Nét mới trong chương trình giáo dục phổ thông bậc tiểu học

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh đầu cấp tiểu học là lớp 1. Do vậy, đến nay các tỉnh, thành phố trên cả nước và An Giang đã tiến hành tập huấn cho các giáo viên về những thay đổi, nét mới của chương trình, đồng thời có bước chuẩn bị cho công tác lựa chọn sách giáo khoa mới.

Chương trình mới sẽ bồi dưỡng hài hòa kiến thức và phẩm chất đạo đức cho trẻ

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu về đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại; những tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ và xã hội, thành tựu nghiên cứu về tâm lý học và giáo dục học.

Cụ thể, ở chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Toàn cấp tiểu học tùy từng lớp có số môn học và số tiết khác nhau. Ở môn học bắt buộc có tổng cộng 10 môn, gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1. Các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Về sách giáo khoa tiểu học, các trường được lựa chọn sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT phê duyệt. Từng môn học có những định hướng cụ thể. Ở môn Ngữ văn, cấp tiểu học là tiếng Việt giúp học sinh phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt, làm công cụ để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác.

Với môn Đạo đức, bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm…

Môn học Lịch sử và Địa lý ở cấp tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy học ở lớp 4 và 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy ưu điểm của môn Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, chương trình môn Lịch sử và Địa lý chọn lọc những kiến thức cơ bản và sơ giản về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử, văn hóa của các vùng miền, đất nước Việt Nam và thế giới; các sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những dấu mốc lớn của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nội dung môn học vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và trình độ nhận thức của học sinh.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý cấp tiểu học định hướng phương pháp giáo dục đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sự say mê và tư duy sáng tạo; tập trung rèn luyện năng lực tự học, bồi dưỡng phương pháp học tập để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hóa cần thiết cho bản thân; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể.

Cùng với điều chỉnh định hướng giáo dục nội dung, chương trình mới còn hướng đến thay đổi cách đánh giá kết quả giáo dục. Đó là nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/net-moi-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-bac-tieu-hoc-a266473.html