Netflix và cái chết của điện ảnh

'Đó là một kiệt tác. Chẳng có gì diễn ra ở đó nhưng ở đó lại có mọi thứ diễn ra. Từng thước phim là một tác phẩm nghệ thuật'.

Lần đầu tiên phim do mạng Netflix phát hành đoạt giải Sư tử vàng

Người ta có thể tìm thấy vô số những lời tán tụng tương tự dành cho “Roma”, tác phẩm điện ảnh của bậc thầy người Mexico Alfonso Cuarón, họ gọi nó là một viên kim cương, một viên ngọc quý, một bộ phim sẽ trở thành kinh điển, gần như không thiếu một mỹ từ nào.

Nhưng khi CNN dự đoán trước thềm Oscar 2019 rằng, ở hạng mục Phim truyện xuất sắc, bộ phim nên thắng là “Roma”, bộ phim sẽ thắng là “Green Book” thì họ có lí do của riêng mình. “Roma” có mọi ưu thế vượt trội hơn toàn bộ đối thủ, chỉ có duy hai điều: “Roma” không nói tiếng Anh và “Roma” được phân phối bởi Netflix.

Dự đoán của CNN đã chính xác. Alfonso Cuarón được trao giải đạo diễn xuất sắc và quay phim xuất sắc nhưng Roma thì chỉ dừng lại ở phim nước ngoài hay nhất mà thôi.

Thực ra từ trước đến nay, chưa từng có tác phẩm nói tiếng nước ngoài nào được Viện Hàn lâm Hoa Kỳ trao giải thưởng cao quý nhất. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ thất bại của Ngọa hổ tàng long của Lý An hay Amour của Michael Haneke.

Nhưng trường hợp Roma dường như hoàn toàn khác. Trong một năm không có nhiều tác phẩm hay, nhiều người thật sự tin Roma sẽ làm nên lịch sử, nếu như, vâng, nếu như Roma không phải do Netflix phát hành.

Kẻ “nổi loạn” vì 40 USD

Netflix định vị mình là một hệ thống giải trí trực tuyến có trả phí. Nhưng nói vậy thì quá đơn giản, Netflix không đơn thuần chỉ là một cửa hàng cho thuê băng đĩa online, nó là đứa con của hai người khổng lồ: bà mẹ Hollywood và ông bố thung lũng Silicon.

Chuyện kể rằng Reed Hastings từng bị phạt 40 USD vì thuê đĩa phim Apollo 13 tại tiệm Blockbuster nhưng trả đĩa muộn và đó là khoảnh khắc mà Hastings vẽ ra ý tưởng về Netflix. Từ một tiệm thuê đĩa online đầu tiên trên thế giới với chỉ 30 nhân viên và 925 đầu đĩa, sau hơn 20 năm, Netflix trở thành một doanh nghiệp tỉ đô với gần 140 triệu người dùng, có mặt trên 190 quốc gia.

Một cảnh trong bộ phim “Roma” của đạo diễn Alfonso Cuarón.

Một cảnh trong bộ phim “Roma” của đạo diễn Alfonso Cuarón.

Nhưng tham vọng của Netflix không chỉ dừng lại ở việc là một startup thành công, cạnh tranh với những hàng thuê đĩa truyền thống (điều mà nó hiển nhiên đã chiến thắng, chuỗi cửa hiệu Blockbuster giờ đây đã phá sản), nó cũng không muốn chỉ dừng lại như một thú tiêu khiển trên tivi hay máy tính bàn, nó còn muốn thay đổi nền điện ảnh nữa.

Khi series phim House of Cards ra đời năm 2011, đây được coi như canh bạc lớn nhất trong 14 năm tồn tại của Netflix. Lần đầu tiên, Netflix sản xuất nội dung độc quyền, sau một thời gian dài chỉ khai thác những tác phẩm kinh điển, độc lập, tài liệu - tức là những bộ phim vốn dĩ đã đi hết vòng đời của nó từ lâu, hoặc chẳng có cơ hội nào tiếp cận với đông đảo khán giả.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những điển phạm như Richard III, Othello, Macbeth của William Shakespeare, bộ phim đả kích sâu cay nền chính trị quan liêu hiện đại đã mang về hàng tá giải thưởng và xác lập vị thế của Netflix trên tư cách một xưởng phim.

