Ngã ba Ðồng Lộc trên hành trình du lịch về nguồn

Với những người lần đầu đến Ngã ba Ðồng Lộc sẽ khó có thể hình dung được về một vùng trọng điểm khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, khu vực này đã phủ mầu xanh bất tận của rừng thông và là điểm đến du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống của tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả nước. Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QÐND Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12), rất đông cựu chiến binh và các bạn trẻ đã viếng thăm nơi đây, để nhớ về một thời quá khứ hào hùng, về sự hy sinh, trở thành huyền thoại bất tử của 10 cô gái Ngã ba Ðồng Lộc.

Du khách thắp hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: MỘC LAN

Du khách thắp hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: MỘC LAN

Với những người lần đầu đến Ngã ba Ðồng Lộc sẽ khó có thể hình dung được về một vùng trọng điểm khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, khu vực này đã phủ mầu xanh bất tận của rừng thông và là điểm đến du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống của tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả nước. Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QÐND Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12), rất đông cựu chiến binh và các bạn trẻ đã viếng thăm nơi đây, để nhớ về một thời quá khứ hào hùng, về sự hy sinh, trở thành huyền thoại bất tử của 10 cô gái Ngã ba Ðồng Lộc.

Xanh mãi màu huyền thoại

Ðến Ðồng Lộc, dù vào bất cứ thời điểm nào, điều đầu tiên khách du lịch có thể cảm nhận được có lẽ là mầu xanh tưởng chừng như bất tận của những hàng thông mươn mướt phủ khắp khu di tích, của ngút ngàn cây sim, cây mua cùng các loại cây quý đặc trưng từng vùng miền được đồng bào cả nước mang về trồng lưu niệm. Nằm xen kẽ những mảng xanh, vẫn còn đâu đó các hố bom, chiến hào, gợi nhớ một thời chiến trường khốc liệt, để nhắc nhở thế hệ mai sau nhớ về một quá khứ oanh liệt. Bên cạnh mầu xanh cây cối là mầu xanh quân phục của các cựu chiến binh và mầu áo xanh, những chiếc mũ tai bèo của thanh niên tình nguyện và các hướng dẫn viên. Họ vừa hướng dẫn, sắp xếp các đoàn, vừa kể về câu chuyện và sự hy sinh của 10 liệt nữ. Theo Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc Trần Ðình Ước, hằng ngày, cán bộ, công nhân viên trong cơ quan phải đi làm sớm hơn giờ hành chính 30 phút để lao động, tổng vệ sinh, chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm cho công tác đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan. Làm việc liên tục tất cả các ngày trong tuần, cả ngày Tết, ngày lễ, nhưng ai cũng vui vẻ, nhiệt huyết.

Ngắm Ðồng Lộc hôm nay, ít ai biết rằng, trước đây, vùng đất này từng nằm trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, nằm giữa là con đường độc đạo mà đế quốc Mỹ ra sức đánh phá nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền nam. Tại khu vực Ngã ba Ðồng Lộc có nhiều lực lượng như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân, du kích. Thời điểm đông nhất, lên tới hơn 16 nghìn người làm nhiệm vụ tại đây. Họ là những người trực tiếp chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, bảo đảm an toàn cho người và hàng hóa đi qua. Trưởng phòng Nghiệp vụ (Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc) Phan Công Lệ cho biết: "Hòa bình lập lại, khu di tích mới được xây dựng. Ban đầu, mọi thứ còn rất sơ khai. Cơ sở vật chất lẫn con người đều thiếu thốn. Anh em chỉ biết bảo ban nhau cùng khắc phục, vượt qua khó khăn. Sau này được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, mới dần dần có được một quần thể khu di tích khang trang như ngày nay. Ðặc biệt, sau chiến tranh, mảnh đất Ðồng Lộc không hề còn bóng dáng của một bóng cây, ngọn cỏ do bom đạn hủy diệt. Vì thế, những hàng thông xanh biếc đã được người dân nơi đây trồng lên, thay thế cho đồi núi trọc, hàn gắn những vết thương do bom đạn gây ra. Sau khi thành lập, ngoài việc giữ gìn, bảo tồn rừng thông, Ban quản lý còn trồng thêm nhiều loài cây mới. Bây giờ, du khách đến với Ðồng Lộc sẽ cảm nhận rõ sự an bình, linh thiêng với một môi trường sinh thái trong lành".

