Nêu gương - giải pháp quan trọng tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã từng căn dăn: 'Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước'. Người khẳng định rằng: Đối với các dân tộc phương Đông thì 'một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền'. 'Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới'.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan của việc nêu gương, Ðảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QÐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã ban hành Quy định số 08-QÐi/TW về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng".

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 89 năm qua, Đảng ta đã rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng. Đa số cán bộ, đảng viên luôn trau dồi và giữ được phẩm chất, đạo đức cách mạng, tiên phong, gương mẫu, có lối sống trong sạch, lành mạnh. Đặc biệt, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên vững vàng trước những biến động trong nước và thế giới, kiên định mục tiêu và con đường đi lên CNXH do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong hai cuộc kháng chiến trường chinh vĩ đại của dân tộc, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, hy sinh, cống hiến hết mình vì Đảng, vì Dân. Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới, nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu cao tấm gương về bản lĩnh chính trị, ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm. Nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động trong các môi trường phức tạp, điều kiện khó khăn đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm nhiều cách làm mới, đạt hiệu quả cao, được quần chúng tin yêu, ca ngợi, góp phần quan trọng trong việc tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên có ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong điều kiện hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vì vậy, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu càng trở nên quan trọng để tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, chủ nghĩa thực dụng và trước sự chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”. Điều này đã được nhận định trong nhiều nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Thực trạng đóđã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.Thời gian qua, dư luận hết sức bức xúc, bất bình về những việc làm sai trái, vi phạm đạo đức, thiếu tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, nói không đi đôi với làm của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cấp cao của Đảng. Qua quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị. Đó chính là bài học đắt giá và tiếng chuông cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên không nêu gương, coi thường pháp luật, kỷ cương, phép nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, nhất là xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng thì vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, để trách nhiệm nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết cần phải thực hiện tốt việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm nêu gương đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng để tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó là cụ thể hóa các quy định về nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trên mỗi cương vị công tác.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó, cần chú trọng đến các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là các quy định về nêu gương, đặc biệt là Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng" gắn với thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền. Cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình những tập thể, cá nhân làm chưa tốt công tác tuyên truyền.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý, người đứng đầu cần phải tự soi, tự sửa, nói đi đôi với làm, rèn luyện đạo đức, phong cách, tác phong, hành động để xây dựng hình ảnh chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập; luôn trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, thẳng thắn, chân thành để nhân dân học tập và làm theo.
Các Mác đã từng nhấn mạnh: “Một lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng một lực lượng vật chất, song, lý luận cũng trở thành một lực lượng vật chất khi nó xâm nhập vào trong quần chúng”. Vì vậy, khi nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, tự giác và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên thì nó có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, nó trở thành sức mạnh vật chất mà không một kẻ thù nào có thể phá nổi.

Trần Văn ToànTrường Chính trị Lê Duẩn

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dien-dan/2019/12863/neu-guong-giai-phap-quan-trong-tang-cuong-cung-co-niem.aspx