Nếu chúng ta im lặng…

Tôi nhớ đến phát ngôn về cái lưng gù mà mạng xã hội đồng thuận lên án trong mấy ngày. Chúng ta im lặng, một ngày nào đó, lưng chúng ta rồi cũng sẽ gù.

Tết truyền thống qua đã lâu, cộng thêm cả cái quãng thời gian được gọi đùa là Tết Covid, chuẩn bị vào hè nóng nực, bánh chưng nhẽ ra là thứ người ta đã chán ngán bởi nó được coi như một mặt hàng ăn sẵn khá ổn thời giãn cách xã hội, nhờ bảo quản được lâu, dễ ăn.

Thế mà kỳ lạ là hết giãn cách, hàng quán mở lại rồi, bánh chưng vẫn bán tốt, như người bán hàng quen ngoài chợ nói với tôi. Nhưng đúng ra, nhìn lại, thì nói chung vẫn vậy, đã từ lâu lắm, bánh chưng là thứ ăn quanh năm, không kể mùa nào.

Và việc nấu bánh chưng quanh năm cũng giống như việc nấu cơm nấu xôi bình thường, không có gì đặc biệt. Chỉ là, một điều gần như kỳ cục, việc cố gắng thay đổi mẫu mã bánh chưng, một thứ bánh mà dù hình thức thế nào thì bản chất cơ bản vẫn vậy, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong, hiện đang diễn ra giống nhau trên toàn quốc.

Hà Nội, cùng vô số thứ bánh gọi được là bánh chưng, bánh dày, bánh tét, có mấy dòng bánh chưng nổi danh ở các địa phương khác hiện khá phổ biến, là bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên), bánh chưng Cao Bằng, bánh chưng Huế bé xíu...

Trong mấy thứ ấy, bánh chưng Hà Giang có vẻ bán chạy nhất. Bánh chưng Hà Giang có trọng lượng ít hơn bánh thông thường ngoài Bắc, chừng 350 đến 400mg, gạo nếp ngon, nhân thịt lợn đen, đậu xanh. Người ta giã lá riềng để ngâm gạo nếp nên bánh có màu xanh đặc trưng. Đun bếp củi.

Đại khái thế. Rồi có lẽ bởi cách gói hơi khác bánh chưng vuông, bánh chưng Hà Giang được gọi là bánh chưng gù. Sáng nay, khi mua vài cái bánh chưng gù vốn đã quen ăn, tôi bỗng dưng ngắm nghía mãi sống lưng cong cong của cái bánh. Quả thật mấy hôm nay, chữ gù cứ làm tôi... ngài ngại.

Ảnh: L.G

Ảnh: L.G

Ngại vì tự dung có ngày như mấy bữa nay, tự dưng hầu hết chúng ta đều thấy băn khoăn về cái lưng của mình. Ấy là sau khi nghe bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình, trong vụ án nâng điểm thi đại học rất đình đám năm 2019, nói trước tòa trong phiên xét xử ngày 13-5-2020, rằng "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Trong vòng vài ba ngày liền, trên mang xã hội đầy ắp phát ngôn về cái lưng gù, về phát ngôn tràn ngập hài hước và cay đắng này. Hài hước, bởi đầu tiên bà trưởng phòng khảo thí tỉnh miền núi khiến người ta nhớ đến hai câu thơ đùa rất nổi tiếng của nhà thơ dân gian hiện đại kiêm nghề nuôi chó Bảo Sinh "Ai ai mà cũng khỏa thân/ Thì đứa mặc quần là đứa khiêu dâm".

Mình mà ngược với mọi người, thì mình có lỗi. Hồi nhỏ tôi có đọc một truyện ngắn trong tạp chí văn học nước ngoài của Hội Nhà văn, về một người mắt sáng lạc vào một thung lũng của những người mù (không có ý xúc phạm người khuyết tật, vì cả phát ngôn lưng gù lẫn câu chuyện mắt sáng lạc vào xứ mù chỉ là mang tính ẩn dụ).

Kết thúc chuyện hết sức buồn thảm, hy vọng "xứ mù anh chột làm vua" (nữa là hai mắt đều sáng) của nhân vật chính đã tan vỡ đau đớn vì sự khác biệt không được chấp nhận trong một cộng đồng.

"Ai cũng gù", cảm giác rất tệ khi hình dung ra một đám đông toàn những người gẫy gập lưng trong một không gian không mấy to tát là ngành giáo dục một tỉnh miền núi.

