Nga bác cáo buộc 'phá hoại bằng chứng' về vũ khí hóa học của Mỹ

Đại sứ Mỹ tại OPCW cho rằng, lực lượng Nga có thể đã tiếp cận hiện trường vụ tấn công tại Douma và phá hoại các bằng chứng về vũ khí hóa học.

Ngày 16/4, Mỹ cáo buộc Nga và Syria có thể đã phá hoại các bằng chứng tại Douma, cũng như cản trở các nhà điều tra quốc tế tiếp cận khu vực xảy ra vụ tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học hôm 7/4.

Nga và Syria ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này, đồng thời chỉ trích ngược lại vụ không kích của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria đã cản trở cuộc điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại Douma.

Một cậu bé bước trên đường phố đổ nát tại Douma hôm 16/4/2018. Ảnh: Reuters

Vụ tấn công sáng sớm ngày 14/4 của liên quân Mỹ, Anh, Pháp cũng là ngày đầu tiên các thanh sát viên OPCW bắt đầu sứ mệnh đặc biệt điều tra cáo buộc tấn công hóa học tại Syria.

Mỹ tố Nga, Syria đã xóa dấu vết vũ khí hóa học

Phát biểu trong cuộc họp ngày 16/4 của OPCW tại Hague (Hà Lan), Đại sứ Mỹ tại OPCW Kenneth Ward cho rằng, lực lượng Nga có thể đã tiếp cận hiện trường vụ tấn công tại Douma. Vụ tấn công vốn đánh dấu việc quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Douma-căn cứ cuối cùng của lực lượng phiến quân ở gần thủ đô Damascus.

“Chúng tôi lo ngại rằng, lực lượng Nga và Syria có thể đã làm xáo trộn hiện trường vụ tấn công, phá hoại các bằng chứng, nhằm cản trở phái bộ OPCW tiến hành một cuộc điều tra hiệu quả”, Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ Đại sứ Mỹ tại OPCW Kenneth Ward cho biết.

Theo Đại sứ Anh Peter Wilson tại OPCW, Liên Hợp Quốc biết rõ rằng các nhà điều tra đã lên đường tới Syria, nhưng họ không thể tiếp cận Douma vì Syria và Nga không thể đảm bảo an toàn cho phái bộ điều tra.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc này: “Tôi có thể đảm bảo rằng, Nga không can thiệp vào hiện trường tại Douma”.

Moscow chỉ trích ngược lại vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp, trong đó, Lầu Năm Góc cho biết, các tên lửa của lực lượng liên minh đã nhằm tới 3 cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại Syria, đã cản trở cuộc điều tra của OPCW.

Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra khách quan. Cuộc điều tra đã được triển khai ngay sau khi có thông tin về vụ tấn công tại Douma. Do đó, những cáo buộc trên nhằm vào Nga là vô căn cứ”.

Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, các chuyên gia của OPCW ngày 18/4 sẽ tiếp tục tới Douma. Theo nguồn tin, các nhà điều tra đã có cuộc gặp khoảng 3 tiếng đồng hồ với Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad hôm 15/4. Giới chức Nga và một quan chức an ninh cấp cao Syria cũng có mặt tại buổi làm việc này.

Một ngày sau vụ tấn công Syria của Mỹ và các đồng minh, các nhà điều tra thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) của Liên Hợp Quốc bắt đầu tiếp cận và kiểm tra hiện trường vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma. Thông báo của Thứ trưởng Ngoại giao Syria Ayman Soussan cho biết: “Phái đoàn điều tra của OPCW đã tới Damascus ngày 14/4 và đến Douma một ngày sau đó”.

Nga và Syria đã mời các nhà điều tra của OPCW tới Douma điều tra cáo buộc tấn công vũ khí hóa học mà phương Tây đưa ra. Nga và Syria hy vọng OPCW sẽ làm sáng tỏ chân tướng vụ tấn công, theo đó, ngăn chặn hành động đáp trả của phương Tây. Song khi chưa có bằng chứng xác thực nào được công bố, Syria đã hứng chịu hơn 100 quả tên lửa thông minh của lực lượng Mỹ và đồng minh Anh, Pháp.

Phái bộ điều tra của OPCW có nhiệm vụ thu thập các mẫu vật, phỏng vấn các nhân chứng và báo cáo các bằng chứng về khả năng chất độc hóa học bị cấm đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Tuy nhiên, OPCW không được phép quy trách nhiệm cho ai đã thực hiện vụ tấn công này.

Anh và Pháp ra sức biện hộ cho cuộc tấn công Syria

Làn sóng chỉ trích từ các nhà chính trị đối lập tại Anh và Pháp đang nhằm vào Thủ tướng Theresa May và Tổng thống Emmanuel Macron vì đã quyết định cùng Mỹ tấn công Syria.

Phát biểu trước Quốc hội tại London, Thủ tướng Anh ngày 16/4 khẳng định quyết định tham gia cuộc tấn công Syria của bà là vì lợi ích quốc gia và không phải chịu bất cứ sức ép nào từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi không thực hiện vụ tấn công này bởi vì Tổng thống Trump yêu cầu. Chúng tôi quyết định tấn công vì tin rằng đây là hành động đúng đắn và chúng tôi không đơn độc trong hành động này. Chúng tôi có được sự ủng hộ quốc tế cho hành động lần này”, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh.

Bà May cùng khẳng định, bà không chờ Quốc hội Anh bật đèn xanh để tham gia cuộc tấn công này vì Anh cần phải hành động nhanh chóng.

Những chỉ trích nhắm vào vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp khi cho rằng mục đích của hành động này không gì khác ngoài việc lấy lại thế cân bằng chiến lược tại chiến trường Syria hay là làm suy yếu chế độ của Tổng thống al-Assad.

Bất chấp chỉ trích, liên minh Mỹ, Anh, Pháp vẫn khẳng định cuộc tấn công là hành động đúng đắn nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai và không hề can thiệp vào cuộc nội chiến Syria hay nhằm hạ bệ chế độ Assad. Tại cuộc gặp ở Luxembourg, Ngoại trưởng 28 nước Liên minh châu Âu cũng đã thể hiện ủng hộ với cuộc tấn công hôm 14/4.

Hai ngày sau cuộc tấn công tên lửa vào Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi chiến dịch này của lực lượng Mỹ và các đồng minh. Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Trump vẫn muốn rút một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ tại miền Bắc Syria về nước.

Nữ phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống không nêu thời điểm sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Ông Trump cũng tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Putin, song bà Sanders cũng ngụ ý rằng cuộc gặp này “không thể sớm diễn ra”./.

Hoàng Lê/VOV.VN -

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/nga-bac-cao-buoc-pha-hoai-bang-chung-ve-vu-khi-hoa-hoc-cua-my-752110.vov