Nếu Mỹ không có ý định tấn công Thổ Nhĩ Kỳ sao phải sợ S-400?

Những lý do mà Mỹ biện hộ cho hành động cản bước Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400 đều cho thấy sự lập lờ và đầy mâu thuẫn.

S-400 tiếp tục là chủ đề khiến Mỹ phải căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ quyết cản Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S400

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, viên tướng về hưu của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ Beyazit Karatas đã nhận xét về các lời đe dọa của Washington trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Ankara khi quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Beyazit Karatas cho rằng, trong vài tháng tới sẽ có thêm áp lực của Mỹ đối với Ankara về bản hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-400 từ phía Nga.

"Washington sẽ lợi dụng tình hình nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại đang gây dựng nội các mới để tiếp tục gây áp lực lên Ankara và ngăn cản việc thực hiện thỏa thuận chuyển giao S-400", cựu quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan điểm.

Nhắc đến nỗi lo ngại của Lầu Năm Góc rằng S-400 có thể nhận được dữ liệu kỹ thuật về năng lực của F-35 và chuyển nó tới Moscow, tướng Bozkurt đã đưa ra những ví dụ minh họa để nói rằng “Mỹ đang cố tình trở nên ngốc nghếch”.

"Trung Quốc từ lâu đã nhận được tất cả các thông tin cần thiết về F-35 và phát triển mô hình riêng của mình dựa trên chiếc máy bay của Mỹ, đó chính là chiếc J-31. Vì vậy, những tuyên bố trên của Washington quá ngây thơ và ngớ ngẩn, điều cho thấy Mỹ không còn có thể tìm thấy một lý do nào chính đáng hơn để loại bỏ thỏa thuận chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ”, Bozkurt chỉ ra.

Nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, Ceyhun Bozkurt, nói với Sputnik rằng để hiểu nguyên nhân của mối lo ngại của Mỹ đối với hợp đồng S-400 của Ankara, công chúng cần xem xét các diễn biến bên lề khác.

Ông đặc biệt nhắc đến các vùng biển Aegean và Đông Địa Trung Hải, mà Bozkurt nói "có thể so sánh như một quả bom nổ chậm".

Theo nhà phân tích này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với "một mối đe dọa khủng bố đáng kể" phát sinh từ Syria và Iraq cũng như các mối đe dọa liên quan đến tình hình căng thẳng xoay quanh cuộc xung đột Azerbaijan -Armenia và áp lực đang diễn ra đối với Iran.

"Trong bối cảnh khó khăn này, Thổ Nhĩ Kỳ phải có hệ thống phòng không của riêng mình", Bozkurt nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng, "nếu nhìn vào các khu vực nói trên với mức độ căng thẳng đang gia tăng, chúng ta có thể thấy trong hầu hết các điểm nóng đó Mỹ đang giữ lập trường đối lập với Thổ Nhĩ Kỳ".

Chuyên gia Bozkurt nhắc lại động thái của quân đội Mỹ gần đây, trong đó nước này đã gửi một lô xe tải mới chứa đầy vũ khí hạng nặng, đạn dược và xe bọc thép cho các đơn vị người Kurd ở Syria.

Mỹ sẽ không có lý do nào để từ chối S-400 ngoài mục đích tấn công Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nếu các vũ khí đó không có kế hoạch tấn công hoặc hỗ trợ những ai đó đang có ý định tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, thì họ (Mỹ) chẳng việc gì phải sợ bản hợp đồng S-400. Nhưng nếu mục tiêu của Mỹ là tước đoạt cơ hội có được hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ để dễ bề tấn công hơn thì đây là một vấn đề hoàn toàn khác ”, Bozkurt kết luận.

Sẽ có đòn trừng phạt?

Trước đó hồi cuối tháng 6, Wess Mitchell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề châu Âu và Á Âu, cảnh báo rằng, Mỹ có thể sẽ áp lệnh trừng phạt cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Nhân vật này cũng nhấn mạnh về việc Mỹ có thể sẽ không bàn giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Cũng trong tháng 6, CNN báo cáo rằng các nghị sĩ Mỹ và Lầu Năm Góc sợ rằng nếu tích hợp vào mạng lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, S-400 có thể nhận dữ liệu kỹ thuật về năng lực của F-35 và chuyển nó tới Moscow.

"Điều đó không khác gì trao cho người Nga chìa khóa năng lực của F-35 và cho phép họ phát hiện và khai thác bất kỳ lỗ hổng nào", Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen nói với CNN.

Tuyên bố được đưa ra giữa những nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn việc giao máy bay chiến đấu F-35 cho Ankara. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng 30 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất và dự định đặt hàng thêm 70 chiếc trong khuôn khổ dự án hợp tác phát triển cùng 10 nước khác.

Trong khi đó, thỏa thuận hợp đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về việc mua S-400 đã được Nga xác nhận vào ngày 12/9/2017 khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng việc thanh toán trước hợp đồng đã được thực hiện.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/neu-my-khong-co-y-dinh-tan-cong-tho-nhi-ky-sao-phai-so-s-400-a377710.html