Nếu thấy đi làm sau Tết áp lực, hãy nghỉ thêm vài ngày

Dọn dẹp bàn làm việc, dành thêm thời gian nghỉ ngơi hoặc giảm kỳ vọng sẽ khiến việc quay lại văn phòng đỡ uể oải, mệt mỏi hơn sau khi Tết Nguyên đán qua đi.

Nhiều người chán nản khi phải quay lại làm việc sau thời gian dài nghỉ lễ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, như Tết Nguyên đán hay Giáng sinh, là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Họ cảm thấy lo sợ khi nghĩ đến việc tạm biệt mọi hoạt động thư giãn, vui chơi ngày Tết và phải quay lại với khối lượng công việc đồ sộ.

Tuy nhiên, năm mới là thời điểm thích hợp để đặt ra các mục tiêu tiếp theo và thực hiện chúng.

WorkLife đã trò chuyện cùng các nhà khai vấn nghề nghiệp (career coaching) và nhà tâm lý học để tìm ra 5 mẹo giúp các nhân viên nhanh chóng bắt nhịp và quay trở lại với công việc một cách thuận lợi hơn.

Dọn dẹp bàn làm việc, thay đổi, sắp xếp nội thất, dọn rác trong laptop, điện thoại là điều cần làm ngay khi quay lại với công việc. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Dọn dẹp không gian làm việc

Cho dù làm việc ở nhà hay tại văn phòng, đây là thời điểm hoàn hảo để dọn dẹp góc làm việc vào đầu xuân.

"Nếu muốn khởi động động năm mới thật sạch sẽ, tinh tươm, hãy chú ý làm sạch không gian làm việc của bạn, từ bàn ghế cho đến mọi thiết bị văn phòng", Nicholette Leanza, nhà tâm lý trị liệu, làm việc tại LifeStance Health, chia sẻ.

Leanza cho biết một số thay đổi mới như thay bóng đèn chiếu sáng tốt hơn, có thêm cây xanh hoặc chỉ đơn giản là sắp xếp lại những món đồ có sẵn đều đem đến hiệu quả.

Ví dụ, ánh sáng tốt có thể tăng năng suất, hỗ trợ nhịp sinh học và cải thiện tâm trạng của chúng ta.

Bên cạnh đó, Rikki Goldenberg, nhà khai vấn nghề nghiệp, đưa ra lời khuyên về việc dọn dọn cả không gian làm việc trên máy tính cá nhân để giảm căng thẳng khi khởi động thiết bị.

“Hãy dọn sạch màn hình máy tính của bạn, thậm chí cả điện thoại. Đừng để những thông báo ‘hết dung lượng' quấy rầy chúng ta", Goldenberg nói.

Ta nên đặt các câu hỏi tình huống cho bản thân để tìm được cách giải quyết. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Tái khởi động

Theo nhà khai vấn nghề nghiệp Goldenberg, không nhất thiết phải đặt mục tiêu lớn lao khi bước sang năm mới. Thay vào đó, hãy cải thiện từ những thay đổi nhỏ.

Còn theo nhà trị liệu tâm lý Leanza, khi đã sẵn sàng, hãy bấm nút "khởi động lại" bộ não bằng cách tự đặt câu hỏi cho bản thân và tìm cách giải quyết chúng.

"Hãy tự hỏi bản thân 'Điều gì làm mình phiền lòng?', 'Thói quen làm việc nào mình nên thay đổi?', 'Nếu sếp khiến mình khó chịu, mình nên tiếp cận họ thế nào?'", bà nói thêm. Chuyên gia cho biết những điều chỉnh nhỏ này có thể giúp mọi người tương tác với đồng nghiệp một cách tốt hơn.

