Nếu Israel cấp tập phóng LORA, S-400 có chống được?

Trong khi thực hư việc Syria đã có trong tay Iskander-M vẫn chưa được xác định thì Israel lại chẳng thiếu phương tiện tấn công...

Cuối tuần qua truyền thông khu vực Trung Đông đã đăng tải phát ngôn của giới lãnh đạo Syria rằng kể từ giờ trở đi họ sẽ áp dụng luật chơi mới, đó là tấn công thẳng vào sân bay của Israel nếu nước này tiếp tục bị không kích.

Để làm được điều trên thì Syria phải có trong tay phương tiện đủ sức thực hiện tuyên bố của mình, theo giới quan sát thì khả năng cao là Damascus sẽ được Nga cấp một số tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander-M.

Tuy nhiên nếu như Syria có trong tay Iskander-M, để làm tổn thương được lãnh thổ Israel thì họ phải vượt qua tầng tầng lớp lớp các hệ thống phòng thủ được thiết kế chuyên biệt cho đánh chặn tên lửa đạn đạo. Trong khi đó ở chiều ngược lại Damascus lại chẳng có vũ khí nào đủ sức ngăn chặn tên lửa Israel đáp trả.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn LORA của Israel

Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, trong trường hợp bị tập kích bằng Iskander-M thì chắc chắn Quân đội Israel sẽ trả đũa bằng một đợt phóng ào ạt tên lửa LORA như hôm 30/10, đánh chặn vũ khí này là nhiệm vụ quá khó khăn kể cả đối với S-400 chứ chưa nói đến S-300PM của Syria.

Điểm độc đáo nhất của LORA đó là nó có quỹ đạo được lập trình với khả năng tự điều chỉnh đường bay linh hoạt ngang tên lửa hành trình với những cú ngoặt rất gấp nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương.

Vận tốc tối đa của tên lửa LORA đạt tới con số Mach 4,5, tầm bắn lớn nhất 400 km, mang theo đầu đạn nặng 400 - 600 kg với độ sai lệch chỉ trong khoảng dưới 10 m, đảm bảo tiêu diệt chính xác mọi mục tiêu của đối phương.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga

Trong khi đó S-300PM của Syria và cả S-400 của Nga có vai trò chính là tạo lập ô phòng không bảo vệ các mục tiêu mặt đất tránh khỏi cuộc tập kích đường không bằng máy bay của đối phương.

Để đánh chặn tên lửa đạn đạo thì đài radar dẫn bắn được yêu cầu phải tính toán thật chính xác đường bay dự kiến của mục tiêu để đưa đạn 48N6E3 hay 40N6 tới cự ly thật sát để chỉ cần điều chỉnh một chút về đường bay, đây chính là cốt lõi của công nghệ "hit to kill" mà Nga đang cố áp dụng trên S-500.

Đáng tiếc rằng khả năng này của đài 91N6, 92N2 hay 96L6 thuộc S-400 không đủ tinh vi, độ sai lệch mặc dù không quá lớn nhưng đối phó với mục tiêu có tốc độ cực nhanh mà không ngoại suy và dẫn tên lửa đánh chặn lên “chặn đầu” thì gần như cầm chắc thất bại, vì có ngoặt nhanh đến mấy cũng không kịp.

Với cán cân như trên, việc Syria tuyên bố sẽ giáng trả thẳng vào sân bay của Israel có lẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/neu-israel-cap-tap-phong-lora-s-400-co-chong-duoc-3371295/