Nét Pháp ở Huế

Đến Huế, du khách không khỏi bất ngờ trước những công trình kiến trúc Pháp từ đồ sộ như An Định cung, nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, trường Quốc học Huế đến những nhà vườn tĩnh mịch vừa có dáng vẻ quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống...

Trường Quốc Học Huế.

Không có số lượng nhiều như Hà Nội, nhưng các công trình kiến trúc Pháp ở Huế luôn giữ được vẻ đặc trưng dù xây dựng trong thời kì thuộc địa. Đến nay, thành phố Huế còn lưu giữ được gần 200 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Đến Huế để khám phá về công trình kiến trúc Pháp đang được nhiều người lựa chọn khi đã quá quen với chùa chiền, lăng tẩm.

Như ga Huế nằm tại phường Đúc, TP Huế, được người Pháp xây dựng vào năm 1908, trước kia được gọi là ga Trường Súng. Trải qua hơn 100 năm, ga Huế vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ kính ban đầu. Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong hay còn được gọi là Bia Quốc Học nằm sát bờ nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học. Công trình này được xây dựng vào năm 1920 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung Kỳ đã tham chiến và bỏ mạng trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc Học được thành lập năm 1896. Đây là một trong những ngôi trường trung học phổ thông đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với đó, trường THPT Hai Bà Trưng được thành lập năm 1917 với tên gọi là trường Đồng Khánh. Trải qua hơn 100 năm, ngôi trường này vẫn giữ nét kiến trúc Pháp cổ kính.

Bảo tàng văn hóa Huế gồm hai khối nhà kiến trúc Pháp tọa lạc trên khu đất rộng gần 6.000 m2 nằm bên sông Hương. Trước đây, hai khối nhà này là trụ sở UBND TP Huế. Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị là ngôi nhà hai tầng mang kiến trúc Pháp nằm gần cầu Trường Tiền bên bờ sông Hương. Trước đây ngôi nhà này được sử dụng làm Trung tâm Festival. Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả (phường Phước Vĩnh, TP Huế). Đây là một trong những nhà thờ nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Nhà thờ được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

Khách sạn Saigon - Morin Huế ra đời từ năm 1901, do một doanh nhân người Pháp tên là Bogarde xây dựng và đưa vào kinh doanh. Hơn 100 năm qua, khách sạn từng thuộc quyền sở hữu của nhiều nhà buôn và các chính quyền khác nhau, trong đó, có giai đoạn trở thành trụ sở của Đại học Huế và Đại học Tổng hợp Huế.

Trong hệ thống kiến trúc Pháp ở Huế, Cung An Định được xây dựng từ năm 1917 và hoàn thành năm 1919. Đây là một quần thể kiến trúc cung điện khác biệt và độc đáo trong hệ thống cung điện triều Nguyễn tại Huế bởi vị trí tách biệt khỏi khu vực Đại Nội cũng như các đặc điểm kiến trúc châu Âu được phản ánh rất rõ nét. Trong các kiến trúc của cung An Định, lầu Khải Tường là công trình trung tâm có quy mô đồ sộ nhất. Tuy có một số chi tiết nhỏ vẫn được xử lý theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam nhưng đặc điểm chủ đạo ở công trình này là các hình thức kiến trúc Tân cổ điển Châu Âu, từ kĩ thuật, vật liệu xây dựng đến kiến trúc mặt ngoài và nghệ thuật trang trí nội thất. Nếu xem xét một cách tổng thể, trên phạm vi rộng hơn, ta có thể thấy tổng thể kiến trúc của Cung An Định thể hiện rất rõ nét những yếu tố của kiến trúc phương Đông và là sự kết hợp Đông-Tây khá độc đáo.

Cùng với các công trình đồ sộ là hệ thống nhà vườn tĩnh mịch vừa có dáng vẻ quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống.

Bảo tàng văn hóa Huế.

Lạc vào các khu phố cổ Vỹ Dạ, Kim Long, du khách không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp “không có tuổi” của các ngôi biệt thự kiến trúc theo kiểu Pháp. Dù đã tàn phai vôi vữa, nếp nhà vẫn cứ sang trọng, trang nhã. Không rập khuôn, để thích hợp với xứ Huế hay bị lụt lội liên miên, kiến trúc nhà Pháp ở đây thường tôn nền nhà cao hơn mặt sân cả mét. Những bậc cấp - thường là năm hay chín bậc, đi theo hình vòng cung mềm mại, tao nhã. Nối kết với cổng ngõ là một khoảnh sân rộng. Nhà đã cao, trần cũng cao, mở rất nhiều cửa lớn, nhỏ thông với bên ngoài. Hầu hết cánh cửa làm bằng gỗ, trong có cửa kính, khiến ngôi nhà luôn sáng sủa trong những ngày mưa lê thê ở Huế. Chuyện người Huế “chơi” nhà Tây trước đây cũng rất ly kỳ. Vào thời đó, chỉ 20-30 cây vàng là mua được căn nhà thường thường giữa phố nhưng để mua ngôi nhà Pháp thì phải cần số tiền gấp trăm lần.

Dễ nhận thấy, đặc điểm nổi bật của kiến trúc theo xu hướng kết hợp Á-Âu ở Huế cũng như một số khác biệt so với các kiến trúc cùng xu hướng này ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một kiến trúc sư lý giải, vào giai đoạn thập niên 20-40 của thế kỷ 20, ở Huế, phần lớn các công trình mang xu hướng kiến trúc Phương Đông này đều do chính người Việt Nam xây dựng sau khi tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa cũng như kĩ thuật công nghệ hiện đại đương thời phương Tây. Đặc điểm này đã mang đến cho các công trình kiến trúc những sắc thái riêng, mang tính Việt hơn. Có thể nói, đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt sáng tạo ra và là những giá trị văn hóa – lịch sử đáng trân trọng.

Đến thăm Huế để cảm nhận một Huế thân thương, trìu mến và lay động lòng người bởi lăng tẩm, chùa chiền hay nếp sống trầm tư... và thành phố bên dòng sông Hương còn là nơi cất giữ những công trình kiến trúc kiểu Pháp kết hợp nhuần nhuyễn với kiến trúc bản địa.

Bảo tồn kiến trúc Pháp ở Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của địa phương để có hướng bảo tồn. 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế bao gồm 11 công trình cơ quan nhà nước quản lý như Đại học Huế, Bia Quốc học, trường Quốc học, trường THPT Hai Bà Trưng, trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học Trường Tiểu học Lê Lợi, dãy lớp học A&B Đại học Khoa học Huế, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, trung tâm Festival, sân vận động Tự Do.

16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức gồm: Ga Huế, khách sạn Sài Gòn Morin, nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, khách sạn Le Domaine de Cocodo, nhà máy nước Vạn Niên, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam (dòng Khâm Mạng), nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, tu viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đan viện Carmel Huế, nhà thờ Phanxico, nhà nguyện (Hội dòng thánh Phao Lô).

Hoài Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/net-phap-o-hue-tintuc407475