Trên mảnh đất bom đạn ngày ấy, từ lâu, cuộc sống mới đã bắt đầu. Băng qua khói lửa, người dân Ðồng Lộc chung tay xây dựng quê hương. Khu di tích tưởng niệm 10 cô gái Ðồng Lộc đã được xây dựng. Ở đó có khu mộ của 10 liệt nữ Anh hùng, có Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc, Phòng Trưng bày truyền thống, Tượng đài chiến thắng để mọi người khi viếng thăm có thể hiểu được phần nào về họ, những con người góp phần viết nên huyền thoại Ðồng Lộc. Năm 1989, khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia và được đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc. Ngày 9-12-2013, Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hơn 50 năm trôi qua, giờ đây du khách về với Ngã ba Ðồng Lộc sẽ thấy được một quần thể di tích với nhiều hạng mục công trình được trùng tu, tôn tạo. Nổi bật nhất là Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc và anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Ðồng Lộc, ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ. Nhà bia tưởng niệm chính là trang sử hào hùng và bi tráng của một thời đánh Mỹ, là hiện thân của lực lượng "vai trăm cân, chân vạn dặm", không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Các cán bộ Ban quản lý khu di tích cho biết, điểm hành hương về nguồn linh thiêng này gần như đón khách quanh năm, nhất là vào các dịp lễ kỷ niệm. Có những người là khách du lịch đi theo các đoàn cựu chiến binh hoặc thanh niên, học sinh, sinh viên ở các trường trong cả nước về thăm chiến trường xưa; có khách lại theo các tua du lịch đến Hà Tĩnh. Cũng đã trở thành một tập quán đẹp khi nhiều người mỗi lần qua đây trên hành trình ngược xuôi bắc nam đều vào viếng thăm và thắp hương 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng. Những nén hương được thắp lên là sự biết ơn của những người đang sống trong hòa bình gửi đến những người đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của đất nước. Vào những ngày kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân và dịp lễ, Tết, Ngã ba Ðồng Lộc lại đón rất nhiều khách. Các cán bộ, hướng dẫn viên khu di tích cho biết, thậm chí vào thời khắc Giao thừa chuẩn bị đón năm mới, nhiều đoàn xe ra bắc vào nam vẫn không quên ghé qua nơi đây, dâng những nén hương đến các Anh hùng liệt sĩ để cầu mong những điều tốt đẹp. Tính bình quân mỗi năm, Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc đón hơn 300 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế, trong đó những ngày cao điểm vào dịp lễ kỷ niệm, lượng khách viếng thăm đạt khoảng hơn 30 nghìn khách/ngày. Ðiều đó cho thấy phần nào sự quan tâm đến khu di tích, một "địa chỉ đỏ" đã đi vào tâm thức của mọi người.

Ðiểm đến trong hành trình du lịch "về nguồn"

Trong tiết trời giá lạnh, heo hút gió mùa cuối năm, chúng tôi vẫn thấy từng đoàn xe, từng dòng người xếp hàng trật tự, chờ hướng dẫn viên để lần lượt lên thắp hương 10 liệt nữ Ngã ba Ðồng Lộc. Trong đó, có nhiều người ở tuổi trung niên, bận trang phục của thanh niên xung phong thời chống Mỹ, cứu nước. Họ là những cựu thanh niên xung phong, từng tham gia trên các chiến trường xưa. Hôm nay, họ đến với Ngã ba Ðồng Lộc để ôn lại và tưởng nhớ về những năm tháng gian khó, nhưng rất đỗi hào hùng và thắp nén nhang tưởng niệm những đồng đội, những chiến sĩ đã ngã xuống. Một nữ cựu thanh niên xung phong từ Hà Nội vào chia sẻ: "Mỗi khi đi qua Hà Tĩnh, chúng tôi đều ghé vào Ngã ba Ðồng Lộc để thắp nén hương. Và mỗi lần như thế, lòng tôi đều như chùng lại. Dù không chiến đấu ở nơi đây cùng những người đã ngã xuống trên mảnh đất Ðồng Lộc, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó của tình đồng đội".

