Nếu không cải cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau!

Ngày 30 và 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Nâng cao chất lượng làm luật

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Thảo luận tại phiên họp, hầu hết các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với những nội dung thể hiện trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đánh giá, năm 2019 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây là một năm được đánh dấu bằng kết quả toàn diện về kinh tế xã hội. Đạt được những kết quả đó, đại biểu cho biết, cử tri và nhân dân ghi nhận sự nỗ lực của Thủ tướng và Chính phủ, với quyết tâm cao cùng sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, từng bước đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật của chúng ta "có vấn đề". Khi mà những ách tắc, chậm trễ, tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện được chỉ ra thì nguyên nhân đầu tiên được nêu là hệ thống pháp luật còn chồng chéo, bất cập. Đại biểu cho rằng điều này là không sai nhưng chưa đủ. Những bất cập, chồng chéo đó là ở đâu, như thế nào thì chưa được các cơ quan chức năng chỉ rõ việc điều chỉnh, sửa đổi như thế nào để tháo gỡ kịp thời chưa được quan tâm đúng mức.

Do đó, đại biểu đề nghị, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh từ cơ sở, kịp thời điều chỉnh ngay những bất cập, chồng chéo trong văn bản pháp luật, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích những cán bộ dám nghĩ dám làm.

Từ thực tế có những vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nhưng đến khi vụ việc bị phát hiện, phản ánh hoặc xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản thì mới được quan tâm tuyên truyền, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường quản lý, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" đang được tái diễn trên nhiều ngành, lĩnh vực như xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa DN Nhà nước, môi trường, giáo dục đào tạo...

Đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận

Nếu không cải cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tụt lại!

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tán thành với báo cáo của Chính phủ, nhưng cho rằng, dù kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ.

“Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 2018 khoảng 8.400)”, đại biểu dẫn chứng.

Theo đại biểu, giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Cụ thể, đại biểu cho rằng, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực, thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu đó là trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI “thu nhập quốc dân” để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho rằng, chúng ta đã có một năm thành công: Cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%. Thất nghiệp dưới 4%. Tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm. Trên 130.000 DN thành lập mới. Đầu tư xã hội được mở rộng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện… Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng!

Nhưng nhìn về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo thì đại biểu cho rằng, chưa thể yên tâm. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan. Việc chúng ta chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. “Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau”, đại biểu nhấn mạnh.

Nghiên cứu lại phương thức thi THPT quốc gia

Đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) quan tâm đến vấn đề văn hóa và giáo dục. Theo đại biểu, xét về tổng thể, văn hóa chưa được coi trọng tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước, trong khi đó, văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề. Với một đất nước đang trên đà phát triển như nước ta lại càng cần phải coi trọng và tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

Đại biểu cho rằng, các nguyên nhân của những tồn tại vừa qua như vấn đề xuống cấp về đạo đức lối sống đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thế nhưng, nguồn lực đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và hạn chế; quản lý cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo làm kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền …

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để giải quyết một cách căn cơ, ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách tu bổ các công trình văn hóa, bảo đảm phát huy giá trị di sản văn hóa; có giải pháp quản lý chặt chẽ, thận trọng hơn đối với việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh, các ấn phẩm.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, việc thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT khiến cử tri chưa yên tâm. Phương thức thi này là nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; tạo nên cách dạy và học, tư duy với môn này bị thay đổi, thầy cô chỉ cần dạy cho học sinh biết cách làm bài thi trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài, học sinh chỉ cần khoanh tối đa phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất.

Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm một bài toán và tư duy logic - cái cần phải có trong học môn toán thì lại bị xem nhẹ, học sinh chỉ cần ra đáp án đúng là đủ. Vì vậy, nhiều thầy giáo ở các trường ĐH dạy các môn khoa học tự nhiên đã có ý kiến về chất lượng của học sinh THPT trong thời gian gần đây, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo chung của cả hệ thống.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ lắng nghe ý kiến cử tri và nghiên cứu lại phương thức thi trong thời gian tới.

Chính phủ dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/neu-khong-cai-cach-manh-me-chung-ta-se-tut-lai-phia-sau-168104.html