Nét văn hóa đặc sắc lễ hội truyền thống động Hoa Lư

Lễ hội truyền thống động Hoa Lư diễn ra từ ngày mùng 10-13 tháng Giêng âm lịch hằng năm để thể hiện lòng thành kính của Nhân dân địa phương và du khách thập phương đối với vua Đinh và những người có công với đất nước.

Ngày 19/2, tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia động Hoa Lư, xã Gia Hưng (Gia Viễn) đã tổ chức lễ hội truyền thống động Hoa Lư (hay còn gọi Thung Lau, Thung Ông) với các hoạt động dâng hương và rước kiệu tại Đình Trai, động Hoa Lư và Đền Thung Lá từ ngày mùng 10 đến ngày 13 tháng Giêng để thể hiện lòng thành kính của Nhân dân địa phương và du khách thập phương đối với vua Đinh và những người có công với đất nước.

Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.Ảnh: Báo NB

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ tế, rước cùng với những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như Cờ lau tập trận, múa lân, hát chèo, thi đấu cờ tướng và giao lưu văn nghệ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đông đảo người dân và du khách.

Theo truyền thuyết lịch sử kể lại: Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt có vị tướng quân Đinh Tiên Hoàng Đế lấy chốn sơn động Hoa Lư làm nơi luyện tập binh mã, chiêu hồi quân sỹ.

Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng tự xưng là Vạn Thắng Vương. Năm Mậu Thìn (968) ông mở nước, dựng đô xưng làm Hoàng đế - Tôn hiệu là Đại Thắng Minh và đặt tên nước là Đại Cổ Việt, đến năm Canh Ngọ (970) ông bắt đầu đặt hiệu nước là "Thái Bình."

Tại Động Hoa Lư có đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không. Theo nhiều công trình nghiên cứu, thiền sư Nguyễn Minh Không tên thật là Chí Thành, người Đàm Xá nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được biết đến với danh vị “Lý triều Quốc sư” hay “Lý Quốc Sư.”

Không chỉ là một nhà tu hành đạt đạo, ông còn là một danh y nổi tiếng chữa bệnh bằng thuốc nam do ông dày công nghiên cứu, sưu tầm trong dân gian. Ông là người có công lao to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển văn hóa dân tộc Việt về các mặt: Y học, kiến trúc mỹ nghệ, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác được dân gian phong Thánh.

Rước rồng-một nét đẹp văn hóa tại Lễ hội Thung Lau. Ảnh: Báo NB

Động Hoa Lư (còn có tên là thung Lau, thung Ông) được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1996.

Nằm giữa động Hoa Lư là ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và hội đồng văn võ triều Đinh, phía sau đền vua Đinh là đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không.

Lễ hội truyền thống động Hoa Lư là hoạt động văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương thành kính dâng hương, nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước, tạo lập làng, xã.

Đồng thời cũng là dịp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Việc tổ chức lễ hội truyền thống động Hoa Lư nhằm phát huy và gìn giữ văn hóa truyền thống quý báu đã có từ lâu đời.

Đây cũng là dịp để nhân dân hiến kế, hiến công tu sửa, tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử ngày càng khang trang, đẹp đẽ, để lễ hội ngày càng phong phú, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự lễ.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/net-van-hoa-dac-sac-le-hoi-truyen-thong-dong-hoa-lu-post284993.html