Không chỉ những cựu chiến binh, Ngã ba Ðồng Lộc còn là điểm đến của không ít bạn trẻ. Nhiều trường học, cơ quan, ban, ngành ở trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đã chọn nơi đây là điểm dừng chân trong các chuyến du lịch để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong những chuyến du lịch về nguồn đó, các bạn trẻ đều được nghe câu chuyện cảm động về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, về 10 cô gái của Tiểu đội 4 Thanh niên xung phong đã để lại tuổi xuân, để lại gia đình, gác lại tình yêu đôi lứa, cống hiến và hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Câu chuyện thực ấy với họ đã trở thành huyền thoại, nối tiếp những huyền thoại về các Anh hùng trong hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ðã có nhiều khách du lịch trở lại đây hằng năm, vì thế, điều mà các hướng dẫn viên của khu di tích luôn quan tâm là đổi mới hình thức thuyết minh, sưu tầm thêm các tài liệu về chiến trường xưa và về các Anh hùng liệt sĩ để phục vụ khách. Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban quản lý khu di tích Phan Công Lệ cho biết: "Tôi còn nhớ, cách đây vài năm, có một đoàn các chú, các bác là lão thành cách mạng từ miền nam ra thăm di tích, thắp hương 10 cô gái ở Ngã ba Ðồng Lộc. Mọi người ngồi kín hội trường, ai cũng hồ hởi chờ đợi để lắng nghe lời giới thiệu của thuyết minh viên. Vì họ là những người đã trải qua cuộc chiến, hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh, cho nên áp lực đặt ra cho thuyết minh viên là phải làm sao để diễn đạt câu chuyện chân thật nhất, sống động nhất. Hôm đó, sau phần thuyết minh của mình, tôi đã khóc. Gạt nước mắt nhìn xuống, các chú, các bác cũng không cầm nổi nước mắt. Ðó không phải là lần đầu tiên tôi khóc vì xúc động khi kể lại câu chuyện về 10 cô gái Ngã ba Ðồng Lộc Anh hùng, nhưng đó là lần thuyết minh tôi nhớ mãi".

Theo Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc Trần Ðình Ước, ngay từ những ngày đầu thành lập khu di tích, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã xác định đây sẽ là một điểm đến trên hành trình "về nguồn" của người dân cả nước. Bên cạnh việc đầu tư chỉnh trang các công trình, công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên cũng được quan tâm và ngày càng bài bản hơn để không ngừng nâng cao hiệu quả chuyển tải những thông điệp, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Ngã ba Ðồng Lộc đã trở thành một trong những điểm du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và xác định Ngã ba Ðồng Lộc là một trọng điểm du lịch trong vùng du lịch trung tâm của tỉnh. Ðây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với Ban quản lý trong việc đưa nơi đây trở thành điểm du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống và mang ý nghĩa tâm linh.

Chúng tôi chia tay Ðồng Lộc khi nắng chiều đổ dài trên những rừng thông. Mầu xanh tươi mới và đầy sức sống của vùng đất Anh hùng trải dài ngút ngàn. Gió chiều vi vu như bản nhạc êm đềm len lỏi qua các tán lá, như vẫn mãi thì thầm câu chuyện về những người con gái đã hy sinh vì Tổ quốc, quyết giữ thông đường cho những chuyến xe qua, hướng về miền nam ruột thịt để đi tới ngày toàn thắng.

HOÀNG ĐỨC NHÃ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38654102-nga-ba-%C3%B0ong-loc-tren-hanh-trinh-du-lich-ve-nguon.html