Thử hình dung trong cả một tập thể lớn như vậy, các thầy cô có trách nhiệm với ngành giáo dục đều vì "nể nang" và "yêu thương học sinh", đều nghĩ "nâng điểm thì có hại gì cho đất nước" và sẵn sàng "vô tư" nâng điểm, làm sai lệch đánh giá chất lượng trong kỳ tuyển sinh quan trọng cấp quốc gia, thì sự hài hước đúng là đạt đến level rất cao.

Nhưng từ góc độ cột sống mà nhìn nhận, quyền được nói "Không" với lời dặn dò của cấp trên sẽ bị coi là bất thường. Nói chung ai cũng biết, để có được một vị trí trên bục giảng ở bất cứ một ngôi trường nào trong bất cứ thành phố nào, chẳng ai dám bất thường. Vậy nên quyền thẳng lưng bị tước bỏ. Sự cay đắng về thực tại nền giáo dục cũng ở "level" cao như sự hài hước trong câu chuyện này.

Tuy nhiên, thẳng hay gù cũng chỉ tồn tại vài ngày. Mạng xã hội là nơi trú ngụ của những bộ não nhanh quên hơn hết thảy. Sau một tuần, phát ngôn về cái lưng gù đã bị lấp dưới vô vàn thông tin khác.

Cho dù hàng ngày, vào giờ vàng thời sự trên truyền hình, câu hát "Cốt thoái vương hỗ trợ giảm nguy cơ thoái hóa cột sống/ Cốt thoái vương hỗ trợ giảm đau lưng, và thoát vị đĩa đệm, cho cuộc sống khỏe mạnh hơn" luôn vẫn vang lên réo rắt (tôi không thể kìm nổi việc mở ngoặc đơn để bày tỏ lòng kính trọng rất đỗi thiêng liêng với các nhạc sĩ đã sáng tác nên bài hát này, cũng như một số bài hát khác dành cho thuốc trĩ, thuốc ho, thuốc khớp… được phát cùng giờ), thì cũng chẳng ai nhớ có một tỉnh, toàn thể lưng các cán bộ ngành giáo dục đều gù.

Mà vụ điểm thi thì không phải chuyện một tỉnh, nên sự gù lưng coi như diễn ra trên một diện rộng mà nếu một người trong số lưng không dám thẳng ấy không đứng trước tòa thì không ai biết.

Lưng không thẳng, bởi những lý do tinh thần, có thể gọi là khuyết tật trí não. Có một sự đồng thuận để người trong cuộc tự biến mình thành khuyết tật. Mà để chữa những khuyết tật kiểu ấy, chúng ta chỉ có mỗi một cách là hy vọng vào những phiên tòa. Tất nhiên không tính những phiên tòa mà chính sự đồng thuận nào đó lại gây lo ngại.

Nhân nói về đồng thuận, một việc chẳng liên quan đến vấn đề không gù lưng, tuy nhiên có liên quan đến ngành giáo dục, là hôm qua, một cô bạn tôi, một nhà văn, đi đón con tan học và chứng kiến cảnh mấy thanh niên cùng lao vào đánh đập một học sinh còn ít tuổi trước cổng trường.

Đánh đến mức đứa trẻ chảy máu mũi máu mặt, bạn tôi lao vào can ngăn, cứ lôi được một thanh niên ra thì thanh niên kia lại lao vào. Cô ấy vừa khóc vừa gào, sau cùng nhận là mẹ đứa bé để van xin hai thằng lưu manh đang cơn hung hăng kia đừng đánh nữa.

Toàn bộ câu chuyện diễn ra trước mắt một đám đông ở cổng trường, một trường THCS ở Hà Nội đang giờ tan học, toàn cha mẹ học sinh, có cả bảo vệ mặc đồng phục cầm dùi cui.

Không ai can ngăn, không ai lao vào... Cả đám đông ấy đồng thuận không liên quan, đồng thuận quay mặt đi và bỏ mặc đứa trẻ cùng người phụ nữ bất chấp nguy hiểm lao vào cứu đứa trẻ không quen.

Tôi nhớ đến phát ngôn về cái lưng gù mà mạng xã hội đồng thuận lên án trong mấy ngày. Không có gì để nói ngoài một nỗi đau khi nghĩ về nó, về những thứ làm chúng ta nghĩ đến một sự đồng thuận kinh hãi nào đó, nơi này nơi kia. Những cái ác hiển nhiên, cũng tệ như những cái ác nhân danh đạo đức.

Chúng ta im lặng, một ngày nào đó, lưng chúng ta rồi cũng sẽ gù.
Hà Phạm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/neu-chung-ta-im-lang-597176/