắc mùa xuân này, bạn được thỏa chí ngắm hoa đào, hoa ban xứ sở rải rác từ làng bản tới núi đồi. Nếu may mắn hơn, bạn có thể bắt gặp tiếng hát mời trầu làm quen kết bạn của các cô gái Mường để rồi lắng lại trong lòng mình làn điệu cồng chiêng chắt lọc, thứ âm thanh diệu kỳ của cội nguồn sông suối. Cũng có thể bạn sẽ đến được xứ sở hội gội tóc bên sông, suối của hàng trăm cô gái Thái nõn nà, gợi cảm cùng với lời hát khắp tâm tình. Tắm suối mùa xuân e ấp cũng là một sở thích của thiếu nữ Thái bởi sự gợi cảm trong trắng vô ngần toát ra từ sự vô tư giữa thiên nhiên huyền diệu.

Chạm chân tới những đỉnh núi mùa xuân bạn sẽ bị hút hồn không chỉ sóng sánh váy hoa gấp nếp lượn sóng như nhảy theo nhịp bước chân, mà còn sững sờ trước vành ô e ấp nụ cười cô gái Mông má đào chín đỏ lời mời. Đó chính là những nét đẹp mùa xuân ở lưng núi, lưng trời Tây Bắc.

Ngô Quang Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/net-dep-mua-xuan-o-lung-nui-lung-troi-tay-bac/