Nét đẹp văn hóa ngày xuân

Hàng nghìn lượt người đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám mỗi ngày trong dịp Tết Nguyên đán để du xuân và nhất là để xin chữ. Mỗi con chữ đều mang những ý nghĩa sâu sắc, hoặc là những lời cầu chúc trong năm mới.

“Ông đồ” Tây Jean Sébastien trình diễn thư pháp tại Hội chữ Xuân Quý Mão.

“Ông đồ” Tây Jean Sébastien trình diễn thư pháp tại Hội chữ Xuân Quý Mão.

Phong tục xin chữ ngày xuân tưởng chừng có lúc đã mất đi, nhưng với Hội chữ xuân tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phong tục này đang hồi sinh mạnh mẽ.

Từ ngày mồng 1 Tết Nguyên đán Quý mão 2023 cho đến dịp cuối tuần qua, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) luôn đông đúc. Tại khu vực bán vé, khách tham quan xếp hàng dài chờ đến lượt. Trung bình mỗi ngày có hàng chục nghìn người đến với khu di tích này. Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi thờ các vị tiên Nho, ghi danh các nhà khoa bảng, đồng thời, cũng là trường đại học đầu tiên của nước ta, do đó, nhiều người đến đây để cầu mong học hành, đỗ đạt. Song, nhiều người đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào những ngày đầu xuân còn vì mục đích khác-xin chữ đầu năm

. Sau hai năm phải tạm dừng, Tết này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 tại khu vực hồ Văn, với 50 người viết chữ. Ban Tổ chức quy định mức “trần” cho mỗi chữ là 200 nghìn đồng. Các “ông đồ” chia làm ba nhóm, viết chữ Hán, chữ Nôm hoặc chữ Việt. Tại các gian hàng viết chữ, cảnh tượng mọi người xếp hàng chờ xin chữ thường xuyên xảy ra.

Ngoài những người viết chữ lâu năm, năm nay, lần đầu tiên tại Hội chữ có một “ông đồ” Tây. Đó là anh Jean Sébastien (quốc tịch Pháp, tên tiếng Việt là Trường Giang). Jean Sébastien lấy vợ là Việt kiều. Hai vợ chồng về định cư tại Việt Nam từ năm 2015. Nhận thấy nét đẹp của thư pháp, anh theo học đã 7 năm nay, từng tham gia nhiều triển lãm thư pháp. Năm 2021, anh trở về Pháp và quay lại Việt Nam để tham gia Hội chữ năm nay.

Việc một “ông Tây” mặc áo the, khăn xếp, cầm bút lông viết thư pháp chữ Việt làm rất nhiều người tò mò. Quầy hàng của Jean Sébastien luôn là một trong những quầy hàng “đắt khách”. Anh cho biết: “So với nhiều người, trình độ thư pháp của tôi vẫn còn “trẻ con”, nhưng tôi rất yêu thích bộ môn nghệ thuật này và mong muốn được đem đến với mọi người”.

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”. Ngoài không gian viết chữ, còn có triển lãm 40 tác phẩm thư pháp tại gò Kim Châu trên hồ Văn. Thư pháp gia Lê Trung Kiên, Câu lạc bộ Thư pháp Nhân Mỹ học đường Hà Nội bày tỏ: “Trong đời sống, mỗi người như một tế bào tạo nên xã hội. Cần luôn học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân để xã hội thêm văn minh, phát triển.

Trên hành trình ấy, việc rèn đức cần đi trước luyện tài, để thành nhân trước khi thành danh. Ở đó, đạo của người thầy được tôn nghiêm thì tri thức mới được quý trọng, sự học mới tốt đẹp. Với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, chúng tôi muốn tôn vinh những người thầy. Họ là những đại diện tiêu biểu đã và đang góp phần trao truyền tri thức, vun đắp nhân cách cho các thế hệ học trò”. Các tác phẩm bằng chữ Hán hay chữ Nôm đều có phần phiên dịch, giải nghĩa để mọi người hiểu được.

Xin chữ đầu xuân là một phong tục đẹp của dân tộc. Theo TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), ngày xuân năm mới, đối với người Việt Nam là ngày khởi đầu tốt đẹp với mong muốn một năm mới vạn sự như ý. Chính vì thế, ai ai cũng mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Tục xin chữ-cho chữ cũng bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, cho nên ngày xuân xin chữ như xin một thứ phúc lộc may mắn.

Đây là nét văn hóa có từ lâu đời thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức. Đã có khoảng thời gian dài, tục xin chữ-cho chữ gần như biến mất. Cách đây khoảng hơn 20 năm, cứ Tết đến, một số người viết chữ Hán, Nôm lại bày “mực Tàu, giấy đỏ” bên bờ tường Văn Miếu-Quốc Tử Giám để viết chữ. Đó là bước khởi đầu cho việc khôi phục truyền thống và thu hút khá đông người tham gia. Tuy nhiên, do hoạt động tự phát cho nên “phố ông đồ” thời điểm đó cũng nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều người không có trình độ nhưng cũng bày “văn phòng tứ bảo” ra vỉa hè viết chữ. Không ít cuộc tranh cãi về giá cả khi viết chữ xảy ra. Bên cạnh đó, việc chiếm dụng vỉa hè cũng làm ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

Từ nhu cầu đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức lại hoạt động xin-cho chữ thành những Hội chữ đầu xuân. Những người viết chữ đều phải trải qua thi tuyển để bảo đảm trình độ; đồng thời, các gian hàng viết chữ được bố trí trong khu vực hồ Văn.

Ông Nguyễn Quốc Trinh (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết: “Hầu như năm nào tôi cũng đi ra Văn Miếu xin một chữ đem về. Treo chữ vừa thể hiện ước mong, cũng là để răn mình, dạy con cháu. Dù tục xin-cho nên chữ ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng thực tế, tinh thần của nét đẹp xin-cho chữ đã được khôi phục. Điều đó làm tôi rất vui” ■

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/net-dep-van-hoa-ngay-xuan-post736591.html