Nêu gương trong phòng, chống tác hại thuốc lá

Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đi vào cuộc sống, việc nêu gương đóng vai trò rất quan trọng. Khi những người đứng đầu, người cao tuổi... trong mỗi tổ chức, gia đình thực sự chuẩn mực, gương mẫu sẽ tạo được sự lan tỏa cao đến các thành viên còn lại, việc thực hiện Luật PCTHCTL sẽ nghiêm túc hơn.

Biển cấm hút thuốc lá được đặt tại bộ phận một cửa của UBND xã Mò Ó, huyện Đakrông - Ảnh: T.L

Thời gian qua, xã miền núi Mò Ó, huyện Đakrông đã chú trọng công tác triển khai thực hiện Luật PCTHCTL nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe của mỗi người và cộng đồng.

Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do cho biết: “Để thực hiện Luật PCTHCTL, ngay từ đầu năm, trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, chúng tôi đã lồng ghép quán triệt nội dung cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Đi đôi với đó, thực hiện treo biển cấm hút thuốc lá tại các phòng làm việc, bộ phận một cửa, những nơi người dân thường xuyên đến trao đổi, làm việc. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên nên tình trạng hút thuốc lá tại nơi làm việc thời gian qua đã giảm đáng kể. Đặc biệt, với sự nêu gương, thực hiện nghiêm túc quy định không hút thuốc lá nơi công sở đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân khi đến giao dịch, làm việc tại trụ sở UBND xã”.

Người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động PCTHCTL. Sự gương mẫu của người cao tuổi góp phần giúp các con, cháu và các thành viên trong gia đình không hút thuốc, tránh xa khói thuốc.

Trước đây, bà Hồ Thị Phay, 80 tuổi, thôn Khe Luồi, xã Mò Ó từng hút thuốc lá, có thời điểm, hút thuốc lá đã trở thành thói quen khó từ bỏ trong sinh hoạt hằng ngày. Hơn 10 năm trước, bà Phay bị ốm, ho nhiều, tức ngực, khó thở, bác sĩ khuyên để cải thiện tình trạng sức khỏe và hỗ trợ tốt cho việc trị bệnh nên bỏ thuốc lá. Lo lắng cho sức khỏe, bà Phay quyết tâm bỏ thuốc lá. Từ khi không hút thuốc và tích cực điều trị bệnh, sức khỏe của bà đã ổn định.

“Từ bài học của bản thân về tác hại của thuốc lá, tôi đã khuyên con cháu trong gia đình, những người xung quanh ai chưa hút thuốc lá thì đừng nên tập hút, những ai đang hút thuốc lá nên cố gắng cai thuốc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tôi rất vui vì thời gian gần đây, gia đình tôi không có người hút thuốc lá”, bà Phay cho hay.

Thuốc lá là “kẻ giết người thầm lặng”. Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới.

Người nghiện thuốc lá bị phổi tắc nghẽn mạn tính gấp 10 lần so với người không hút thuốc, có 80-90% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính có hút thuốc lá. Thậm chí, những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian, bệnh kéo dài cho đến suốt quãng đời còn lại kể từ khi bệnh nhân phát bệnh. Bệnh cũng không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể điều trị theo từng đợt bệnh tái phát.

Bên cạnh thuốc lá truyền thống, thời gian gần đây, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có xu hướng tăng ở đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ, đây là thách thức mới trong hoạt động phòng, chống PCTHCTL tại địa phương.

Theo cảnh bảo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, với thành phần có chứa nicotine, thuốc lá điện tử đã được chứng minh là có khả năng gây nghiện và độc hại không kém thuốc lá truyền thống.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Do vậy, việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, xây dựng môi trường không khói thuốc đang là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Xây dựng môi trường làm việc, môi trường sống không khói thuốc lá được xem là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mỗi người khỏi những nguy cơ đối với sức khỏe mà nguyên nhân từ khói thuốc gây ra, đồng thời giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc, qua đó giúp giảm chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp của người lao động và người sử dụng lao động cho việc khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Cùng với đó, môi trường làm việc, môi trường sống không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá, hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc... giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ.

Đồng thời, góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho mỗi người, nêu cao tinh thần giữ gìn sức khỏe và duy trì lối sống lành mạnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt Luật PCTHCTL, công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá cần được đẩy mạnh hơn nữa, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về trách nhiệm trong PCTHCTL, lợi ích của một môi trường sống không khói thuốc lá. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện Luật PCTHCTL, tự nguyện bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá đúng nơi quy định, tuyên truyền, vận động gia đình và cộng đồng cùng tích cực tham gia để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/neu-guong-trong-phong-chong-tac-hai-thuoc-la/181320.htm