New Zealand phong tỏa TP Auckland để kiểm soát COVID-19

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo lệnh phong tỏa thành phố Auckland trong 7 ngày để ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh: AAP.

* Úc tiếp nhận 300.000 liều AstraZeneca

Sau chỉ 3 ngày được tận hưởng bầu không khí tự do, Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand, đã phải quay trở lại tình trạng phong tỏa trong một tuần để đối phó với nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Bắt đầu từ 6 giờ sáng 28/2 (theo giờ địa phương), TP Auckland được đặt trong tình trạng phong tỏa trong ít nhất 7 ngày để phục vụ công tác truy vết và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đây là thành phố lớn nhất của New Zealand với 1,7 triệu dân và là địa phương xuất hiện một số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng của nước này trong 2 tuần gần đây.

Chính phủ New Zealand quyết định áp dụng mức báo động dịch bệnh cấp 3, có nghĩa sẽ phong tỏa TP Auckland. Người dân chỉ được ra khỏi nhà vì các nhu cầu thiết yếu. Trường học và cửa hàng không thiết yếu sẽ đóng cửa cùng với việc ra vào thành phố sẽ bị hạn chế. Các địa phương khác trên cả nước cũng được nâng cấp lên mức báo động cấp 2 và giới hạn quy mô các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết quyết định phong tỏa thành phố Auckland là đáng tiếc song là cần thiết và kêu gọi người dân cũng chung tay nỗ lực chiến đấu chống lại COVID-19: “Chiến đấu chống lại Covid-19 cần nỗ lực của tập thể. Bất chấp nỗ lực của chúng ta, các ca bệnh trong thời gian gần đây vẫn đi làm khi mà họ không nên làm vậy. Tất cả mọi người cần làm điều cần thiết để những người mang virus phải ở nhà. Làm vậy sẽ giúp cho tình trạng cảnh báo dịch bệnh nhanh chóng quay trở về mức thấp hơn và đảm bảo sự an toàn cho mọi người”.

New Zealand quyết định phong tỏa TP Auckland 7 ngày bắt đầu từ sáng sớm nay sau khi cơ quan y tế phát hiện một ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây trong cộng đồng. Cơ quan y tế New Zealand cho biết, ca nhiễm mới có khả năng bị lây nhiễm từ Chủ nhật tuần trước (21/2), bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau 2 ngày và trong thời gian này bệnh nhân đã đến một số địa điểm công cộng.

Cơ quan y tế cho biết hiện chưa thể xác nhận nguồn lây bệnh và đang tiến hành phân tích trình tự bộ gen của ca nhiễm mới để xem có liên quan với chùm 12 ca nhiễm cộng đồng gần đây hay không.

Vào giữa tháng này, New Zealand ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc từ Anh trong một gia đình 3 thành viên sống tại TPAuckland. Ngay sau đó một số trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh đã bị lây nhiễm.

Tuy chỉ là cụm lây nhiễm nhỏ và có ít khả năng sẽ bùng phát thành một ổ dịch mới, nhưng để ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn, từ thứ năm vừa qua (25/2) các bang nằm ở phía đông của Úc bao gồm New South Wales, Victoria và Queensland đã quyết định tạm dừng chương trình đi lại miễn kiểm dịch đối với người dân đến từ Auckland. Du khách từ Auckland đến 3 bang này của Úc sẽ phải xét nghiệm COVID-19 và cách ly kiểm dịch trong 14 ngày theo quy định hiện hành.

Trong khi đó, cùng ngày, Úc đã tiếp nhận lô vắc xin ngăn ngừa COVID-19 đầu tiên gồm 300.000 liều của hãng được phẩm AstraZeneca để chuẩn bị cho việc tăng cường chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.

Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt cho biết lô vắc xin sẽ được chuyển thẳng đến Cơ quan quản lý sản phẩm điều trị (TGA) kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sử dụng từ ngày 8/3 tới: “Tôi vui mừng thông báo rằng lô hàng vắc xin AstraZeneca đầu tiên gồm 300.000 liều đã đến Úc vào sáng nay. Lô vắc xin sẽ được vận chuyển an toàn đến kho.

Sau lô hàng, chúng tôi đã tăng hơn gấp đôi tổng số lượng vắc xin tại Úc. Đây là lô hàng đầu tiên trong số gần 54 triệu liều vắc xin AstraZeneca được sử dụng tại Úc, trong đó 50 triệu liều được cấp phép sản xuất trong nước sẽ ban hành vào cuối tháng 3. Dự kiến, Úc sẽ tự sản xuất vắc xin AstraZeneca với năng suất 1 triệu liều mỗi tuần”.

Bắt đầu từ ngày 22/2, quốc gia lớn nhất châu Đại Dương với 25 triệu dân đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với vắc xin của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer đối với một số đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên làm việc tại các cơ sở cách ly, người già và người khuyết tật.

Tính đến nay, gần 30.000 người dân Úc đã được tiêm chủng, trong đó có hơn 8000 người cao tuổi và người khuyết tật tại hơn 100 cơ sở chăm sóc y tế. Úc dự kiến hoàn thành kế hoạch chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 10 tới.

L.H (tổng hợp từ VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252804/new-zealand-phong-toa-tp-auckland-de-kiem-soat-covid-19.html