Nét đẹp truyền thống của tổ chức Công đoàn Thủ đô

Vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2020, nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đã rất xúc động khi nhận được sự quan tâm của các tổ chức Công đoàn Thủ đô. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người lao động cho biết, họ không đơn thuần nhận được một món quà có giá trị về kinh tế mà hơn hết họ cảm nhận được tổ chức Công đoàn chính là điểm tựa vững chắc của người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà, vé xe miễn phí về quê đón Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà, vé xe miễn phí về quê đón Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Bích Lan - công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đã có mặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô để tham gia chương trình “Tết Sum vầy 2020” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố tổ chức. Được biết chị là một trong những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của Công ty được LĐLĐ thành phố Hà Nội được trao quà hỗ trợ đợt này.

Nói về hoàn cảnh của gia đình mình, người phụ nữ nhỏ bé này rưng rưng xúc động, hai khóe mi như trực trào nước mắt: “Tôi quê ở Sóc Sơn, làm tại bộ phận Admin, phòng Hành chính nhân sự của Công ty. Tôi bị bệnh ung thư tuyến giáp từ năm ngoái, điều trị 6 tháng 1 lần. Hiện tại tôi cũng chưa có nhà ở đàng hoàng mà ở tạm trong căn nhà cấp 4 xập xệ. Mặc dù tôi được ông bà cho miếng đất ở quê nhưng con cái đang tuổi ăn học, bố mẹ già đã ốm yếu, bản thân lại bệnh tật thuốc thang thường xuyên nên vẫn chưa có điều kiện để xây nhà”.

Khi được hỏi gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn như vậy có được Công ty và Công đoàn quan tâm, hỗ trợ không? Chị Lan như phấn chấn hẳn: Hoạt động Công đoàn Công ty tôi rất tốt. Sự quan tâm và các chế độ phúc lợi rất kịp thời. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, Công đoàn Công ty có hỗ trợ 20 triệu đồng. Trước đó, tôi cũng đã được Công đoàn Công ty hỗ trợ 15 triệu đồng để có kinh phí chữa bệnh.

Nhờ có những hỗ trợ kịp thời đó mà tôi yên tâm chữa bệnh và có tinh thần ổn định để lao động sản xuất. Tôi xin cảm ơn Công đoàn Công ty và LĐLĐ Thành phố Hà Nội vì đã quan tâm, hỗ trợ gia đình tôi trong lúc khó khăn. Với tôi, đây không chỉ là sự hỗ trợ về kinh tế mà đó còn là món quà tinh thần vô giá giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn và giúp tôi yên tâm lao động sản xuất. Mong rằng, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những người lao động có hoàn cảnh khó khăn để luôn là điểm tựa vững chắc của người lao động”.

Do triển khai sớm kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân, viên chức, lao động nên các cấp Công đoàn đã chủ động tập hợp danh sách, phân loại các đối tượng công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi kịp thời.

Theo thống kê, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức trên 2.000 chuyến xe ô tô đưa trên 95.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; tặng quà cho 75.000 công nhân lao động và con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 50 tỷ đồng. Trong đó, LĐLĐ Thành phố chi trên 7,6 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động; rà soát các đối tượng công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền và vận động các đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức Công đoàn chăm lo cho người lao động.

Tại chương trình “Tết sum vầy 2020”, nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được LĐLĐ TP Hà Nội hỗ trợ Mái ấm Công đoàn trị giá 30.000.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh (Công nhân Công ty Cổ phần Diligo Holdings) là 1 trong 53 trường hợp sẽ được LĐLĐ Thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở trong năm nay.

Chị Thanh hiện là công nhân sản xuất bông tăm tại Công ty Cổ phần Diligo Holdings, có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Chị đang sống tại căn nhà cấp 4 lợp tôn, diện tích 30 m2, được xây dựng từ năm 1995, hiện tại ngôi nhà đã xuống cấp, tường bong tróc, nứt nẻ, nấm mốc, cửa nhà mối mọt. Ngôi nhà trên là của mẹ đẻ cho vợ chồng anh chị.

Nhắc về hoàn cảnh của mình, chị Thanh rưng rưng xúc động, kinh tế gia đình bắt đầu sa sút nghiêm trọng kể từ khi chồng chị phát bệnh tâm thần vào năm 2012, phải nghỉ ở nhà trong thời gian dài để chữa bệnh. Không may mắn nữa là con lớn của chị cũng bị tự kỷ từ bé, 5 tuổi mới biết nói. Hiện tại, cháu đã đi học lớp 4 nhưng nhận thức kém hơn các bạn rất nhiều. Con út nhà chị hiện tại cũng đã 3 tuổi nhưng cũng chưa biết nói. Dù luôn chịu thương, chịu khó, lao động cần cù nhưng gia đình chị luôn sống trong tình trạng bấp bênh, luôn phải chắt chiu, dành dụm từng đồng để chữa bệnh cho chồng con.

Đón nhận sự hỗ trợ từ chương trình, chị Thanh đã xúc động chia sẻ: “Tôi không nghĩ mình và gia đình sẽ có cơ hội được sữa chữa ngôi nhà đã xuống cấp vì số tiền bỏ ra quá lớn. Bởi với người lao động nghèo như chúng tôi, chỉ mong đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày đã là hạnh phúc lắm rồi. Giờ đây, được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, sắp tới các con và chồng tôi sẽ có một mái nhà khang trang hơn, hy vọng vào một cuộc sống tốt hơn.

Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Công ty Cổ phần Diligo Holdings, LĐLĐ quận Cầu Giấy và đặc biệt LĐLĐ thành phố Hà Nội đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí giúp gia đình tôi có động lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, ổn định cuộc sống, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao”.

Người lao động có hoàn cảnh khó khăn là đối tượng cần được chăm lo về vật chất và đời sống tinh thần để góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau, những mất mát, thiệt thòi trong cuộc sống của họ. Chương trình “Tết Sum vầy 2020” của Liên đoàn Lao động Thành phố đã mang lại không khí vui tươi, lành mạnh, đầm ấm của mùa xuân đến với họ, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Việc làm này hình thành nét đẹp truyền thống, có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội, giúp người lao động đón năm mới vui tươi, ấm áp, tạo thêm động lực để bước sang năm mới cùng nhau nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đoàn kết thi đua lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/net-dep-truyen-thong-cua-to-chuc-cong-doan-thu-do-103343.html