Nếu con người bị đẩy ra đại dương

Cách nay gần một thập niên, tỉ phú Peter Thiel ở Thung lũng Silicon trở thành đồng sáng lập của Viện không doanh lợi Seasteading Institute và ông đã đóng góp khoản tiền đầu tiên để xây dựng thành phố nổi đầu tiên của thế giới.

Từ giấc mơ “ốc đảo tự do” của tỉ phú Pháp Peter Thiel…

Viện được thành lập năm 2008 bởi nhà kinh tế Patri Friedman và Thiel. Đến năm 2020, Viện hy vọng nếu có 60 triệu USD huy động được từ những cổ đông sẽ xây dựng xong hơn chục hòn đảo nổi tại lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp với đầy đủ các cơ sở hạ tầng ban đầu: nhà ở, nhà hàng, văn phòng, thương xá, trường học, bệnh viện và khách sạn.

Năm 2009, Peter Thiel viết: “Nơi cư trú nằm giữa không gian điều khiển (cyberspace) và không gian bên ngoài trái đất chính là đại dương”. Tuy nhiên, sau khoản tiền bỏ ra ban đầu và theo đuổi dự án được vài năm, nay ông không còn liên quan trực tiếp đến “giấc mơ” của mình.

Thoạt đầu, những “mẹ đẻ” của dự án đầy tham vọng này mường tượng thành phố nổi của họ sẽ là một “ốc đảo biệt lập” không bị chi phối bởi những luật lệ của đất liền, nơi những cư dân có thể đến và đi thoải mái.

Joe Quirk, chủ tịch Viện, lập luận: “Bằng cách đưa thành phố nổi ra vùng biển quốc tế, chúng ta sẽ tạo ra những quốc gia mới với hệ thống pháp lý riêng của nó. Một thành phố được xây dựng trên những nền móng rộng 50m ghép lại sẽ cho phép cư dân tách ra theo ý muốn để chuyển đến thành phố nổi khác tùy thích. Tính linh hoạt này là một trong những điểm đặc sắc của thành phố nổi mà thành phố đất liền không có được. Cư dân có thể dời đi nếu ban điều hành thành phố có vấn đề. Những kẻ có tham vọng chính trị không còn nơi thi thố” – ông nói.

Joe Quirk vừa cho tờ Business Insider biết là kế hoạch vẫn tiến triển tốt ở giai đoạn chuẩn bị, nhưng định hướng có khác. Ông và các đồng nghiệp không còn nghĩ thành phố nổi sẽ là một “không gian của tự do” mà xem đó là cách con người giải bài toán khó: mực nước biển dâng mà theo các nhà khoa học sẽ tăng thêm 1,8m vào cuối thế kỷ 21.

Đầu năm 2017, chính quyền Polynesia thuộc Pháp cho phép Seasteading Institute thăm dò khu vực nó định xây dựng cụm đảo nhân tạo dùng cho thành phố nổi. Dự tính thành phố nổi sẽ nằm cách bờ biển gần 1km và chứa được khoảng 250 người. Hiện nay đã có hơn 1.000 đơn đăng ký mua nhà.

Các cư dân của thành phố nổi dễ dàng quay lại đất liền bằng phà khi cần thiết hoặc khi không còn thích sống ở đó nữa. Năng lượng cho các sinh hoạt trên đảo sẽ do hệ thống điện mặt trời và turbin gió cung cấp.

Không gian xanh cây cối cũng được quan tâm. Rau quả được sản xuất bằng phương pháp thủy canh và thực phẩm từ nuôi trồng thủy sản. Nước được gom từ đại dương và tái chế. Công ty Blue Frontiers được giao nhiệm vụ thay mặt viện quản lý đảo. “Sống trên đại dương sẽ là bước đi cần thiết trước khi chúng ta lên sống trên sao Hỏa” – Quirk nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về thành công của dự án vì năm 2010, tại Vịnh San Francisco của bang California (Mỹ) cũng có một dự án tương tự nhưng không bao giờ trở thành hiện thực! Tờ The New York Times đánh giá thành phố nổi của Thiel vẫn còn là “sản phẩm của phim ảnh” trong nhiều năm nữa cho dù con người có bị nước biển dâng đe dọa.

Ngoài ra, giá bán những ngôi nhà trên thành phố nổi chắc chắn không rẻ. Tuy vậy, thành phố nổi, nếu xây dựng thành công, chắc chắn sẽ đem lại nhiều sáng kiến mới, từ phát sinh năng lượng đến khoa học nền móng-vật liệu; từ điều hòa nhiệt độ, không khí, giải mặn đến nuôi trồng thủy sản, thủy canh.

…Đến áp lực dân số và nước biển dâng

Nhiều tỉ phú công nghệ, kiến trúc sư và những người có tâm hồn mơ mộng hy vọng sẽ xây dựng thành công những cộng đồng trên đại dương, thậm chí cả những quốc gia-thành phố nhỏ. Mỗi tuần lại có 3 triệu cư dân mới nhập cư và mới sinh ra tại các khu đô thị trên thế giới.

