Nếu giải quyết bạo lực bằng..bạo lực!?

Một cậu bé bị bạn học đánh tím người, về mách bố. Và, đây là giải pháp mà người bố đưa ra: Sáng mai, hãy đưa bố đến trường. Ở ngay trước cổng trường, đối diện với 'đối tượng' đánh con mình, ông bố giơ tay lên tát và quát tháo ầm ĩ: 'Ai cho mày đánh nó?'. Đấy là câu chuyện mà thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách kể lại cùng một lời bình luận chua chát: 'Có phải chỉ ở Việt Nam mới có cách giải quyết bạo lực học đường như vậy hay không?'.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, khi biết chuyện con mình bị bạn bè bắt nạt, đánh đập, tâm lý thường thấy của các bậc phụ huynh là xót con. Đấy là một tâm lý rất bình thường, dễ hiểu. Nhưng, nếu người ta không thể xử lý đặc điểm tâm lý này một cách tích cực thì một đặc thù tâm lý khác sẽ thay thế, đó là phẫn nộ. Và, từ xót xa, phẫn nộ tới chuyện đứng trước “đối tượng” bạo lực với con mình để làm một điều gì đó theo kiểu “Ai cho mày đánh con tao” là một khoảng cách rất gần. Khi đó, người ta có xu thế giải quyết một vụ bạo lực bằng chính những công cụ bạo lực. Và, khi đó, “chuyện trẻ con mất lòng người lớn”, thậm chí là “mất lòng rất nhiều người lớn” hoàn toàn có thể xảy ra.

Tôi chợt nhớ lại tất cả những phân tích của bác sĩ Nguyễn Hồng Bách sau khi chứng kiến câu chuyện bạo lực học đường gây xôn xao dư luận, diễn ra ở một trường quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh những ngày vừa qua. Khi thấy con mình bị bạo lực, một vị phụ huynh đã đến trường, đề nghị nhà trường giải quyết. Khi thấy nhà trường chưa thể lập tức giải quyết theo những mong mỏi của mình, lại phải chứng kiến những hình ảnh, lời lẽ mà mình cho là “phản cảm” của những người liên quan tới hành vi bạo lực nói trên, vị phụ huynh đã không kiềm chế được cảm xúc. Và thế là chị đã làm một việc mà từ trước tới nay có lẽ rất ít người đã làm khi giải quyết câu chuyện bạo lực học đường: Livestream (chia sẻ trực tuyến) trên không gian mạng.

Livestream như thế, chị sẽ được gì?

Thứ nhất, được thỏa mãn cảm xúc. Thực ra, những gì muốn nói đều đã được chị nói trong phạm vi nhà trường. Đối tượng nghe khi đó chỉ là một vài thầy cô giáo, một vài bậc phụ huynh, một vài em học sinh, nghĩa là một phạm vi rất nhỏ. Nhưng, với công cụ mạng, đặc biệt với chức năng livestream (chia sẻ trực tiếp), đối tượng nghe sẽ được nhân lên rộng hơn rất nhiều. Hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí là hàng chục vạn người đã theo dõi những livestream đầu tiên của chị. Có thể chia sẻ cảm xúc với một lượng người nghe rộng lớn như thế, sự thỏa mãn cảm xúc của người nói (ít nhất chỉ là tâm lý “được nói ra”) là điều không thể phủ nhận.

Thứ hai, chị đã đẩy câu chuyện lên mức ầm ĩ và có thể trong suy nghĩ ban đầu của chị thì sự ầm ĩ đó khiến tất cả các đối tượng liên quan phải rốt ráo vào cuộc. Không ai có thể đứng ngoài, không ai có thể trốn tránh, không ai có thể phủi tay. Thực tế là sau khi câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng thì ngành giáo dục đã vào cuộc, chính quyền địa phương đã vào cuộc và tính đến thời điểm này đã có những báo cáo chính thức đầu tiên từ phía nhà trường. Theo đó, nhà trường đã phải thừa nhận một phần trách nhiệm do chưa theo dõi sâu sát học sinh một cách tốt nhất, cả về mặt học tập và tâm lý lứa tuổi, từ đó cam kết sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ ba, xét ở góc độ truyền thông thuần túy, thông qua việc làm lớn câu chuyện bạo lực học đường, vị phụ huynh có thể trở nên... nổi tiếng, từ đó có cơ hội tham gia vào những sự kiện truyền thông liên quan tới việc phòng tránh bạo lực học đường trong tương lai. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một điều phái sinh, chứ chưa chắc đã là ý muốn ban đầu của vị phụ huynh này. Vẫn phải cẩn thận nói như vậy vì suy cho cùng, chúng ta chỉ là những người quan sát bên ngoài nên không thể biết chính xác những suy nghĩ thực sự bên trong của người khác.