Nếu cảm thấy cần thêm thời gian để nghỉ ngơi và sẵn sàng trước khi quay lại, hãy làm điều đó. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Nghỉ thêm vài ngày nếu cần thiết

Theo Kara Kays, một nhà tư vấn trị liệu về nghề nghiệp, làm việc tại Thriveworks, nếu bạn cần thêm một ngày để nghỉ ngơi trước khi quay trở lại chốn công sở, hãy làm điều đó.

“Hãy sắp xếp lại công việc trong một ngày nghỉ đó. Nhờ vậy, vào ngày đầu tiên trở lại văn phòng, bạn sẽ thấy sẵn sàng hơn", chuyên gia nói.

Cùng với đó, hãy khởi động lại đồng hồ sinh học để cơ thể làm quen với giờ giấc làm việc mới.

“Đừng quên nhắc nhở hệ thống thần kinh của bạn về những gì sắp xảy ra", bà nói thêm.

Theo chuyên gia, các công ty nên có thêm những “ngày lễ" hàng tháng, giúp nhân sự có điều gì đó để mong đợi và thúc đẩy họ làm việc tốt hơn.

Bạn có thể chia sẻ những thay đổi mới của mình với đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Tạo và duy trì thói quen mới

Nhà trị liệu tâm lý Leanza đưa ra lời khuyên về việc nên điều chỉnh thói quen sao cho có thể duy trì lâu dài và tạo ra những thay đổi nhất định. Nếu không, chúng ta sẽ nhanh chóng đi vào lối mòn.

“Bộ não của chúng ta yêu thích mọi thứ mới mẻ và khác biệt. Do đó, thay đổi lịch trình, tham gia vào các hoạt động khác có thể giúp tạo ra sự đổi mới và tích cực trong cuộc sống hàng ngày, như đi dạo vào giờ nghỉ trưa, tổ chức buổi trò chuyện với đồng nghiệp...", bà nói.

Theo chuyên gia, mẹo này có thể thành công hơn nếu áp dụng chung trong một nhóm bạn bè, đồng nghiệp. Từ đó, họ có thể dựa vào nhau để có động lực duy trì thói quen mới.

Bổ sung thêm, Kays cho biết rất hữu ích nếu chúng ta thông báo với đồng nghiệp về việc bắt đầu một thói quen mới.

“Hãy cho mọi người biết một khi bạn quyết định thay đổi hoặc tạo thói quen mới, dù đối phương là cấp trên, cấp dưới hay đồng nghiệp", chuyên gia nói thêm.

Đừng để bản thân quá áp lực chỉ vì một năm mới lại đến. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Giảm áp lực, kỳ vọng

Bước sang năm mới không có nghĩa là chúng ta cần thay đổi mọi thứ. Trên thực tế, nhà khai vấn nghề nghiệp Goldenberg tránh lối suy nghĩ đó càng nhiều càng tốt.

“Mọi người tập trung vào việc hình thành thói quen mới, nhưng chúng thường không hiệu quả. Tôi cho rằng có nhiều giải pháp khác để giáp áp lực trong tháng đầu năm", cô nói thêm.

Cụ thể, cô ấy khuyến khích các khách hàng của mình chọn một từ đại diện cho những dự định của họ trong năm mới. Ví dụ, cho năm 2023, Goldenberg chọn từ "sự tò mò".

Ngoài ra, cô ấy cũng sử dụng một bài tập được gọi là "hoa hồng, nụ, gai". Trong đó, người tham gia sẽ tập trung liệt kê một điều đang tiến triển tích cực (hoa hồng), một điều họ muốn phát triển thêm (nụ), và một điều họ muốn loại bỏ (gai).

Từ việc liệt kê đó, chúng ta có thể có những thay đổi nhỏ giúp cải thiện công việc và cuộc sống.

Chuyên gia nhấn mạnh rằng tất ca có thể thực hiện bài tập này vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm, không nhất thiết chỉ sau Tết Nguyên đán.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/neu-thay-di-lam-sau-tet-ap-luc-hay-nghi-them-vai-ngay-post1460253.html