Nét văn hóa mới cần phát huy

Đầu tuần qua, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, trong quý I/2023, lực lượng công an TP Hà Nội đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 148,3 tỷ đồng; trong đó, xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước.

Động thái tích cực nói trên là nhân tố quan trọng góp phần làm tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với quý liền kề trước đó và giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận nêu trên, còn phải kể đến một kết quả khác có tính bền vững, rất quan trọng. Đó là trong cộng đồng xã hội đã dần hình thành một thói quen, một nét văn hóa mà chúng ta đã tuyên truyền, vận động và hướng tới từ lâu nay: đã uống rượu bia - không lái xe.

Thói quen ấy đã hình thành, được khẳng định và dần lan tỏa ngày một rõ nét. Đó cũng là kết quả quan trọng nhất đạt được thông qua việc nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt một cách nghiêm túc người tham gia giao thông có hành vi vi phạm về nồng độ cồn.

Dễ thấy nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, cũng là dịp lực lượng công an cả nước, trong đó có công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn toàn TP.

Trong đợt cao điểm đó, cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đã xử phạt trên 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó Hà Nội thuộc nhóm địa phương xử lý mạnh nhất với 558 trường hợp.
Thật ra, việc kiểm tra, xử phạt hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia từng được thực hiện và duy trì từ rất lâu.

Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua là thời điểm công tác này tạo được ấn tượng sâu sắc nhất với người dân. Có thể nói động thái này đã có những tác động rất tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông, dần dần triệt tiêu tâm lý “xin - cho”, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong toàn xã hội.

Nói một cách nôm na, nhiều người dân đã biết sợ. Bên cạnh chế tài nghiêm khắc với mức xử phạt rất nặng, tinh thần kiên quyết, minh bạch, không nể nang, không lơi là trong kiểm tra, xử phạt những người vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe của lực lượng chức năng đã có tác động rõ nét trong việc hình thành ý thức nêu trên.

Việc những hành vi tiêu cực như xin xỏ, “gọi điện cho người thân”, làm luật… không còn tác dụng đã được chia sẻ, tạo hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, góp phần đả phá những thói xấu trong văn hóa giao thông đồng thời tạo sự đồng thuận, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Đạt được kết quả nêu trên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng CSGT, cũng cần kể đến sự ủng hộ của người dân cùng sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, nghiêm khắc từ lãnh đạo Bộ Công an, các địa phương và bộ, ngành liên quan.

Với tinh thần đó, ngày 13/2/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản số 348/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Văn bản cũng yêu cầu lực lượng chức năng có trách nhiệm thông báo hành vi vi phạm của người là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.

Động thái trên đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ của người tham gia giao thông, qua đó hình thành thói quen văn hóa: "Đã uống rượu bia - Không lái xe".

Đó cũng là nét đẹp văn hóa cần được duy trì, phát huy.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/net-van-hoa-moi-can-phat-huy.html