New Delhi - Thành phố của những bất ngờ

Phải tự mình đặt chân đến New Delhi, mới thấy được vẻ đẹp, chiều sâu văn hóa của đất nước đang vươn lên thành một siêu cường.

Nhắc đến Ấn Độ, nhiều khi giới truyền thông thường thêu dệt và “bình luận từ xa” bằng những từ ngữ hoặc những hình ảnh “thiếu thiện cảm” như: “không an toàn”, “quá ngột ngạt”… Thế nhưng,  khi thực sự được ngắm nghìn những đền đài cổ kính nghìn năm tuổi của đất nước này, bạn sẽ được đi qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Bất ngờ vì… sự an toàn

Trước khi lên đường tới Ấn Độ, nhiều người đã nói với tôi rằng Ấn Độ rất nguy hiểm. Bạn có thể bị cướp giật ngay trên phố, những cuộc bạo loạn và xô xát với người bản xứ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với phụ nữ thì còn đáng lo ngại hơn.

Tháp Qutb Minar - một di tích lịch sử ở New Delhi. (Nguồn: DQ)

Thế nhưng, những gì tôi đã chứng kiến ở Ấn Độ lại không hẳn như vậy. Nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và phá hoại, nhất là các địa điểm du lịch nổi tiếng, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường kiểm soát an ninh ở tất cả các địa điểm hút khách du lịch. Cảnh sát thiết lập các trạm kiểm soát và các máy soi chiếu an ninh khắp mọi nơi. Ô tô đưa đón khách ra vào khách sạn luôn phải kiểm tra cốp, ca-pô và gầm xe mới được phép đi đến cửa chính. Vào cửa khách sạn, hay danh lam thắng cảnh,... thậm chí vào siêu thị mua đồ, bạn cũng phải đi qua cửa an ninh, máy quét.

Ấn Độ cũng phải chịu nhiều điều tiếng không tốt bởi những bài báo loan tải về các vụ hiếp dâm. Điều đó khiến lượng nữ du khách nước ngoài đến đất nước này có thể giảm đi phần nào. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn. Trên rất nhiều xe buýt, taxi và tàu điện ngầm tại New Delhi đều dán khẩu hiệu "Hãy tôn trọng phụ nữ".

Khu rừng giữa thành phố

Là thủ đô của một đất nước đang phát triển, tình trạng ô nhiễm ở New Delhi vẫn là bài toán nan giải cho chính quyền sở tại. New Delhi từng “lọt vào” danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới và trong nhiều năm từng “tranh chấp” vị trí số một với Bắc Kinh (Trung Quốc). Thế nhưng, ở New Delhi, chim chóc luôn véo von cùng từng bầy sóc và khỉ chạy đầy đường. Chiếc xe buýt tôi đang đi nhiều lúc phải dừng đột ngột bởi một con khỉ bất chợt chạy qua đường. Ở New Delhi, cửa sổ khách sạn dường như luôn đóng kín bởi nỗi lo chim chóc và những chú khỉ chui vào phòng.

Tác giả trong chuyến đi Ấn Độ

Đô thị hóa cũng diễn ra ở New Delhi nhưng không bị quá mức như một số thủ đô ở các nước đang phát triển khác. Dù New Delhi không còn là cánh rừng bạt ngàn cây cối, nhưng thành phố này vẫn luôn phủ đầy cây xanh. Cây xanh được mọc thoải mái, rất hiếm khi bị chặt bỏ để xây dựng cơ sở hạ tầng. Thậm chí, ở đất nước Nam Á này,  người ta làm cả làn phân cách giữa đường chỉ để nhường chỗ cho cây xanh. Khu trường đại học mang tên Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru được xây dựng giữa rừng cây. Quảng trường India Gate - “Khải Hoàn Môn” của Ấn Độ rộng hàng chục ha với những thảm cỏ trải dài xanh ngắt. Người dân có thể thoải mái dạo mát, nghỉ ngơi, chơi cricket, đá bóng trên những thảm cỏ này. Tưởng như những điều đó chỉ xuất hiện tại các thành phố phát triển ở các nước Tây Âu, nhưng thật ngạc nhiên, nó hiển hiện giữa lòng Ấn Độ!

