Nét đẹp người lính nơi vùng biên Ia Nan

Trên con đường đất đỏ dẫn vào làng Nú, xã Ia Nan (Đức Cơ), hình ảnh hai người lính lặng lẽ đồng hành bên nhau đã tạo cho tôi ấn tượng thật đẹp. Một người đến từ Đồn BP Ia Nan, còn người kia thuộc quân số của Công ty 72, Binh đoàn 15, nhưng các anh có chung một điểm đến đó là những ngôi làng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) - nơi người dân đang cần một 'điểm tựa'…

Thượng úy Lê Minh Hải (bên trái) cùng Đại úy Phan Tiến Toàn trò chuyện với hai anh em Kpui Deo, Kpui Dúi. Ảnh: Thái Kim Nga

Chàng sĩ quan Biên phòng với công tác... phụ nữ

Tròn một năm kể từ ngày Câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc" xã Ia Nan chính thức đi vào hoạt động, lịch công tác của Thượng úy Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Ia Nan dường như được "ken" dày, mới lạ hơn. Đơn giản, anh được chị em hội viên phụ nữ địa phương tín nhiệm bầu vào Ban chỉ đạo CLB - một công việc chẳng mấy khi dành cho đàn ông và phải "chạy như con thoi" mỗi ngày.

Mặc dù là mô hình chuyên về công tác tự quản đường biên, cột mốc, song ở một địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng (chế độ mẫu hệ), vì thế Thượng úy Lê Minh Hải phải dành rất nhiều thời gian xuống các thôn, làng để hướng dẫn và trực tiếp tham gia các phong trào như: "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Xây dựng gia đình văn hóa" đến cả những việc vận động người thân trong gia đình không vượt biên, không tiếp tay cho các đối tượng vượt biên trái phép...

Để tìm hiểu độ chuyên sâu về công tác phụ nữ của chàng sĩ quan Biên phòng, tôi hỏi Thượng úy Lê Minh Hải về số lượng hội viên phụ nữ trong toàn xã. Anh trả lời mà không cần nhìn vào sổ tay: "Hiện tại, xã Ia Nan mới chỉ có 790 hội viên phụ nữ trên tổng số 1.831 gia đình, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 43%. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều, bởi có những gia đình có tới vài trường hợp chị em trong độ tuổi mà chưa được kết nạp hội viên...".

Theo Thượng úy Lê Minh Hải, con số này còn khá khiêm tốn so với thực tế nên trong thời gian tới, cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động chị em trong độ tuổi tham gia vào các chi hội phụ nữ thôn, làng. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần tạo ra nhiều "sân chơi" bổ ích để thu hút số chị em trẻ tuổi. Ví như hình thành các nhóm hội viên phụ nữ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, hoặc đẩy mạnh các hoạt động phong trào bề nổi như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Có như thế, phong trào phụ nữ ở vùng biên giới mới thực sự mạnh lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững các lĩnh vực khác, nhất là kinh tế và quốc phòng - an ninh.

Công tác phát triển hội viên tuy vẫn còn "nốt trầm", song mô hình CLB "Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc" ở xã Ia Nan có thể nói là điểm sáng cần được nhân rộng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai. Trong thời gian qua, CLB đã phối hợp với Đồn BP Ia Nan tổ chức nhiều đợt tuần tra biên giới, thu hút hàng trăm lượt hội viên tham gia. Chị em được tham gia kiểm tra các dấu hiệu đường biên, cột mốc, được tuyên truyền về chủ quyền biên giới quốc gia để từ đó góp thêm tiếng nói trong cộng đồng và gia đình nhằm phát huy tính làm chủ, trách nhiệm công dân đối với biên giới Tổ quốc.

Bên cạnh việc tham gia cùng đồn BP tuần tra bảo vệ biên giới, CLB "Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc" xã Ia Nan còn đóng vai trò "hạt nhân" trong công tác bảo vệ trật tự trị an thôn, làng. Tất cả các vụ việc phức tạp phát sinh trong đời sống cộng đồng đều được chị em hội viên trong CLB kịp thời đứng ra hòa giải, không để mâu thuẫn, tranh chấp lan rộng, không tạo ra những điểm nóng an ninh nông thôn.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trở ngại khi "đá lấn sân" của chị em, Thượng úy Hải cho biết, mặc dù anh là người duy nhất trực tiếp tham gia vào Ban chỉ đạo CLB, nhưng khi xảy ra vụ việc thì tất cả cán bô, chiến sĩ trong Đội công tác địa bàn của Đồn BP Ia Nan đều phải xắn tay áo vào cuộc. Xã Ia Nan là địa bàn tương đối ổn định về an ninh trật tự, tuy nhiên, các vụ mâu thuẫn phát sinh trong gia đình, cộng đồng thỉnh thoảng vẫn xảy ra, yêu cầu người lính Biên phòng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng trợ giúp. Ở địa bàn đã từng xảy ra vụ việc chồng say xỉn về nhà hành hung vợ trọng thương chỉ vì "không chịu đưa tiền cho tao mua rượu". Nhận được thông tin, anh em Đội công tác địa bàn nhanh chóng tiếp cận đối tượng và nạn nhân để xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, khi yêu cầu người trong làng đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu, chẳng ai dám động đến người "bị chảy máu" vì sợ Yàng (trời) phạt vạ. Vậy là, Lê Minh Hải lại cùng đồng đội "tay bồng, tay bế" đưa người bị thương ra Trung tâm y tế huyện. Xong việc, bà con tìm gặp cảm ơn BĐBP và hứa sẽ xóa bỏ nếp nghĩ cũ kỹ lạc hậu. Qua câu chuyện này càng thấy rõ dấu ấn đậm nét về người lính mang quân hàm xanh trên những thôn, làng vùng biên giới.