Sau chiến công của House of Cards, Netflix sản xuất tằng tằng các tác phẩm dài tập và trở thành gương mặt thân quen trong lễ trao giải Emmy danh giá dành cho phim truyền hình. Và rồi, từ sân khấu Emmy, Netflix tiếp tục vươn dài xúc tu để chạm đến địa hạt điện ảnh, chính thức “tuyên chiến” với Hollywood và bước lên thảm đỏ Oscar.

Roma không phải nỗ lực điện ảnh đầu tiên của Netflix và nhất định sẽ không phải nỗ lực cuối cùng. Nhưng Netflix quả đã dành hết tâm lực để “mua giải” về cho tác phẩm con cưng.

Gọi là “mua giải”, bởi sự thật là Oscar không công bằng như người ta tưởng. Các nhà sản xuất, phát hành có quyền được tổ chức vận động hành lang cho phim của mình một cách công khai. Họ có thể tổ chức những bữa tiệc, mua bài phỏng vấn trên báo chí, truyền hình, làm clip quảng cáo, tặng bản phim đặc biệt cho các thành viên Viện Hàn lâm.

Tất nhiên, cũng có những cách không công khai lắm, chẳng hạn như đào lại các scandal cũ rích để chơi xấu đối thủ. Riêng với Roma, nghe nói Netflix đã đốt ít nhất 40-60 triệu USD cho chiến dịch “tranh cử” của bộ phim mà kinh phí làm chỉ vỏn vẹn 15 triệu.

Đáng tiếc thay, số tiền ấy lại gậy ông đập lưng ông. “Mọi người nói rằng họ sẽ không xếp Roma ở vị trí số 1 hay số 2 trong lá phiếu của mình, bởi họ muốn gửi gắm thông điệp rằng bạn đừng nghĩ có thể mua giải Oscar”, một giám khảo tâm sự trên tạp chí Vulture. Trong khi đó, lí giải cho thất bại của Roma, một thành viên ê-kíp đối thủ buông lời nhận định: “Một phiếu cho Roma là một phiếu cho Netflix. Và là lá phiếu cho sự tử tận của điện ảnh”.

Nhận định ấy cũng không phải vô cớ.

Điện ảnh hay phi điện ảnh?

Phim của Netflix có thể tính là phim điện ảnh hay không? Đó là câu hỏi làm bối rối ngay cả giới làm phim. Về hình thức, đương nhiên không phải phim điện ảnh. Bởi phim điện ảnh trước hết phải là phim chiếu rạp.

Nhưng phim của Netflix thì chiếu độc quyền trên Netflix. Có ra rạp cũng chỉ mang tính tượng trưng, coi như làm thủ tục để đi tranh giải, như trường hợp Roma chỉ công chiếu lèo tèo.

Steven Spielberg, đạo diễn đã hồi sinh thời đại vàng của Hollywood những năm 80-90, thẳng thắn nêu quan điểm: “Một khi bạn đã theo format truyền hình, thế thì bạn là phim chiếu truyền hình. Phim hay thì xứng đáng giành giải Emmy chứ không phải Oscar”. Phù thủy điện ảnh Christopher Nolan cũng chung quan điểm, ông ủng hộ việc ra rạp xem phim thay vì ngồi lì trước màn hình máy tính.

Nhưng mặt khác, không ai có thể phủ nhận, chẳng hạn, Roma là một kiệt tác đích thực và xứng đáng với hai từ “điện ảnh”. Những thước phim đặc sệt chất nghệ thuật thứ 7 khiến người ta bồi hồi liên tưởng tới các trước tác của bậc thầy Yasujiro Ozu, chẳng nhẽ như thế vẫn chưa đủ để gọi là phim điện ảnh hay sao?

Chẳng nhẽ cảnh quay khi người đàn bà và đứa trẻ con nằm trên bậu bê tông, dưới những sợi dây phơi áo quần bay phơ phất, cảnh đó lại không đủ để trở thành một mẫu mực về điện ảnh?

Lần đầu tiên, tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” sẽ được chuyển thể thành phim.

Khi Cannes yêu cầu các tác phẩm của Netflix phải trình chiếu trong rạp chiếu bóng nếu muốn tham dự liên hoan phim, giám đốc nội dung của Netflix đã đăng đàn đấu tố: “Họ đã chọn tôn vinh cách thức phát hành thay vì tôn vinh điện ảnh”.

