Nét đẹp phụ nữ Việt Nam qua 'Sắc màu cuộc sống'

Triển lãm ảnh 'Sắc màu cuộc sống' sẽ giới thiệu 40 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện cá nhân nhưng toát lên góc nhìn về vẻ đẹp lao động cùng phẩm chất chịu thương chịu khó của phụ nữ khắp các tỉnh thành trên đất nước hình chữ S - bình dị, gần gũi mà tràn đầy năng lượng, căng tràn sức sống.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Phóng viên ảnh Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Sắc màu cuộc sống” giới thiệu 40 bức ảnh của phóng viên ảnh Lê Bích

Đây là những bức ảnh lần đầu tiên được tác giả Lê Bích giới thiệu đến công chúng

Mỗi bức ảnh là những khoảnh khắc khắc họa sắc màu cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam một cách chân thực, gần gũi và đầy sức sống, phản ánh sinh động cuộc sống bình dị hàng ngày, hàng giờ của phụ nữ Việt Nam

Ẩn sâu trong mỗi bức ảnh là vẻ đẹp lao động cùng phẩm chất chịu thương chịu khó của phụ nữ khắp các tỉnh thành trên đất nước hình chữ S - bình dị, gần gũi mà tràn đầy năng lượng, căng tràn sức sống

Những nhân vật trong bức ảnh góp phần vào việc gìn giữ và phát triển các làng nghề - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đất nước; và đâu đó có những công việc đặc biệt, những giờ khắc lặng thầm, có lo toan, có vất vả…

Tác giả đưa vào trong khuôn hình của mình từ những người phụ nữ bán hoa trên các con phố, ngõ, ngách ở Hà Nội phục vụ nhu cầu người dân

Phụ nữ ở thị trấn Bần, Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên với nghề làm tương Bần truyền thống

Những sản phẩm gốm Phù Lãng (Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được chuốt thủ công bởi những phụ nữ khéo tay và cẩn thận

Nữ công nhân vệ sinh môi trường Hà Nội sau một đêm lao động làm sạch đẹp đường phố

Mặc dù phải làm việc ngoài trời dưới nắng nóng lên đến 40 độ C nhưng phụ nữ ở làng Xuân Hà, xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định, vẫn tần tảo sớm hôm bên cánh đồng muối để kiếm mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng

Phụ nữ dân tộc Nùng ở bản Phia Thắp, xã Quốc Dân, Quảng Uyên, Cao Bằng, làm hương trầm từ lá cây giang và mùn cưa gỗ thông mộc...

Phụ nữ ở làng nghề Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, đang sản xuất miến từ củ dong riềng. Mỗi ngày có khoảng 15 đến 18 tấn miến xuất xưởng tới các chợ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành

Phụ nữ lái đò ở Chùa Hương tranh thủ chăm sóc con trong lúc chờ việc

Người dân ở biển Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định, thu lượm sứa trôi vào bờ

Làng nghề hương xạ Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) nổi tiếng và lâu đời không chỉ ở tỉnh Hưng Yên mà còn trong cả nước, hiện nay, sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Á

Hơn 50 năm nay, nghệ nhân Đàng Thị Phan làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận, vẫn theo nghề truyền thống. Năm 2006, bà sang Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản… thi tay nghề và đoạt giải nhất. Bà khiến Ban giám khảo và du khách phục tài vì gốm được làm bằng tay và hoa văn tạo từ mẩu lược gãy

Phụ nữ làm trống ở làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam)

Những nữ cửu vạn chợ hoa quả Long Biên, Hà Nội không quản ngày đêm làm việc để kiếm thêm thu nhập. Mỗi chuyến phải kéo hơn 2 tạ, di chuyển trên quãng đường gần 600m

Những người phụ nữ địu trên lưng bao tải gạo leo đỉnh Mã Pì Lèng, Hà Giang

Dưới bàn tay tài hoa của người phụ nữ làng nghề điêu khắc thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội, các sản phẩm chủ yếu là tượng Phật, lọ lục bình, bàn cờ… tinh xảo đã được ra đời mang lại doanh thu lớn cho địa phương