Điều chúng ta phải đặt ra tiếp theo là, bên cạnh những cái được nêu trên thì câu chuyện có thể dẫn tới những hệ lụy ngoài ý muốn nào không?

Nếu chịu khó đọc các comment (bình luận) trong các livestream liên tiếp của vị phụ huynh nói trên, rồi đọc vô số các status (dòng trạng thái) bình luận về vụ việc này trên khắp các diễn đàn mạng những ngày qua, chúng ta thấy là đã và đang có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Đó có thể là những ý kiến bênh vực con chị, kêu gọi phải xử lý nghiêm khắc những đối tượng thực hiện hành vi bạo lực với em học sinh này. Đó có thể là những ý kiến kêu gọi mọi người phải bình tĩnh, tuyệt đối tránh nghe một chiều, tuyệt đối tránh nhìn nhận vụ việc bằng cảm xúc. Rồi có cả những ý kiến thiếu tích cực và mang màu sắc của những châm chọc ác ý. Thậm chí, từ câu chuyện này đã bắt đầu xuất hiện những biểu hiện có thể coi là “đấu tố” trên mạng, “bắt nạt” trên mạng.

Điều đó có nghĩa là bỗng nhiên con chị lại trở thành đối tượng bàn tán, bình luận, phán xét của rất nhiều đối tượng/thể loại người khác nhau. Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách cho biết, khi “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ như vậy, một đứa trẻ rất dễ bị tổn thương. “Thắng thua là câu chuyện của người lớn, nhưng bất luận ai thắng ai thua thì nguy cơ tổn thương của một đứa trẻ là có thật. Lúc này, nếu gia đình không có những giải pháp tâm lý đặc biệt, không biết cách ngăn chặn con em đối diện với những bình luận dồn dập khác nhau trên không gian mạng thì chúng hoàn toàn có thể bị rối loạn”. Đây là một tác hại mà khi thực hiện những livestream đầu tiên và liên tiếp thực hiện những livestream tiếp theo để đẩy nhanh, đẩy cao, đẩy xa vấn đề, có thể những bậc làm cha làm mẹ đã chưa thể lường ra hết.

Ảnh: S.t

Ảnh: S.t

Trong suốt quá trình livestream, vì quá xót xa cho con và quá bức xúc với những gì mình đã đối diện mà đôi khi vị phụ huynh đã sử dụng những từ ngữ thiếu kiềm chế. Ở góc độ của những người làm cha mẹ, chúng ta có thể thông cảm với những biểu hiện thiếu kiềm chế đó. Nhưng, ở góc độ của những đứa trẻ đang xem chị livestream, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng nghe thấy và bị kích động bởi những ngôn ngữ thiếu kiềm chế như vậy? Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là người trẻ thường bị kích thích bởi những clip bạo lực trên không gian mạng. Bạo lực ở đây không chỉ là hành động bạo lực, mà còn là không gian bạo lực, ngôn từ bạo lực. Chúng ta hoảng sợ khi thấy những đứa trẻ tung hô, thần tượng những “anh hùng mạng”. Cho nên, chúng ta đã làm mọi cách để ngăn chặn những đứa trẻ tiếp xúc với những video clip của những “thánh chửi”, “thầy chửi”, “thánh chém”, “thầy chém” vốn xuất hiện đầy rẫy trên YouTube một thời.

Có thể nói, bất cứ sắc thái kích động nào, dưới bất cứ hình thức kích động nào, ở bất cứ cấp độ nào đều hết sức nguy hại cho những đứa trẻ. Và, nếu không thể ngăn chặn những đứa trẻ tiếp xúc, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp với các kiểu kích động như vậy thì quá trình giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bạo lực học đường vốn là điều không mới. Nhưng, cách mà một số vị phụ huynh dùng những công cụ mới (ví dụ như công cụ livestream) trên mạng để giải quyết vấn đề buộc chúng ta phải nhìn nhận nhiều chiều, từ đó rút ra những bài học về ứng xử. Tố cáo bạo lực là đúng, kêu gọi giải quyết bạo lực là rất đúng, nhưng tố cáo bằng cách nào, ở phạm vi, mức độ nào để câu chuyện vẫn có thể được giải quyết mà tâm lý của những đứa trẻ vẫn không bị tổn thương là điều mà những người trong cuộc phải tính toán nhiều chiều.

Trong đó, bắt buộc phải nhấn mạnh với nhau rằng: Giải quyết bạo lực bằng những hình thức mang màu sắc bạo lực là một điều tối kỵ.

Vương Trọng Tín

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/neu-giai-quyet-bao-luc-bang-bao-luc--i656892/