Nếu mọi đứa trẻ đều tới trường

Ngân hàng Thế giới đầu năm nay đưa ra cảnh báo rằng mục tiêu toàn cầu về phổ cập giáo dục cấp hai miễn phí cho mọi trẻ em trước năm 2030 đã tạo ra một làn sóng 'đánh đổi chất lượng lấy số lượng', dẫn đến việc nhiều trẻ em tới lớp nhiều năm nhưng vẫn không biết đọc, biết viết hay làm phép tính đơn giản. Nhưng dù còn nhiều bất cập tới đâu, đây vẫn là mục tiêu cần phải được hiện thực hóa.

Nếu bạn đi dạo qua từng lớp học ở trường tiểu học Tibba Khara ở ngoại ô Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, bạn sẽ thấy dường như lũ trẻ từ từ biến mất. Lớp 1 là lớp đông đúc nhất với các cô bé cậu bé từ năm đến sáu tuổi ngồi chật cứng các hàng ghế. Nhưng khi đi sang những lớp lớn hơn, sĩ số dần dần nhỏ lại. Ở những lớp cuối cấp, khi các em đã mười đến mười một tuổi, chỉ còn lác đác vài học sinh ngồi học trong lặng lẽ.

Tình trạng bỏ học dần theo các cấp lớp không hiếm gặp ở Pakistan. Trên toàn thế giới, tỉ lệ trẻ em không đi học tiểu học đã giảm từ 28% vào năm 1970 xuống chỉ còn 9% vào năm 2016. Nhưng con số này đang có chiều hướng kém lạc quan hơn. Trong mười năm qua, tỉ lệ trẻ em không đến trường chỉ giảm chưa đầy 1%. Vẫn còn 63 triệu trẻ em đến tuổi không được học tiểu học, và có đến 200 triệu em không được học cấp hai. Dù rằng tỉ lệ học sinh bắt đầu đến trường ở các nước giàu và nước nghèo là tương đương nhau, nhưng một phần lớn học sinh ở các nước nghèo thưởng bỏ học nửa chừng. Tại các nước công nghiệp phát triển nhất, tỉ lệ học sinh học trung học cơ sở lên tới 96%, trong khi ở các nước nghèo, tỉ lệ này chỉ là 35%.

Trẻ em bỏ học nhiều nhất ở tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi, Bắc Phi và Trung Đông. Trẻ em gái ở những gia đình nghèo vùng nông thôn chịu thiệt thòi nhất. Cứ 20 nữ sinh ở tiểu vùng Sahara, chỉ có một em tốt nghiệp cấp hai. Trên toàn thế giới, tỉ lệ trẻ em gái không được đến trường cao gấp đôi tỉ lệ trẻ em trai.

Trên nguyên tắc, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra mục tiêu chung là mọi trẻ em đều được đi học cho đến năm 16 tuổi. Năm 2015, các nước thành viên Liên Hợp Quốc cam kết rằng cho đến năm 2030, “mọi trẻ em trai và gái sẽ đều được thụ hưởng nền giáo dục tiểu học và trung học cơ sở miễn phí, bình đẳng, chất lượng cao”. Năm 2016, một nhóm nhân vật có ảnh hưởng trên toàn cầu đã đưa ra đề xuất tăng mức đầu tư giáo dục hàng năm tại các nước phát triển từ 1,2 nghìn tỷ USD năm 2016 lên 3 nghìn tỷ USD năm 2030, nhằm đảm bảo rằng mọi đứa trẻ đều có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Sẽ ra sao nếu điều này trở thành thực tế?

Thông thường, các nhà giáo dục sẽ cho rằng, tăng đầu tư giáo dục sẽ giúp có thêm hàng triệu trẻ em được hấp thụ kiến thức trong nhà trường. Nhưng thực tế từ trường học tại các nước kém phát triển cho thấy điều ngược lại. Rất nhiều trẻ em không học được nhiều điều từ nhà trường. Như nhà kinh tế học Lant Pritchett thuộc Đại học Harvard từng nhận xét: “Nếu bạn muốn tìm ra một đứa trẻ không được học hành trong thế giới hôm nay, bạn có thể tìm ra chúng ngay trong các lớp học”.

Những bất cập trong các trường học hiện tại không nhỏ. Theo một khảo sát được tiến hành tại ba quốc gia Đông Phi là Kenya, Tanzania và Uganda, có đến 3/4 học sinh học lớp ba tiểu học không thể đọc một câu đơn giản như: “Chú chó có tên là Puppy”. Tại Ấn Độ, một tỉ lệ tương đương học sinh không thể làm phép tính 46 trừ 7, hoặc làm các phép tính khác với số có hai chữ số. Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu CGD cho thấy, tại một nửa số quốc gia đang phát triển mà tổ chức này thu thập được số liệu, có chưa đầy 50% phụ nữ đã được học cấp tiểu học không thể đọc được một câu đầy đủ. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO ước tính rằng có tới 6/10 trẻ em trên toàn thế giới (tương đương hơn 600 triệu em) không đạt yêu cầu tối thiểu trong các môn tập đọc và toán. Hầu hết số trẻ em này vẫn đang tới trường.