Phụ nữ làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội, đang dùng răng tách sợi từ cỏ tế. Từ đây những sản phẩm như giỏ hoa, túi xách, đồ vật dụng gia đình đã xuất khẩu đi các nước Nga, Mỹ, Nhật…

Môi trường làm việc luôn nóng, bụi nhưng người phụ nữ ở làng nghề đúc gang Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng) vẫn luôn thực hiện hầu hết các khâu trong qui trình tạo ra sản phẩm. Nghề này đem đến sức sống mới cho vùng quê, là điểm sáng về phát triển kinh tế làng nghề

Nghề gốm ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội ) đã xuất hiện trên 1000 năm và từng có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIII-XIV. Hiện nay gốm vẫn được nung trong lò than truyền thống. Than bùn- nguyên liệu để nung gốm được người dân tận dụng các mảng tường trống để phơi

Hiện nay, một số làng ở tỉnh Nam Định vẫn duy trì nghề ươm tơ dệt vải, riêng làng Cổ Chất vẫn bám trụ với nghề ươm tơ thủ công, luôn lạc quan vào sự phát triển của nghề

Làng nghề dệt mành tre Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang) có lịch sử hơn 300 năm. Với bí quyết truyền thống cùng công nghệ hiện đại đã tạo ra sản phẩm có màu sắc phong phú, không bị mối mọt. Sản phẩm xuất khẩu được bạn hàng ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Nga, EU, Mỹ

Nghề tiện ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã có lịch sử hàng trăm năm. Trước đây nghề tiện làm thủ công, đến nay được cơ khí hóa nên năng suất lao động tăng, sản phẩm chất lượng cao. Nhiều đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ tinh xảo được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới

Một cảnh trong vở chèo” Súy Vân giả dại” của Nghệ sỹ ưu tú Thúy Ngần

Một buổi xuống phố cuối tuần biểu diễn nhạc cổ điển phục vụ khách du lịch ở phố Tạ Hiện, Hà Nội, của nữ sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Bà Phạm Thị Ký, làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm nón từ khi 10 tuổi, năm nay 93 tuổi bà vẫn ngày đêm miệt mài với nghề

Chở sứa từ thuyền đánh bắt vào trung tâm sơ chế bên bờ biển Xương Điền, xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định

Những nữ cửu vạn chợ hoa quả Long Biên, Hà Nội, đợi việc trong đêm đông

Phụ nữ ở làng nghề gốm Quyết Thành (Kim Bảng, Hà Nam)

Công nhân Công ty Vệ sinh môi trường Hà Nội cúng giao thừa trên hè phố Thợ Nhuộm trước khi làm nhiệm vụ

Xô kiệu trong lễ hội làng Xuân Đỗ Hạ, Cự Khối, Long Biên, Hà Nội, năm 2015. Trước đây con gái chưa chồng mới được rước Kiệu Bà nhưng hiện nay phụ nữ lớn tuổi cũng tham gia. Hội diễn ra trong 2 ngày 9-10/2 âm lịch hàng năm

Làng Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định là nơi duy nhất ở miền Bắc còn sản xuất khăn xếp. Trước đây, khăn xếp, áo the được mặc trong các dịp lễ hội, tiệc làng của người Việt. Gia đình anh Bùi Văn Lĩnh và chị Vũ Thị Nghinh một ngày làm 70-80 khăn xếp

Từ thế kỷ XIX, làng quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Quạt có nhiều loại, giá khác nhau tùy chất liệu và độ tinh xảo. Tùy công đoạn sản xuất, người già, trẻ em đều có thể tham gia

Phụ nữ ở làng nghề điêu khắc Bảo Hà, Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Được biết, tác giả Lê Bích sẽ tặng bản quyền những bức ảnh này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn những bức ảnh sẽ tiếp tục phát huy giá trị, không chỉ được lưu giữ mà còn truyền cảm hứng cho công chúng, để mỗi người thêm trân trọng những con người lao động chân chính…

Triển lãm diễn ra từ 30-8 đến hết ngày 30-9-2018 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lam Thanh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/net-dep-phu-nu-viet-nam-qua-sac-mau-cuoc-song/779828.antd