Nét mới của Lễ hội Thành Tuyên năm 2019

Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra tại thành phố Tuyên Quang từ ngáy 12 - 14/9. Trải qua 15 mùa lễ hội với nhiều ấn tượng và cung bậc cảm xúc, năm nay Lễ hội Thành Tuyên có một số điểm mới mà nhân dân, du khách chờ đón. Đó là lần đầu tiên Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức tại Tuyên Quang.

Các mô hình đèn Trung thu trên đường phố Tuyên Quang tạo sức hút mạnh mẽ với du khách thập phương.

Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Tổ chức Lễ hội và Liên hoan cho biết, Lễ hội và Liên hoan diễn ra từ ngày 14 đến 16-8 (âm lịch). Tới thời điểm này, có 10 tỉnh, thành phố được mời sẽ tham gia trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay - dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông) và đơn vị chủ nhà (Tuyên Quang) với Di sản Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của người Dao…

Nét mới của Lễ hội năm nay là việc các tổ dân phố đăng ký, làm mô hình đèn Trung thu từ sớm với ý tưởng độc đáo, chất lượng nghệ thuật được đề cao. Thành phố tạo mọi điều kiện, khuyến khích nghệ nhân các tổ sáng tạo ra các mô hình hấp dẫn người xem. Đã có khoảng 60 mô hình đèn Trung thu được đăng ký làm mới.

Bà Khương Thị Tươi, Tổ trưởng tổ 2, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) phấn khởi nói, năm 2017 tổ 2 giành giải nhất với mô hình “Chim Phượng Hoàng”. Năm nay, tổ bàn bạc thống nhất làm mô hình “Truyền thuyết Thánh Gióng” và rất vinh dự đã được lựa chọn là 1 trong 2 mô hình được diễn diễu trong Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội. Mô hình “Truyền thuyết Thánh Gióng” có ý nghĩa sâu sắc, nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.

Để quảng bá mạnh mẽ cho Lễ hội và Liên hoan, tỉnh tổ chức Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội, ở Sân khấu không gian Nhà Bát Giác (sau Tượng đài Lý Thái Tổ), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ ngày 30-8 đến 1-9. Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Triển lãm ảnh “Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”; trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; trình diễn trang phục; giới thiệu quy trình, cách chế biến ẩm thực tiêu biểu. Đặc biệt trong dịp này, nhân dân và du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng 2 mô hình đèn Trung thu “Truyền thuyết Thánh Gióng” và “Rồng vàng” vô cùng độc đáo, đặc sắc.

Năm nay, trong khuôn khổ Lễ hội và Liên hoan, toàn bộ tuyến Đại lộ Tân Trào từ khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang đến khu vực Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được thiết kế các gian hàng hai bên đường. Các gian hàng chủ yếu trưng bày ẩm thực, sản phẩm du lịch; trưng bày, giới thiệu, bán các đặc sản tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh. Gần với khu vực này là sân Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Thanh thiếu nhi tỉnh sẽ là nơi diễn ra Lễ hội Bia Hà Nội. Tại đây cũng có 30 gian hàng với các loại ẩm thực, đặc sản xứ Tuyên sẽ được giới thiệu, bán cho du khách thưởng thức, mua về làm quà.

Chưa năm nào việc hưởng ứng cho Lễ hội và Liên hoan lại được các huyện triển khai thực hiện tích cực như năm nay. Ngoài tham gia 1 mô hình diễn diễu, có gian hàng trưng bày sản vật địa phương, các huyện còn tự tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đặc sắc tại địa phương để thu hút khách du lịch.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, hòa chung không khí Lễ hội và Liên hoan, huyện vùng cao Na Hang tổ chức Tuần Văn hóa du lịch vùng cao; Liên hoan hét Then, đàn Tính lần thứ II và khám phá danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyện Yên Sơn tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch; huyện Sơn Dương tổ chức Liên hoan Văn hóa, thể thao khu căn cứ cách mạng Tân Trào; huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn huyện; huyện Lâm Bình tổ chức thi mô hình đèn Trung thu và trình diễn mô hình tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Hồng Quang; mở tuyến du lịch lên hang Khuổi Pín, trải nghiệm hang Giếng Trời, Nặm Thuổm, xây dựng quảng bá các tua du lịch homestay trên địa bàn.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chắc chắn Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 sẽ là điểm nhấn độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với xứ Tuyên.

Nguồn: Báo Tuyên Quang điện tử

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/net-moi-cua-le-hoi-thanh-tuyen-nam-2019-20190911035250279p0c3.htm