Chính phủ Ấn Độ rất đề cao việc giữ xanh các thành phố của họ. Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi được mệnh danh là Mr. Clean (Quý Ngài sạch). Ông đang cố gắng đưa ra những chính sách hợp lý giúp bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm tại Ấn Độ. Những băng-rôn, khẩu hiệu cổ động, thậm chí biển báo giữa dải phân cách đều có dòng chữ “Keep India clean” (Hãy giữ cho Ấn Độ xanh sạch).

Một Ấn Độ rất “lạ”

Ấn Độ là một đất nước đa ngôn ngữ và đa dân tộc. Người dân ở đây có một câu nói vui: “Cứ đi 25 km là bạn sẽ sang một đất nước hoàn toàn khác”. Thật vậy, ở Ấn Độ có khoảng hơn 700 ngôn ngữ với gốc gác khác nhau được người dân nước này sử dụng hàng ngày. Điều đó có nghĩa rằng một người sinh ra ở New Delhi, nói tiếng Hindi không thể giao tiếp được với một người dân sinh sống tại Bengaluru (Bangalore), nói tiếng Kannada. Ấn Độ không có một ngôn ngữ quốc gia, nhưng tiếng Hindi và tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được ghi trong Hiến pháp. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ công nhận 22 thứ tiếng được sử dụng rộng rãi, coi là ngôn ngữ chính của đất nước này, và 22 thứ tiếng này đều có giá trị  ngang nhau trong các văn bản của Chính phủ, được in trên từng tờ Rupee cùng với hình của “vị cha già dân tộc” Mahatma Gandhi.

Delhi cũng là nơi tập hợp của rất nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau. Bạn có thể nhìn thấy những anh chàng đạo Sikh đầu đội turban, dắt theo con dao ở eo lưng, đến những phụ nữ đạo Hồi với trang phục chỉ hở mỗi đôi mắt đi cạnh những cô gái Hindu mặc Burka quyến rũ.

Người dân Ấn Độ hiền hòa và dễ mến. Bạn có thể thỏa sức mặc cả với các anh bán hàng (ở Ấn Độ, đa phần là nam giới bán hàng) mà không hề lo sợ bị họ phàn nàn, kể cả khi người ta chưa mở hàng. Bạn sẽ ít có cơ hội trông thấy các anh tài xế auto-riskshaw (một dạng xe tuk tuk) tranh giành khách của nhau. Bạn cũng thoải mái dùng iPhone, iPad tung tăng trên phố mà không phải lo sợ chẳng may bị giật.

Thế nhưng, ỏ New Delhi, bên cạnh những ngôi nhà sang trọng của nhà giàu, vẫn có nhiều người vô gia cư hoặc phải sống trong những khu ổ chuột. Tôi còn chứng kiến cảnh dưới chân những cây cầu vượt giữa thành phố, người dân dựng mái tôn và hàng rào thép xung quanh để làm thành chỗ trú ngụ. Có những người dựng lều giữa vỉa hè vừa để buôn bán những mặt hàng thủ công vừa để ở. Cảnh sát tại đây biết rất rõ vấn đề đang tồn đọng này gây mất trật tự, mất mỹ quan đô thị, nhưng nếu đuổi họ đi thì những người này sẽ không biết đi đâu khi trong tay họ không có gì. Tuy vậy, người dân dù có nghèo đến mấy nhưng cuộc sống tinh thần của họ rất đa dạng. Lũ trẻ con không nhà cửa, quần áo dù có bẩn, dù có phải ngủ lăn trên vỉa hè, chúng vẫn tươi cười, ngây thơ, vui chơi thỏa thích. Những người vô gia cư đó không hề đổ lỗi cho số phận, họ vẫn luôn mỉm cười và lạc quan.

Khó có thể nói hết được những ấn tượng và bất ngờ của mình khi bạn chỉ có gần một tháng ở Ấn Độ. Cũng như anh cán bộ điều phối chương trình nói rằng: chính người dân Ấn Độ cũng không thể nào hiểu hết được đất nước mà họ sinh ra.

Báo Thế giới và Việt Nam

Duy Quang

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/new-delhi-thanh-pho-cua-nhung-bat-ngo-59143.html