Nét văn hóa làng rừng

Thuở sơ khai, những người đi mở đất chọn khoảng rừng nằm theo sông hoặc gần con kênh, rạch tự nhiên cất nhà cư trú để thuận tiện cho việc vận chuyển, đi lại. Nhà ở được cất gần kề để cùng nương tựa, giúp nhau trong thiếu thốn, bệnh tật và đương nhiên còn chống chọi với thú dữ. Làng rừng được hình thành.

Tái hiện Làng rừng - Trải nghiệm nét đẹp thời chiến

Thường một xóm vài chục hộ nhưng chỉ vài dòng họ. Những gia đình còn lại tuy không có quan hệ ruột thịt, nhưng là “bà con lối xóm”, “bà con láng giềng”. Bà con ruột thịt hay bà con lối xóm cũng đều có chung mục đích là cùng lập làng, cùng khai thác sản vật và cùng chia cho nhau. Họ nhà này nhận khoảng rừng này, họ nhà khác nhận khoảng rừng kia. Sau khi khai thác cây rừng, phần đất được dọn bằng phẳng để làm ruộng, trồng rẫy, làm vườn và thuộc của riêng mỗi dòng họ...

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, các cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ rút vào rừng U Minh xây dựng căn cứ kháng chiến. Làng rừng được chính quyền, đoàn thể kháng chiến quan tâm xây dựng thành những “làng rừng kiểu mẫu”. Nghĩa là, Ủy ban Kháng chiến tập hợp Nhân dân nghèo, cấp đất và tổ chức sản xuất theo mô hình đào mương bao ví diện tích. Trên bờ bao trồng chuối, dưới ruộng trồng lúa và nuôi cá đồng. Song song đó, mở lớp bình dân học vụ; tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho Nhân dân. Làng rừng là nơi sáng tác và lưu truyền những câu ca dao, chuyện kể, hò, vè kháng chiến. Nhân dân trong làng rừng kháng chiến hăng hái tham gia phong trào tăng gia sản xuất và phấn khởi đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi.

Trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng rừng được tổ chức nhiều ở rừng đước Năm Căn, rừng tràm U Minh. Làng rừng là nơi tập hợp đông đảo dân cư ở vùng bị bom đạn tàn phá ác liệt để tổ chức chăm sóc y tế, học văn hóa. Làng rừng là nơi bảo vệ cán bộ bị địch lùng bắt; là nơi rèn luyện, nuôi dưỡng tình cảm cách mạng.

Các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Chi hội Cà Mau trao đổi về văn hóa làng rừng với phóng viên Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội. Ảnh: HUYỀN ANH

Qua khảo sát lập hồ sơ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, trong 2 cuộc kháng chiến, tại vùng rừng U Minh Hạ và rừng đước Năm Căn có 21 làng rừng (từ Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh), Khánh Bình, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) đến Viên An, Tân Tiến, Tân Thuận (huyện Ngọc Hiển và Ðầm Dơi). Trong đó, Làng rừng Vồ Dơi (thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia vào năm 2018.

Làng rừng hình thành, hoạt động đã có nhiều đóng góp cho kháng chiến thắng lợi. Giá trị lịch sử, văn hóa từ làng rừng mang lại được các cấp, các ngành quan tâm bảo tồn, phát huy. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Làng rừng đồng Ong Nghệ (thuộc xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn ngày nay) được thành lập. Sở Tài chính Nam Bộ chọn nơi đây xây nhà xưởng, mua máy móc thiết bị in ấn giấy bạc Cụ Hồ phục vụ kháng chiến. Ghi dấu ấn phát triển ngành tài chính và nhắc nhớ tri ân con người, vùng đất đã nuôi, bảo bọc cho cán bộ, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, năm 2013, Bộ Tài chính đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, nhà truyền thống ngành ấn loát Nam Bộ trên đất Làng rừng đồng Ong Nghệ ngày xưa.

Cũng trên mảnh đất Làng rừng đồng Ong Nghệ, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, ngành nhiếp ảnh, điện ảnh Tây Nam Bộ được thành lập. Hơn 60 năm sau, năm 2023, các thế hệ làm công tác nhiếp ảnh, điện ảnh ở các tỉnh miền Tây về Làng rừng đồng Ong Nghệ xây dựng và làm lễ khánh thành Bia Nhiếp ảnh - Ðiện ảnh Tây Nam Bộ.

Làng rừng còn là ký ức của người trong cuộc hay thế hệ trẻ hôm nay muốn tìm về vùng đất, con người đã đi qua 2 cuộc kháng chiến. Ông Trần Thanh Liêm (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau) dẫn chúng tôi ra sau vườn cây ăn trái của gia đình (rộng hơn 7 ha) ở Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ði hơn nửa vườn, ông chỉ xuống con kênh bị bồi lấp bởi thời gian, diễn giải: “Con kênh này bắt đầu từ sông Cái Tàu, qua xã Khánh Bình, tới Cơi Năm. Hai bên dòng kênh là làng rừng thời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên kênh này, Sở Giáo dục Nam Bộ mở Trường Trung học Nguyễn Văn Tố cho hơn 100 học sinh là con em từ các tỉnh Nam Bộ”.

Ông Trần Thanh Liêm dẫn chúng tôi đến cây dâu chính hiệu giống Cái Tàu, nói: “Mấy cựu học sinh Trường Trung học Nguyễn Văn Tố kể lại, đây là cây dâu được thầy trò trồng bên hông hội trường’’. Ông còn nói thêm, ước vọng của những cựu học sinh trường là cần sớm xây dựng bia kỷ niệm về trường học thời kháng chiến để nhắc nhớ con cá, chén cơm người dân nuôi dưỡng học sinh, cán bộ thời bấy giờ.

Ông Trần Thanh Liêm (bên phải, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau) giới thiệu về cây dâu chính hiệu giống Cái Tàu, được thầy trò Trường Trung học Nguyễn Văn Tố trồng cách đây hơn 70 năm (thân chính cây dâu già cỗi và đâm nhiều nhánh mới xanh tốt mấy chục năm qua). Ảnh: H.ANH

Trong những ngày tháng 3 này, Ðoàn làm phim của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đến Cà Mau thực hiện loạt ký sự về văn hóa rừng U Minh Hạ. Anh Hải Tuyên, biên tập viên của Trung tâm, quan tâm về văn hóa làng nghề, văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên... Và văn hóa làng rừng đặc biệt được quan tâm, bởi cội nguồn của nó chảy từ thời khai đất lập làng và luôn phát huy trong làng rừng qua 2 cuộc kháng chiến. Nét độc đáo của văn hóa làng rừng là một tổ chức gồm cán bộ và Nhân dân cùng chung sống. Cán bộ chỉ cho Nhân dân đường hướng hoạt động cách mạng, Nhân dân nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ như chính người thân của mình.

Làng rừng ở Cà Mau được bắt đầu từ những người mở đất. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng rừng được tổ chức xây dựng nhiều thêm ở rừng tràm U Minh và rừng đước Năm Căn. Làng rừng in dấu chân người đi mở đất, qua 2 cuộc kháng chiến trở thành điểm son về truyền thống lịch sử văn hóa của xứ sở Cà Mau. Có thêm những thước phim tư liệu, xây dựng thêm nhà truyền thống, thêm bia kỷ niệm, thêm những di tích làng rừng được công nhận di tích cấp quốc gia, đó là việc làm để khơi nguồn cho nét đẹp văn hóa làng rừng chảy vào mạch sống hôm nay./.

Chung Thanh Thủy

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/net-van-hoa-lang-rung-a31751.html