Nếu những trẻ em đã bỏ học tiếp tục tới trường, thì chúng cũng sẽ không tiếp thu được nhiều kiến thức như mong đợi. Để hiểu được thực trạng này, cần phải nhìn vào những gì đang diễn ra - và không diễn ra - tại trường học. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ giáo viên nghỉ dạy ở các nước đang phát triển lên tới từ 11 đến 30% (Cá biệt tại Uganda, tỉ lệ lên tới 60%). Các giáo viên nghỉ dạy cũng thường không đủ năng lực để làm công việc của mình. Một ví dụ là tại Nam Phi, có tới 80% giáo viên dạy toán cấp tiểu học có kiến thức chuyên môn thậm chí còn không bằng mức một học sinh lớp 6. Những thầy cô có năng lực lại thường chỉ tập trung vào những em học sinh khá giỏi, khiến những học sinh đã yếu kém lại càng bị bỏ lại phía sau. Một nghiên cứu công bố năm 2016 cho thấy kiến thức toán của học sinh lớp 6 tại các khu vực dân cư nghèo ở New Delhi, Ấn Độ trên thực tế còn chưa đạt mức của học sinh lớp 4. Đối với học sinh lớp 9, khoảng cách này lên tới 4,5 cấp lớp.

Nghèo đói là nguyên nhân khiến giáo dục không đạt hiệu quả cao. Học sinh đến trường với trong tình trạng đói và mệt mỏi không thể tập trung vào bài giảng. Giáo viên không có đủ sách giáo khoa và thiết bị giảng dạy cũng không thể mang tới những bài giảng chất lượng tốt. Nhưng những bất cập trong trường học phần lớn có nguyên do “chính trị” chứ không phải kinh tế. Giáo viên được tuyển dụng dựa trên quan hệ chứ không phải nhờ vào năng lực, còn các quan chức thì hứng thú với việc cắt băng khánh thành những ngôi trường mới hào nhoáng hơn là thực sự quan tâm tới những gì diễn ra bên trong lớp học.

Việc bơm thêm tiền vào các hệ thống giáo dục có thể cũng sẽ không cải thiện được nhiều chất lượng giáo dục hiện nay. Một báo cáo khảo sát và đánh giá công bố năm 2013 trên tạp chí Science đưa ra kết luận rằng, những chính sách “chung chung” sẽ có rất ít hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng giáo dục. Những chính sách này bao gồm tăng số lượng giáo viên, giảm sĩ số lớp học hoặc cải cách sách giáo khoa. Ngược lại, những thay đổi ít tốn kém nhưng khó tiến hành hơn như thay đổi phương thức sư phạm hoặc tuyển dụng giáo viên bằng hợp đồng ngắn hạn lại dẫn tới những những chuyển biến tích cực hơn trong kết quả học tập của học sinh.

Bức tranh giáo dục toàn cầu này cho thấy một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu mọi đứa trẻ đều đến trường, sẽ có thêm nhiều triệu học sinh phải mòn mỏi chịu đựng những lớp học nhạt nhẽo, nhàm chán. Nhưng dù các bài học có kém hiệu quả đến đâu, thì việc đến trường cũng vẫn mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, gia đình và xã hội. Các nhà nghiên cứu tại trung tâm CGD nhận định, có rất nhiều sở cứ để chứng minh điều này.

Việc đến trường mang lại những lợi ích kinh tế. Học cao vẫn thường được gắn với thu nhập tốt hơn trong tương lai, một phần vì những người được học hành sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm trong khu vực phi nông nghiệp và tại các thành phố lớn.

Việc tới trường, dù là một ngôi trường có chất lượng kém, cũng sẽ mang lại những lợi ích về sức khỏe và sinh sản. Trẻ em nữ được đi học thường không lập gia đình và sinh con sớm. Tại Nigeria, nơi chỉ có 8% phụ nữ học hết cấp tiểu học có thể đọc được một câu hoàn chỉnh, một nghiên cứu cho thấy phụ nữ được đi học lâu hơn sẽ sinh ít con hơn. Kết quả nghiên cứu tương tự cũng thu được tại Indonesia, Ethiopia, Uganda và Kenya cùng nhiều quốc gia khác. Con của những phụ nữ được đi học cũng có tỉ lệ suy dinh dưỡng và tử vong thấp hơn.

Có một vài nguyên nhân lý giải điều này. Một nguyên nhân đơn giản là các nữ sinh đi học sẽ ít có thời gian quan hệ tình dục hơn. Một nguyên nhân khác là đối với các nữ sinh, chi phí cơ hội của việc có thai ngoài ý muốn sẽ cao hơn so với những em không được đến trường. Tại nhiều quốc gia, có thai là một trong những lý do khiến nữ sinh có thể bị đuổi học, từ đó mất đi cơ hội có lợi thế trên thị trường lao động trong tương lai. Việc được tới trường cũng mang tới cho trẻ em gái cảm giác tự tôn cũng như nhận thức rõ hơn về việc mình chưa phải là người trưởng thành. Từ đó, các em sẽ không lập gia đình và có con sớm. Và dù các em không học được nhiều điều từ trường lớp, các em vẫn có thể học những điều có ích từ bạn bè.

Cha mẹ cho con em mình tới trường chỉ khi họ tin rằng giáo dục sẽ mang tới cơ hội đổi đời. Trẻ em sẽ không được đi học khi bố mẹ chúng cho rằng việc sớm tham gia thị trường lao động và sớm kiếm tiền sẽ có ích hơn, hoặc nếu họ lo lắng cho sự an toàn của con em mình khi ở trên lớp học. Bởi vậy, những nỗ lực cải thiện chất lượng trường học và chất lượng giảng dạy sẽ thu hút trẻ em tới trường nhiều hơn. Nhưng ngay cả khi giáo dục vẫn còn nhiều bất cập thì các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rõ ràng rằng: nếu tất cả trẻ em đều được đến trường, dù là những ngôi trường chất lượng kém đến đâu, thì cũng là điều có lợi cho chúng. Giáo dục dù yếu kém nhưng vẫn sẽ hơn thất học.

Thiết kế: Thúy Hà

Minh Châu

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/neu-moi-dua-tre-deu-toi-truong-126269.html