Hành trình đưa người bệnh trở về từ "cõi chết"

Theo chân Thượng úy Lê Minh Hải, chúng tôi xuống làng Nú tìm gặp người bạn, người đồng chí luôn đồng hành với anh trong các buổi tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn. Đó là Đại úy Phan Tiến Toàn, Đội trưởng Đội sản xuất số 8, Công ty 72, Binh đoàn 15.

Nói đến Đại úy Phan Tiến Toàn, người dân làng Nú chẳng bao giờ quên những hạt gạo nghĩa tình mà anh đều đặn sẻ chia cho người nghèo thông qua mô hình "Hũ gạo gắn kết" được triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay ở Công ty 72, hay những buổi chuyển giao kỹ thuật khai thác mủ cao su cho con em đồng bào DTTS tại chỗ. Đặc biệt, gần đây nhất là câu chuyện người Đội trưởng Phan Tiến Toàn với cuộc hành trình đưa người bệnh trở về từ cõi chết. Người được cứu sống là hai anh em Kpui Deo, Kpui Dúi, bệnh nhân phong (cùi) ở làng Nú và đây cũng chính là gia đình được Công ty 72 nuôi dưỡng suốt đời.

Hôm ấy, như thường lê, Đại úy Phan Tiến Toàn mang số gạo do Công ty hỗ trợ cho hai anh em Kpui Deo, Kpui Dúi sử dụng trong tháng. Vừa bước vào cửa nhà, anh giật mình khi thấy người anh Kpui Deo nằm bất động trên giường, bên cạnh là cậu em Kpui Dúi vừa khóc, vừa kêu làng: "Nếu không cứu sống anh trai mình, mình sẽ tự tử". Không kịp suy tính, Đại úy Toàn bế thốc người bệnh chạy vội ra đường đón xe đưa đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu. Tại đây, sau khi xác định bệnh nhân bị đột quỵ, Đại úy Toàn lại phải thực hiện thêm "cuộc đua" hơn 70km đưa bệnh nhân ra bệnh viện tỉnh.

Sau gần một tháng cùng với anh chị em công nhân trong đội thay phiên túc trực, chăm sóc chu đáo cho người bệnh, Đại úy Phan Tiến Toàn mới nở được nụ cười khi nhìn thấy anh Kpui Deo dần hồi tỉnh. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn chưa dứt, bởi tại thời điểm lâm bệnh, thẻ bảo hiểm y tế của anh Kpui Deo đã hết hạn mà chưa được cấp phát mới, trong khi các khoản chi phí đã "chạm mốc" 50 triệu đồng. Vậy là, người Đội trưởng lại tiếp tục cuộc hành trình tìm sự trợ giúp từ các cấp, các ngành và sự đóng góp của cán bộ, công nhân, người lao động trong đơn vị. Vất vả, nhọc nhằn, thậm chí có lúc tưởng chừng phải buông xuôi trong cuộc hành trình đưa người bệnh trở về từ cõi chết, song điều khiến anh hài lòng nhất đó chính là làm tròn bổn phận, trách nhiệm của "Bộ đội Cụ Hồ" vì nhân dân phục vụ.

Quây quần với những người lính trong ngôi nhà tình thương do Công ty 72 xây tặng, anh Kpui Dúi xúc động tâm sự: "Không bao giờ quên tình cảm của bộ đội dành cho gia đình mình. Nếu không có bộ đội, không có Đội trưởng Toàn giúp đỡ, chắc anh em mình đã chết từ lâu rồi. Có bộ đội về, cả làng Nú này, nhà nào cũng thấy vui...".

Tôi hiểu nỗi lòng của các chủ nhân vùng biên giới. Phía sau những lời nói, cử chỉ, việc làm đơn giản, mộc mạc ấy là nét đẹp truyền thống đầy tính nhân văn - một biểu tượng của sức mạnh tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân trong công cuộc xây dựng quê hương biên giới ngày càng ổn định và phát triển.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/net-dep-nguoi-linh-noi-vung-bien-ia-nan/