Nét đẹp văn hóa mùa lễ hội

Nói về lễ hội đầu xuân, Long An có 2 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ hội khác. Mỗi lễ hội dù lớn hay nhỏ đều được cộng đồng dân cư trong vùng dành nhiều công sức và tình cảm để gìn giữ, bảo tồn với những nét đẹp văn hóa không thể lẫn vào đâu được.

Cùng nhau gìn giữ nét đẹp văn hóa địa phương

Lễ hội là của dân, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và cũng được chính người dân bảo tồn, phát triển. Từ khi mười tám, đôi mươi, ông Nguyễn Văn Công - Chánh Hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc), đã đến giúp việc vặt cho Ban Hội hương tại miếu. Vừa giúp việc, vừa quan sát, học hỏi, về sau, ông tiếp nối truyền thống, tham gia vào Ban Hội hương và được bầu làm Hội trưởng nhiều năm nay.

Nhiều người sẵn sàng sắp xếp việc nhà để đến phục vụ tại Lễ hội Vía Bà Long Thượng trong nhiều ngày

Quan điểm của ông và Ban Hội hương chính là gìn giữ truyền thống tốt đẹp của lễ hội cũng như loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Chính vì thế, các phong tục cúng, tế tại Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành được Ban Hội hương chú trọng giữ nguyên theo truyền thống. Bên cạnh đó, hoạt động có nguy cơ trở thành mê tín thì được loại bỏ dần.

Ông Công cho biết: “Bây giờ miếu Bà Ngũ Hành không còn hình thức xin keo như trước nữa, người dân đến tham gia lễ vía cũng không còn bồi dưỡng riêng cho đoàn nghệ thuật bóng rỗi để cầu an cho gia đình mình. Chúng tôi luôn cố gắng giữ lại những nét truyền thống tốt đẹp để Lễ hội Vía Bà luôn là điều đáng nhớ trong lòng của mọi người”.

Đối với người dân Long Thượng, việc chung tay tổ chức Lễ hội Vía Bà hàng năm là một điều quan trọng. Rất nhiều người sẵn sàng sắp xếp việc gia đình để đến phục vụ với mong ước duy nhất là lễ hội thành công tốt đẹp, mỗi năm thêm nhiều người đến tham gia Lễ hội Vía Bà. Ông Nguyễn Thanh Liêm (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tôi làm nghề chở thuê, ký hợp đồng với công ty để giao cơm mỗi ngày nhưng đến Lễ hội Vía Bà, tôi nhờ người giúp để đến lo việc trong miếu. Tôi ở đội hốt nhang, cứ 4 giờ sáng là chúng tôi tới dọn dẹp miếu.

Lúc khách hành hương đến, chúng tôi dọn nhang trên bàn thờ để khu vực miếu không bị ngột ngạt do khói. Khi khách hành hương về hết, chúng tôi mang nhang ra ngoài, quét dọn miếu lại lần nữa mới về nhà, thường là quá nửa đêm. Chúng tôi làm như vậy thì khách đến viếng Bà mới thoải mái, có cái nhìn tốt đẹp về Lễ hội Vía Bà. Dù gì đây cũng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, không thể để khách đến thăm có ấn tượng không tốt được”.

Người dân chuẩn bị lễ vật tại điểm chiêu u trong Lễ hội Làm Chay

Lễ hội là của dân, thuộc về đời sống tinh thần của người dân nên cũng do người dân gìn giữ, lưu truyền. Việc người dân chung tay tổ chức lễ hội không có điều gì xa lạ, đặc biệt là tại Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành). Cứ đến đầu tháng Giêng, người dân Châu Thành lại nôn nao cùng chuẩn bị cho lễ hội. Người có công góp công, người có của góp của. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội và gần 1 tuần chuẩn bị, mọi chi phí về ăn uống đều do người dân, doanh nghiệp trong huyện đóng góp với mong ước lễ hội được tổ chức thành công.

Nét đẹp nhân văn

Không chỉ chung tay tổ chức lễ hội, cầu mong bình an, phúc lộc trong năm mới, Lễ hội Làm Chay còn nhắc nhở người dân Châu Thành ghi nhớ công ơn của tiền nhân, về tấm lòng nhân hậu và đoàn kết. Lễ hội Làm Chay ngoài việc cầu mưa thuận gió hòa còn là dịp để tưởng nhớ các anh hùng, nghĩa sĩ, những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, tiêu biểu trong đó là anh hùng Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.

Những ngày lễ hội diễn ra, khách hành hương không chỉ đến thắp nhang tại đình Tân Xuân mà còn thắp nhang, tưởng nhớ tại mộ anh hùng Đỗ Tường Tự. Hoa tươi, lễ vật và nhang khói hầu như không dứt tại khu mộ của ông trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Người dân thắp hương tại mộ anh hùng Đỗ Tường Tự trong Lễ hội Làm Chay

Không chỉ vậy, trên tất cả các ngả đường quan trọng ở các xã, thị trấn đều được người dân lập điểm chiêu u, cùng nhau bày lễ vật cúng, tế với mong muốn các vong hồn lưu lạc được đưa về với Tiêu diện Đại sĩ, nghe cầu siêu và siêu thoát. Người dân còn chung tay làm cỗ bánh dâng cúng để khi lễ hội kết thúc, tất cả bánh, kẹo được chia cho người tham gia lễ hội như chút lộc đầu năm. Ông năm Nhung (khu phố 2, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) cho biết: “Năm nào người dân trong khu phố cũng đóng góp cùng nhau làm cỗ bánh hình linh vật của năm. Chúng tôi trang trí linh vật thật đẹp để mọi người đến chụp ảnh; chuẩn bị bánh, nước để mời khách ghé thăm”.

Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành hay Lễ hội Làm Chay đều là những lễ hội lớn của tỉnh, đón hàng ngàn đến hàng chục ngàn người tham dự hàng năm. Lễ hội nào cũng diễn ra trong không khí vui vẻ, trật tự. Người đến lễ hội mang theo tấm lòng thành kính và ra về với niềm vui cùng chút lộc đầu năm. Nhận lộc vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống nhằm đem lại may mắn đầu năm mới. Nhưng nhận lộc trong bối cảnh lễ hội có hàng ngàn người tham dự nếu không được tổ chức một cách chu đáo và người nhận lộc không có ý thức thì rất có thể hoạt động đó sẽ trở nên hỗn loạn. Tuy nhiên, ở tất cả lễ hội lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ nhận lộc trở thành tranh lộc. Người đến dự có thể đông nhưng không vì vậy mà diễn ra cảnh tranh giành, giẫm đạp.

Có lẽ vì thế mà bao đời nay, nhiều người dù có đi đâu thì vẫn nhớ tháng Giêng về với lễ hội quê nhà./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/net-dep-van-hoa-mua-le-hoi-a150421.html