New Zealand - 'thiên đường' của giới nhà giàu muốn tránh COVID-19

Khi bị đẩy vào tình thế đóng cửa lần tới, giới nhà giàu thế giới sẽ muốn được chạy thoát tới một vùng biển xa xôi, đầy nắng. Hoặc cũng có thể là tới New Zealand, một trong số ít các nước đã loại trừ được COVID-19.

Đảo Waiheke gần thủ đô Auckland, New Zeland đang nổi lên là điểm đến ưa thích của giới nhà giàu Mỹ, châu Âu. Ảnh: Getty Images

Đảo Waiheke gần thủ đô Auckland, New Zeland đang nổi lên là điểm đến ưa thích của giới nhà giàu Mỹ, châu Âu. Ảnh: Getty Images

Khi bị đẩy vào tình thế đóng cửa lần tới, giới nhà giàu thế giới sẽ muốn được chạy thoát tới một vùng biển xa xôi, đầy nắng. Hoặc cũng có thể là tới New Zealand, một trong số ít các nước đã loại trừ được COVID-19.

Theo tờ Bloomberg, đương nhiên, số người này sẵn sàng chi trả tiền để có được những ưu đãi. Họ có thể tìm đến các chương trình bảo đảm có quy chế công dân hoặc cư trú thông qua hình thức đầu tư nước sở tại, thông qua các công ty đặc biệt như Henley & Partners – hãng tư vấn về hộ tịch và cư trú lớn nhất thế giới.

Với mối đe dọa thường trực về lây nhiễm COVID-19 và đóng cửa bất chợt, Henley & Partners đang giúp nhiều người dư giả tiền bạc đến được với một thiên đường an toàn. Với khoản đầu tư từ 2 đến 3,3 triệu USD tùy thuộc loại thị thực đầu tư, khách hàng có thể có quyền sống, làm việc hoặc học tập, nghiên cứu ở New Zealand.

“Nhiều người giờ nhận ra rằng: Hãy chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng. Đó là lý do tại sao công ty chúng tôi có lượng khách hàng tăng vọt, không chỉ là những người đã ở diện thẩm tra, mà còn cả những gia đình đăng ký mới thực sự có ý định bắt đầu một tiến trình mới”, ông Dominic Volek – Giám đốc bộ phận bán hàng tại Henley & Partners nói về lượng khách hàng tiềm năng của công ty.

New Zeland là một trong những nước sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tư vấn này, số người đăng ký mới đã tăng 49% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng số lượng người nộp đơn để có quốc tịch mới hay quyền cư trú cũng tăng 22%.

Giới nhà giàu không mấy hứng thú với các đảo quốc ở vùng Caribbean – nơi họ có thể tự cô lập trên những bãi biển. Số này đang nhìn sang Australia và New Zealand, những nước gây ấn tượng tốt về kiểm soát COVID-19.

Nadine Goldfoot, một luật sư điều hành tại công ty luật Fragomen, cho biết đại dịch đã đẩy giới nhà giàu đi đến bước hành động. “Điều đang và sẽ trở nên rất quan trọng trong quá trình lựa chọn của nhiều người sẽ là việc quốc gia chịu tác động ra sao trước đại dịch và chính quyền ứng phó với biến cố này ra sao”, ông Goldfoot nói.

Bên cạnh đó, nhiều người còn xem giải pháp này là công cụ quản lý tài sản và là một cách thức tự do đi lại không cần thị thực - theo đánh giá của công ty Henley & Partners. Số người quan tâm đến chương trình đầu tư định cư ở Bồ Đào Nhà tăng nhanh trong những tháng gần đây, thu hút được nhiều khách hàng có ý định đầu tư vào thị trường bất động sản ổn định của nước này, tận dụng được yếu tố số người nhiễm COVID-19 thấp.

Đương nhiên, ngay cả những người giàu có nhất thế giới cũng không thể thoát được cảnh cách ly tức thời và lệnh cấm đi lại. Để có được hộ chiếu thứ hai hay quyền cư trú sẽ phải mất thời gian – có thể là ba tháng với các chương trình đầu tư ở Caribbean, hoặc thậm chí lâu hơn nếu ở một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Thế nhưng ngay cả khi công việc kinh doanh liên quan đến việc di chuyển, đi lại bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Henley & Partners vẫn đang phát tài. Công ty này mới đây đã mở mới văn phòng ở Nigeria và sẽ sớm lập thêm văn phòng đại diện ở Ấn Độ. Đây là quốc gia đang chịu tác động mạnh từ đại dịch, cộng với những căng thẳng về biên giới với nước láng giềng Trung Quốc, khiến số người giàu tại đây có kế hoạch phòng bị, đi cư trú ở nước ngoài.

Goldfoot nhận định khi virus và đóng cửa là mối nguy mà mọi người đang phải chịu trận ở thời điểm hiện nay, nhiều người sẽ muốn được sống ở một nơi nào đó có kinh nghiệm quản lý, kiểm soát bệnh dịch.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/new-zealand-thien-duong-cua-gioi-nha-giau-muon-tranh-covid19-20200721163253258.htm