Con số này tương đương với dân số hiện hành tại thành phố San Diego (Mỹ) và thành phố Kiev (Ucraina) cộng lại. Nếu tính mỗi tháng, số cư dân đô thị mới sẽ bằng dân số Moscow (Nga) hay Rio de Janeiro (Brazil).

Đến năm 2030, 60% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố, tạo áp lực rất lớn lên các đô thị đang có. Thay đổi khí hậu theo chiều hướng xấu tạo thêm áp lực khi 90% thành phố lớn nhất thế giới nằm sát bờ biển và bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước biển dâng cao dần.

Để đối phó với những nguy cơ, các nhà công nghệ khuyến cáo con người nên suy nghĩ kỹ và có tư duy sáng tạo hơn khi xây dựng các thành phố tương lai. Ý tưởng phải được thử nghiệm ngay từ bây giờ. Thay vì xây dựng nhà ở trên đất liền, chúng ta hãng xây dựng trên mặt biển như một cộng đồng cư trú nổi hoặc đô thị nổi thu nhỏ. Tuy nhiên, ý kiến phản biện cho rằng sáng kiến này khó khả thi với trình độ công nghệ như hiện nay.

Lý do: biển luôn tiềm ẩn những hiểm họa khó đoán với những con sóng có thể cao đến gần 30m có thể xô ngã tất cả những gì đứng trên nó nếu khinh suất. Rồi các thành phố nổi sẽ ra sao trong thực tế. Nó giống như các cụm “nhà-phà” tháo rời được để di chuyển hoặc liên kết bền vững với nhau bằng một móng bằng duy nhất? Đây là câu hỏi mà các nhà thiết kế đô thị đang cố gắng trả lời.

Trả lời được những câu hỏi này thì mới huy động được tiền cho xây dựng. Hiện nay các nhà thiết kế đang suy nghĩ về những thành phố nổi có thể thay đổi hình dạng theo mùa để cư dân ấm hơn vào mùa lạnh và mát mẻ hơn vào mùa nóng.

Các tỉ phú chán sống trên đất liền (dù là gần bờ biển) đang xem xét chuyển nơi cư trú ra biển xa. Các kỹ sư về công trình đại dương cũng góp một tay để thử nghiệm giấc mơ mới. Từ lâu đã có xu hướng phổ biến trong phát triển đô thị: các thành phố cứ lấn dần ra biển để thêm không gian sống cho số cư dân ngày càng tăng.

Ví dụ: tại Singapore, 25% diện tích thành phố được xây dựng trên đất lấn biển. Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản có 20% diện tích cư trú là các hòn đảo nhân tạo. Đáng chú ý hơn nữa là các nhà qui hoạch đô thị của Dubai vẫn cho xây dựng hàng loạt các phức hợp xa xí cao tầng trên các hòn đảo nhân tạo.

Nhiều thế kỷ qua, đất nước Hà Lan đã rất nổi tiếng với những đê kè chắn sóng khổng lồ lấn Biển Bắc để chống lụt và bảo vệ các đô thị lớn nằm dưới mực nước biển. Nhưng thay vì giữ cho nước biển và sóng biển không xâm hại các thành phố, nhiều nhà quy hoạch đô thị có tầm nhìn tương lai tin rằng con người có thể sống chung hòa bình với biển ngay trên mặt biển xa bờ cả cây số.

Họ được gọi là các “nhà kinh doanh đại dương” và mục tiêu của họ là giải quyết cuộc khủng hoảng cư trú và các vấn đề xã hội khác đang tác động xấu đến các đô thị phát triển nhanh, tù túng. Đi ra đại dương là một trong những giải pháp khả thi thay vì chỉ chiếm lĩnh chiều cao với những tòa nhà cao tầng như hiện nay.

“Chúng ta phải tập sống chung với biển như bạn bè chứ không phải coi nhau như kẻ thù” – kiến trúc sư Koen Olthuis, người sáng lập công ty WaterStudio tại Hà Lan, nhận định. Công ty của ông đang thiết kế và lắp ráp những nền móng nổi có thể lắp ghép bên trên các ngôi nhà đơn lẻ hoặc tòa nhà ít tầng. Trước mắt, WaterStudio tập trung xây dựng những biệt thự đơn cho các tầng lớp giàu có và văn phòng cho những công ty muốn tìm kiếm một môi sinh làm việc khác biệt.

Đối mặt với thách thức

Koen Olthuis tin rằng việc xây dựng cả một đô thị nhỏ trên nhưng nền móng mà công ty ông đang nghiên cứu là hoàn toàn khả thi. “Bạn hãy tưởng tượng một thành phố có nền móng tháo ráp được với những ngôi nhà nổi và tòa nhà nổi. Một thành phổ có thể biến hình theo mùa để tạo thuận lợi tối đa cho những người sống trên nó và đáp ứng dân số tăng” – Koen Olthuis nhận định. Dĩ nhiên, thành phố nổi phải có cả đường xá, tiện ích điện, nước, thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học, ngân hàng, công viên như một thành phố trên đất liền dù qui mô nhỏ hơn.

