Nêu cao kỷ cương, đạo đức công vụ

Chất lượng dịch vụ công có cao, có làm hài lòng người dân hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành kỷ cương hành chính, trách nhiệm và đạo đức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực với quyết tâm cao, tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính, kèm với đó là siết chặt kỷ luật hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 14-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được tiến hành thực chất, hiệu quả. Khung năng lực vị trí việc làm được xác định góp phần lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc, đồng thời giúp đánh giá chất lượng thực thi nhiệm vụ sát hơn, chính xác hơn.

Cùng với tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính được tiến hành đồng bộ, rộng khắp, hiệu quả ở tất cả các bộ, ngành, địa phương. Điều này thể hiện rõ nhất qua hình ảnh cán bộ, công chức nhiệt tình hỗ trợ nhân dân làm thủ tục ở bộ phận “một cửa”, qua những dịch vụ hành chính công điện tử,... Đó là mặt được rất lớn và không thể phủ nhận.

Thế nhưng, với bộ máy hành chính cồng kềnh, ì trệ, không phải sự thay đổi nào, ở bất cứ đâu cũng lập tức đạt hiệu quả như mong muốn. Vẫn còn những cán bộ, công chức, nhất là những người có nhiều “ảnh hưởng” tới người khác trong bộ máy cũ, muốn níu giữ cách làm việc cũ, cản trở cải cách vì lợi ích bản thân dù cũng tuyên bố “quyết tâm” rất cao.

Một phần có thể là vì lợi ích nhóm, chưa thực sự ý thức cao về “dĩ công vi thượng”, thích “chấm mút”, “xà xẻo” của công, phiền nhiễu người dân - vấn đề mà lâu nay được dư luận gọi là “tham nhũng vặt”, là “ăn bớt” thời gian làm việc...

Một phần cũng có thể là do năng lực hạn chế không theo được guồng quay mới, với những yêu cầu công việc, đạo đức công vụ cao hơn. Do nhận thức chưa đến nơi, đến chốn, hay tầm nhìn, trình độ hạn chế, nên trong bộ máy không tránh khỏi những cá nhân thích làm việc theo thói quen, cách làm cũ và tìm mọi cách cản trở đổi mới, cải cách.

Đây là thực tế đang tồn tại và đã được đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu ra tại buổi chất vấn trên nghị trường Quốc hội khi cho rằng có tình trạng cán bộ cơ quan nhà nước trực tiếp thụ lý, nếu muốn thì sẽ tìm ra cách giải quyết, nếu không muốn thì cũng tìm được lý do trì hoãn, kéo dài thời gian, thậm chí “đá quả bóng trách nhiệm” lên trên.

Thậm chí, có trường hợp cấp dưới còn đưa ra lời bình luận mang tính chất "hù dọa" cấp trên, khi tham mưu cho thủ trưởng theo kiểu "nếu giải quyết sẽ dễ dẫn đến sai phạm". Đó là minh chứng cho thấy sự tắc trách, vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ, chưa làm hết trách nhiệm “tham mưu”, giúp việc. Sự “hù dọa” trên còn thể hiện sự thiếu đoàn kết, quyết tâm, thống nhất trong đơn vị, hướng tới thực hiện nhiệm vụ chung.

Mục tiêu Nghị quyết 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là “nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị...”.

Để hoàn thành mục tiêu đó, trong quá trình thực hiện không thể không có những phản ứng, va chạm, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn. Thế nhưng, chính nhờ những phản ứng, xung đột đó sẽ giúp nhận rõ, loại trừ những nhân tố thiếu tích cực, cản trở đổi mới, cải cách.

Vấn đề đặt ra là xử lý thế nào, dựa trên căn cứ nào để việc xử lý vừa có lý, vừa có tình? Câu trả lời là siết chặt kỷ cương hành chính, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên khung năng lực vị trí việc làm đã xác định. Luật Cán bộ, công chức cũng đã quy định rõ những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ như: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi;…

Thực hiện nghiêm các quy định chính là giải pháp hữu hiệu, nhưng để việc thực thi hiệu quả, cần thiết cần có sự tham mưu, hỗ trợ đắc lực của cả bộ máy chứ không chỉ riêng sự nỗ lực, bản lĩnh người đứng đầu. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Người đứng đầu phải có những tố chất đủ để phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân, mỗi mảnh ghép trong dây chuyền.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh, rõ ràng không có “đất” cho thói quen làm việc ì trệ, thiếu trách nhiệm, “hành là chính”. Nêu cao kỷ luật, đạo đức hành chính, công vụ là việc làm cần thiết, trước hết là từ người đứng đầu và vì bản thân mỗi cán bộ, công chức. Trong quá trình đổi mới đó, mọi sự bắt đầu từ chính sự thay đổi trong nhận thức - phải thật sự đồng lòng vì việc chung, vì niềm vui của người dân và doanh nghiệp.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suy-ngam/919613/neu-cao-ky-cuong-dao-duc-cong-vu