Những năm 60 thế kỷ trước, khi trường phái Ý niệm ra đời, người ta đã tranh cãi liệu một tác phẩm mỹ thuật không được thể hiện bằng phương thức mỹ thuật thông thường thì có được gọi là mỹ thuật. Và giờ đây, điện ảnh cũng lại băn khoăn câu hỏi, một tác phẩm điện ảnh không được trình chiếu bằng hình thức điện ảnh thì có nên gọi là điện ảnh.

Nhưng dù câu trả lời là có hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả những tên tuổi uy tín bậc nhất của ảnh đàn thế giới cũng đã và đang đầu quân cho Netflix. Ngoài Alfonso Cuarón tài danh còn có huyền thoại Martin Scorsese, đạo diễn Mexico từng giành nhiều giải Oscar Guillermo del Toro, anh em Joel và Ethan Coel, David Fincher, có cả đạo diễn tiêu biểu của làn sóng phục hưng điện ảnh Hàn Quốc Bong Joon Ho,...

Tại sao những đạo diễn đầy người săn đón như thế lại chọn Netflix? Có người bảo là vì tiền. Sẽ chẳng có ai chịu chi đến 200 triệu USD cho The Irishman của Martin Scorsese, trừ Netflix.

Cho dù ông có hợp tác với 3 ngôi sao ruột Robert De Niro, Al Pacino và Joe Pesci, cho dù bộ tứ kể trên có lặp lại được kỳ tích để đời như Goodfellas thì con số 200 triệu vẫn là vô cùng mạo hiểm. Bất chấp lời ong tiếng ve, Netflix không mặc cả với những cái đầu lớn.

Song, nếu để ý thật kỹ, ta thấy Netflix không chỉ đầu tư cho các bộ phim nói tiếng Anh. Họ làm cả phim Ấn Độ, Trung Quốc, phim Hàn Quốc, phim Pháp, Argentina, Thụy Điển,... Netflix không hơn Hollywood nhờ tiền.

Bởi nếu chỉ có tiền, thế thì Hollywood cũng có rất nhiều tiền. Điều mà Netflix thực sự làm được trong khi Hollywood chỉ khoe khoang rao giảng, ấy là Netflix hiểu rằng, trong một thế giới phẳng, mọi nền văn hóa đều bình đẳng như nhau. Họ sẽ không bắt diễn viên da trắng thủ vai người Mexico, bắt các đại hiệp giang hồ Trung Hoa bắn tiếng Anh lia lịa chỉ để phục vụ thị hiếu một bộ phận khán giả (dù rất lớn) ở phương Tây.

Đó hẳn là lí do mà gia đình của đại văn hào Gabriel García Márquez mới đây đã đồng ý để Netflix chuyển thể cuốn tiểu thuyết đồ sộ Trăm năm cô đơn thành phim dài tập. Phải, là Netflix chứ không phải bất cứ một hãng phim tai to mặt lớn nào đến từ Hollywood.

50 năm qua, Hollywood khao khát cái gật đầu của gia đình Márquez nhưng câu trả lời luôn là từ chối. Nguyên nhân không hẳn nằm ở việc rất khó để gói gọn tấn bi kịch này trong thời lượng 2-3 tiếng của một bộ phim chiếu rạp.

Hãy nhìn lại bản phim Tình yêu thời thổ tả mà Hollywood sản xuất năm 2007, ta mới hiểu tại sao Hollywood lại bị khước từ. Họ làm phim về vùng đất Nam Mỹ nhưng các nhân vật lại xổ ra một tràng tiếng Anh và đừng nói rằng nói ngôn ngữ gì thì không quan trọng. “...Cha tôi tin rằng việc đưa Trăm năm cô đơn thành một bộ phim không nói tiếng Tây Ban Nha là một sự bất công”, con trai văn hào bày tỏ.

Nhưng với Netflix, họ có thể an tâm. Lời cam kết từ Netflix: câu chuyện về dòng họ Buendía bị kết án cô đơn chắc chắn sẽ được quay tại chính Columbia, chắc chắn sẽ trung thành với ngôn ngữ gốc, chắc chắn sẽ do ê-kíp Mỹ Latin hàng đầu dàn dựng.

Netflix chưa chắc giàu có hơn Hollywood.

Netflix chỉ thức thời hơn.

Hiền Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/netflix-va-cai-chet-cua-dien-anh-539633/