Trong khi các đô thị xây dựng trên đất liền phải nằm yên một chỗ, muốn thay đổi phải phá bỏ kiến trúc cũ thì thành phố trên biển dễ dàng ghép thêm cụm dân cư hoặc thay đổi, sắp xếp theo mùa (mùa nóng tách ra để hình thành những con kênh làm mát, mùa lạnh ghép lại để chắn bớt gió biển). Dân số tăng, khách du lịch tăng, thành phố nổi sẽ tăng diện tích sàn.

Khi dân số giảm sẽ bớt đi. Koen Olthuis và các cộng sự không chỉ thiết kế các thành phố nổi trên biển mà còn nghĩ đến việc cung cấp năng lượng, nước sạch, tiện nghi vệ sinh cho những khu nhà ổ chuột nằm ven biển trên khắp thế giới. Đây là việc mà WaterStudio có thể làm ngay. Nhiều khu định cư ổ chuột rất dễ bị ngập lụt khi triều lên nhưng vị trí của nó cũng tạo ra cơ hội cho các công ty như WaterStudio.

WaterStudio đang làm việc với UNESCO để xây dựng những trường học nổi cỡ nhỏ tại một số khu nhà ổ chuột ven biển, nơi diện tích không chứa đủ cư dân tăng dần. Công ty cũng đóng góp một phần vốn vào dự án xây dựng trường học nổi dùng năng lượng mặt trời cho hơn 70.000 trẻ em nghèo tại Bangladesh. Koen Olthuis và đội ngũ của ông còn cải tiến các container vận tải biển thành nhà gắn trên những nền móng nổi làm bằng hàng chục ngàn chai nhựa bỏ đi.

Cứ 5 container tạo thành một phòng học khang trang gồm cả nhà vệ sinh, bếp ăn và hệ thống điện kết nối với mạng pin mặt trời nổi. Phòng học đầu tiên đã được chuyển đến Korail, khu ổ chuột nằm sát biển ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. Cái hay của dự án này là lớp học có thể tách rời khỏi khu nhà ổ chuột để chuyển đi nơi khác nếu Korail không còn cần đến nó nữa.

“Cứ đưa nó lên xe tải, lái đến vùng biển khác là xong” – ông nói. Tuy nhiên, phòng học nổi của Olthuis vẫn còn liên kết với đất liền bằng sợi dây cáp và trụ néo vững chắc. Giấc mơ lớn nhất của ông và một số kiến trúc sư có tầm nhìn mơ mộng khác là cắt luôn sợi dây cáp để tạo ra một thành phố nổi đúng nghĩa, không còn dây dưa gì đến đất liền. Quay sang lĩnh vực pháp lý.

Theo Liên Hiệp Quốc, các hòn đảo và cơ sở nhân tạo không được hưởng quy chế như các hòn đảo tự nhiên vì thế nó không trể trở thành một quốc gia nhỏ.

Năm 1967, một phát thanh viên vô tuyến Roy Bates chiếm một ụ súng chống máy bay trên Biển Bắc rồi tuyên bố đây là “quốc gia độc lập” mời ra đời có tên Principality of Sealand.

Hiện ông ta vẫn còn giữ ụ súng này nhưng qui chế quốc gia không bao giờ có. Nhưng thách thức lớn nhất đối với các thành phố nổi hay cộng động cư dân nổi trên biển vẫn là thời tiết. Chúng phải chịu đựng được các điều kiện khắc nghiệt của môi trường biển với những ngọn sóng có thể cao đến 20m và những trận bão càn quyét hàng ngày.

“Khi sống tại một nơi có sóng cao như thế, bạn sẽ không làm gì được ngoài việc lên và xuống theo sóng. Nếu tạo được nền móng ổn định trước sóng, chi phí sẽ cực lớn. Neo vững được cả một thành phố nổi hầu như bất khả thi – Philip Wilson, giáo sư động lực học và kỹ thuật tàu biển tại Đại học Southampton, nhận xét – Vì vậy, tôi hoài nghi là con người có thể xây dựng được một thành phố nổi chịu được sóng to biển động. Một thành phố nổi mà có đến hơn phân nửa cư dân luôn bị say sóng hành hạ là ‘thành phố ác mộng’. Không ai muốn sống trong điều kiện ‘địa ngục’ như thế. Ngay cả nền móng ổn định, mưa to gió lớn liên tục vẫn là rào cản lớn để thu hút cư dân”. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là giấc mơ về thành phố nổi là hoàn toàn hoang đường.

Nó có thể được xây dựng nhưng phải gần đất liền và việc mở rộng không gian sống từ đất liền bằng lấn biển vẫn là giải pháp tốt nhất.

Lê Tây Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/neu-con-nguoi-bi-day-ra-dai-duong-19250.html